Giá gạo châu Á đạt mức cao nhất trong 15 năm
Bắt sóng giá gạo, một cổ phiếu ngành lương thực “tím ngắt” 5 phiên liên tiếp Giá gạo cao kỷ lục: Chọn lợi ích ngắn hạn hay thị trường dài lâu? |
Giá gạo xuất khẩu Thái Lan tăng mạnh
Hưởng lợi từ lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, ông Jurin Laksanawisit - Bộ trưởng Thương mại tạm quyền Thái Lan cho biết, trong 7 tháng đầu năm, Thái Lan đã xuất khẩu 4,8 triệu tấn ra nước ngoài, đồng thời xuất khẩu hàng tháng ở mức 700.000 - 800.000 tấn.
Theo bộ Thương mại Thái Lan, tính đến ngày 4/8, giá gạo thơm lài dao động từ 14.500 đến 16.000 baht/tấn (9 - 10 triệu đồng/tấn), gạo nếp dao động từ 13.500 - 14.700 baht/tấn và gạo thơm Pathum Thani dao động từ 12.000 - 13.000 baht/tấn.
Một công nhân dỡ các bao gạo nhập khẩu từ Thái Lan từ một tàu chở hàng tại cảng Malahayati ở Krueng Raya, tỉnh Aceh của Indonesia. (Ảnh: AFP) |
Trong bản cập nhật giá gạo hàng tháng phát hành vào ngày 8/8, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) của Liên Hợp Quốc cho biết trong vòng hai tuần, báo giá gạo trắng 100% B của Thái Lan đã tăng 38 USD, nâng mức trung bình hàng tháng lên 562 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 2/2021. Theo dữ liệu từ Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan được Bloomberg trích dẫn, với giá gần 650 USD/tấn, giá gạo trắng Thái Lan 5% tấm chưa từng đắt như vậy kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra vào tháng 10/2008.
Ngoài lệnh cấm xuất khẩu từ Ấn Độ, lý do chính khiến giá gạo toàn cầu tăng gần mức cao nhất là do lo ngại về tác động tiềm ẩn của El Nino đối với sản xuất, sự gián đoạn do mưa và sự thay đổi chất lượng trong vụ thu hoạch hè thu. Đầu tháng này, Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) ước tính rằng tác động của El Nino có thể khiến sản lượng gạo của nước này giảm 1-2 triệu tấn so với mức 20 tấn gạo mỗi năm.
Dựa trên dự báo của Ban Kinh tế nông nghiệp, tổng diện tích trồng lúa của Thái Lan năm 2023 (vụ thu hoạch 2023-2024) ước đạt 62,3 triệu rai (xấp xỉ 10 triệu ha), giảm 602.000 rai (96.000 ha) tương đương 0,96% so với năm trước, với sản lượng thóc đạt 25,7 triệu tấn giảm 871.000 tấn, tương đương 3,27% so với năm trước. Cục Khí tượng thái Lan dự báo, tổng lượng mưa trong mùa mưa năm nay ít hơn năm trước và có thể xảy ra hạn hán, dẫn đến tình trạng thiếu nước ở các vùng sản xuất nông nghiệp, nhất là các khu vực hệ thống thủy lợi còn hạn chế và phụ thuộc nhiều vào nước mưa để tưới tiêu. Do đó, một số nông dân có thể bỏ hoang ruộng của họ, và ở một số vùng, việc trồng lúa có thể bị giới hạn chỉ trong một vụ mùa.
Tuy nhiên, Bộ Nội thương Thái Lan báo cáo rằng giá bán lẻ vẫn ổn định. Năm nay, giá trung bình của gạo thơm và gạo trắng lần lượt là 210 baht và 118 baht/bao (80.000 đồng/bao 5 kg), so với 209 baht và 119 baht/bao năm ngoái.
Theo dự kiến, Thái Lan sẽ xuất khẩu hơn 8 triệu tấn gạo trong năm nay sau khi đạt mốc 4,2 triệu tấn trong 6 tháng đầu năm, tăng so với mức 7,71 triệu tấn của năm ngoái.
Việt Nam ổn định thị trường gạo, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính từ 3 - 10/8/2023, giá lúa gạo trong nước đã tăng từ 500 – 1.300 đồng/kg. Trên thị trường xuất khẩu, ngày 10/8, giá gạo xuất khẩu 5% tấm giao dịch ở mức 638 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 618 USD/tấn. Trong tuần qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục điều chỉnh tăng 20 USD/tấn so với tuần trước.
Theo báo cáo ngày 2/8/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự kiến năm 2023 cả nước gieo trồng được 7,1 triệu ha, năng suất trung bình đạt 6,07 tấn/ha, sản lượng đạt trên 43,1 triệu tấn, tăng 452.000 tấn so với năm 2022.
Hiện các địa phương đẩy nhanh tiến độ gieo cấy vụ Mùa và vụ Thu Đông năm 2023 và thu hoạch vụ Hè Thu năm 2023 (diện tích vụ Thu Đông tăng 50.000 ha lên mức 700.000 ha).
Trước những biến động của tình hình thị trường lúa gạo thế giới, Bộ Công Thương đã có công văn hỏa tốc đề nghị doanh nghiệp không mua gom ồ ạt lúa gạo. Theo đó, đề nghị các doanh nghiệp có phương án về nguồn hàng lúa gạo, đảm bảo cung ứng cho thị trường từ nay đến cuối năm 2023 và giai đoạn Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 với giá bình ổn.
Việt Nam giữ bình ổn giá gạo. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN) |
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn duy trì lượng lúa gạo dự trữ bình ổn thị trường theo quy định để sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần thiết; thực hiện thu mua giao hàng theo tiến độ hợp lý và cân đối lượng xuất khẩu nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước.
Bộ Công Thương cũng lưu ý, các doanh nghiệp tránh mua gom ồ ạt gây bất ổn thị trường, mất cân đối cung cầu cục bộ đẩy giá lúa gạo trong nước tăng bất hợp lý.
Tại Hội nghị Sơ kết tình hình xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2023, bàn phương hướng điều hành xuất khẩu những tháng cuối năm tại Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: “Việc tận dụng thời cơ về giá để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu gạo, khai thác thị trường truyền thống và mở rộng thị trường tiềm năng cần khẩn trương, nhưng gắn với đó phải giữ được thương hiệu gạo đã xây dựng thời gian qua, đồng thời đảm bảo giữ vững an ninh lương thực quốc gia.”
Đặc biệt, ngày 5/8/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2023 về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Chủ tịch UBND chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, trục lợi bất chính, đẩy giá lúa gạo lên cao bất hợp lý, gây bất ổn thị trường trong nước, uy tín của thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Phát biểu tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 14/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu: Tình hình lương thực trên thế giới một số nước cấm xuất khẩu gạo, một số nước rút khỏi thỏa thuận lương thực nên giá gạo tăng lên. Ta tận dụng cơ hội này như thế nào mà vẫn đảm bảo được ổn định thị trường và an ninh lương thực trong nước là bài toán cần phải tính toán để đạt được đa mục tiêu trong giai đoạn này. |