Giá vàng tăng mạnh ngày vía Thần Tài, giao dịch online tăng đáng kể
Ngày 10/2, (tức ngày 10 tháng Giêng- ngày vía Thần Tài), theo ghi nhận của phóng viên tại các địa điểm mua bán vàng ở Hà Nội như Trung tâm vàng bạc trang sức của Doji, Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý... khách hàng đến giao dịch có tăng hơn các ngày trước nhưng so với mọi năm thì không còn cảnh “dồn ứ.”
Giá vàng tăng 550.000 đồng
Tại con phố kinh doanh vàng nổi tiếng bậc nhất Hà Nội (phố Trần Nhân Tông), lượng khách đến mua sôi động hơn hơn hẳn so các ngày trước. Mặt hàng được khách lựa chọn nhiều nhất vẫn là vàng miếng, nhẫn, vàng Thần Tài, con vật tạo hình linh vật hổ.
Dù giá vàng nhảy múa liên tục nhưng người mua vẫn đông bởi nhiều người quan niệm mua để lấy may cho cả năm chứ không phải đầu tư nên không để ý đến việc giá vàng thay đổi.
Chị Nguyễn Thị Mai (quận hai Bà Trưng) cho hay khoảng 10 năm nay, chị đều đi từ 5 giờ sáng để mua vàng. Số lượng vàng mua nhiều nhất là 5 chỉ, còn bình thường là 2 chỉ. Chị Mai đều lựa chọn sản phẩm vàng nhẫn trơn trong suốt 10 năm nay.
Còn anh Phạm Văn Tăng (Quận Long Biên-Hà Nội) cũng cho biết mấy năm trước anh thường dùng tiền được thưởng Tết cộng tiền tích lũy để mua vàng đúng ngày Thần Tài vì cứ nghĩ mua nhiều vàng vào ngày này thì sẽ có nhiều lộc nhưng thực ra hay bị mua giá cao. Năm nay, anh Quân chỉ mua 2 vỉ nhỏ dành cho các con và 1 nhẫn cho vợ đeo tay.
Sản phẩm được nhiều người chọn mua nhiều nhất là vàng miếng, nhẫn tròn trơn, đồng vàng Thần Tài và đồng vàng in linh vật năm. Đây đều là vàng ép vỉ trọng lượng từ 1-5 chỉ/sản phẩm.
Một số người đi mua vàng vào ngày này chia sẻ, chọn mua vàng ép vỉ bởi sau dễ mua bán trao đổi, giá lại áp theo thị trường. Họ mua để tích cóp lâu dài cũng yên tâm.
Bà Lê Thị Hiền, Phó Tổng Giám đốc Công ty vàng Doji cho biết lấy hình tượng Kim Dần - Hổ Vàng, Doji ra mắt phiên bản vàng ép vỉ 999.9 độc đáo Kim Dần Chiêu Tài, Kim Dần Phát Lộc. Sản phẩm này đáp ứng linh hoạt khả năng tài chính của từng khách hàng với trọng lượng 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ. Hình tượng Kim Dần tượng trưng cho sức mạnh giúp thu hút vượng khí, công danh hiển đạt, sự nghiệp vinh quang, kinh doanh tấn tài tấn lộc.
Đại diện các doanh nghiệp kinh doanh vàng cho hay kể từ khi mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào ngày 6/2, khách hàng đến giao dịch tăng hơn so với các ngày thường khoảng 30% và tăng so với cùng kỳ năm trước từ 10%-20%.
Về giá, sau khi giảm mạnh ở chiều ngày 8/2 và 9/2, sáng nay (10/2) giá vàng trong nước đã bật tăng tới 550.000 đồng mỗi lượng. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC từ 61,70-62,70 triệu đồng/lượng, tăng 550.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước.
Công ty Doji Hà Nội cũng điều chỉnh tăng 300.000 đồng/lượng, hiện doanh nghiệp này báo giá mua vào là 61,10 triệu đồng/lượng và bán ra là 62,70 triệu đồng/lượng. Tương tự, Công ty Phú Quý niêm yết giá mua và bán từ 61,65-62,55 triệu đồng/lượng, cũng tăng 150.000 đồng/lượng.
Cùng thời điểm trên, giá vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu phiên sáng nay cũng tăng 220.000 đồng/lượng, giá mới từ 53,30-54,40 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra).
Lỗ tiền triệu khi mua vàng trước ngày vía Thần Tài
Nhìn lại diễn biến trước ngày vía Thần Tài giá vàng liên tục có sự thay đổi sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, giá vàng trong nước đã tăng chóng mặt. 3 ngày trước ngày vía Thần Tài, ngày 7/2, giá vàng trong nước thiết lập mức đỉnh lịch sử khi tăng mạnh lên 63,5 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên gần đến ngày Thần Tài giá vàng lại có sự sụt giảm mạnh. Giá vàng nhảy múa liên tục khiến người tiêu dùng như rơi vào ma trận.
Nếu khách mua bán vàng vào lúc 9 giờ ngày 8/2, giá vàng miếng SJC ở mức 62,75 triệu đồng và 63,4 triệu đồng/lượng thì đến 16 giờ chiều cùng ngày giá vàng đã giảm xuống còn 61,8 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 62,52 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.
Cập nhật lúc cuối giờ ngày 9/2, các doanh nghiệp niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 61,35-62,15 triệu đồng/lượng, giảm 450.000 đồng ở chiều mua vào và 350.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với phiên sáng.
Đáng chú ý, nếu so với phiên giao dịch đầu tiên sau nghỉ Tết (7/2) và sáng 8/2, giá vàng miếng SJC hiện đã giảm từ 1-1,2 triệu đồng/lượng, tương đương mức giảm ròng hơn 2% chỉ sau 3 ngày.
Mức giảm sâu kể trên cộng với chênh lệch giá mua-bán SJC đưa ra khiến người mua vàng phiên 7/2 và sáng 8/2 đến nay đã chịu khoản lỗ gần 2 triệu/lượng, tương đương hơn 3,3% giá trị đầu tư.
Điều này khiến chênh lệch giá mua-bán vàng miếng tại các cửa hàng vàng tăng từ 1-1,6 triệu đồng.
So với cùng thời điểm năm ngoái, giá vàng đang cao hơn 6,13 triệu đồng/lượng. Nếu khách hàng mua 1 lượng vàng SJC tại Hà Nội vào ngày vía Thần Tài năm 2021 và bán trong phiên giao dịch sáng ngày 8/2 thì lãi 6,92 triệu đồng/lượng, còn bán vào buổi sáng 10/2 thì lãi 6,13 triệu đồng/lượng.
Giải thích về giá vàng có sự thay đổi, quản lý của một cơ sở kinh doanh vàng cho biết, giá vàng Việt Nam thay đổi theo xu hướng của giá vàng thế giới.
Thông thường mọi năm, giá vàng tăng ổn định trong dịp vía Thần Tài thì việc giảm như năm nay là khá hy hữu.
Theo tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, người tiêu dùng và nhà đầu tư cần cẩn trọng trong giai đoạn giá vàng biến động mạnh như hiện nay. "Thông thường, giá vàng trước và trong ngày vía Thần Tài thường tăng mạnh nhưng sau đó sẽ giảm rất sâu. Vì vậy, người mua vàng ngày vía Thần Tài cần cẩn trọng," ông Hiếu khuyến cáo.
Còn ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) nhận định: Những năm trước, càng sát ngày vía Thần Tài, giá vàng SJC càng tăng cao. Nhưng dự báo ngày 10/2/2022 (tức ngày vía Thần Tài), giá vàng sẽ dao động quanh mốc 63 triệu đồng/lượng.
Giao dịch online tăng mạnh
Hai năm trở lại đây do bị ảnh hưởng bởi dịch nên các doanh nghiệp kinh doanh vàng đã đẩy mạnh bán vàng online để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Chị Lan Anh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Trong các dịp cao điểm như Thần Tài, tôi thấy mua vàng trực tuyến thực sự rất an toàn và tiện lợi. Thay vì phải xếp hàng, chờ tới lượt giao dịch như mọi năm, mua online giúp tôi tiết kiệm thời gian hơn, tránh rủi ro cầm tiền mặt và đặc biệt hạn chế tiếp xúc nơi đông người.”
Còn anh Minh Tuấn (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) thì cho biết: “Mọi năm nhà tôi thường xếp hàng từ sáng sớm để mua vàng vào đúng vào ngày vía Thần tài. Năm nay, tôi được bạn bè giới thiệu hình thức mua vàng online qua app eGold của DOJI. Tôi đã dùng thử và thấy các thao tác khá nhanh, tiện lợi và quan trọng nhất là có thể mua vàng Thần Tài cầu may mà không cần tiếp xúc.”
Chính bởi những ưu điểm này, dịp Thần tài năm 2021, trong hai ngày mùng 9 và mùng 10 tháng Giêng Âm lịch, đã có hơn 3.000 giao dịch trên ứng dụng eGold. Khách hàng có thể lựa chọn các loại vàng ép vỉ của DOJI đang kinh doanh trên ứng dụng eGold, đặc biệt là vàng ép vỉ linh vật của năm hay vàng miếng SJC.
Bà Nguyễn Thanh Hương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn DOJI cho biết chỉ mất vài giây để tải App eGold trên nền tảng iOS, Android hoặc khách hàng có thể vào link website egold.doji.vn, các khách hàng có tài khoản tại ngân hàng TPBank đã đăng ký dịch vụ Internet banking có thể mua bán vàng theo hình thức giao dịch vàng trực tuyến eGold. Với các khách hàng chưa có tài khoản TPBank, cũng chỉ cần 2 phút để đăng ký tài khoản TPBank online và thực hiện các thao tác giao dịch tiếp theo.
Ông Trần Đức Mạnh, Trưởng phòng kinh doanh Công ty Cổ phần Đầu tư vàng Phú Quý cũng chia sẻ lượng khách đặt mua qua kênh trực tuyến năm nay đến thời điểm này đã tăng hơn năm trước khoảng 15%-20%.
Còn tại Bảo Tín Minh Châu, bà Nguyễn Thị Luyến, Phó Tổng Giám đốc Công ty, cho biết: “Ngay khi mới cửa trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào ngày 6/2, Công ty đã tiếp nhận các đơn hàng online dành cho khách hàng, chúng tôi bố trí riêng các quầy quỹ tại các cửa hàng để trả vàng vào đúng ngày Vía Thần Tài hôm nay. Ước tính lượng khách hàng giao dịch online năm nay khoảng 20% so với năm trước”./.