Giá dầu có thể phục hồi do áp lực đóng vị thế cuối tuần
Triển vọng nhu cầu kém sắc tại Trung Quốc và Mỹ đang gây áp lực lớn đối giá dầu. Nền kinh tế Mỹ tiếp tục cho thấy dấu hiệu suy yếu khi sản lượng công nghiệp và sản lượng sản xuất giảm lần lượt 0,6% và 0,7% trong tháng 10, giảm mạnh hơn nhiều dự báo.
Trong khi đó, biên lợi nhuận lọc dầu thấp tại Trung Quốc đang là yếu tố chính khiến các nhà máy lọc dầu cắt giảm công suất hoạt động. Ngoài ra, theo tính chu kỳ, nhu cầu dầu cũng thường giảm trong các tháng cuối năm. Do vậy, về phía nhu cầu, động lực hỗ trợ giá có thể không còn nhiều.
Bên cạnh đó, tình trạng dư cung trong ngắn hạn cũng khiến giá dầu chịu nhiều sức ép. Tồn kho tại Cushing, Oklahoma, điểm giao hàng dầu kỳ hạn WTI của Mỹ đã tăng tổng cộng 4 triệu thùng trong 4 tuần gần nhất.
Thị trường một lần nữa rơi vào trạng thái “contango” sau 4 tháng, một cấu trúc mà giá của các hợp đồng kỳ hạn xa cao hơn các kỳ hạn gần và khi càng đến gần ngày đáo hạn, các hợp đồng kỳ hạn sẽ giảm về gần với giá giao ngay. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư đang tin rằng thị trường sẽ trở nên dư cung, đẩy giá dầu đi xuống.
Việc giá dầu giảm xuống mức thấp nhất 4 tháng có thể gây áp lực lên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+). Trước đó, phần lớn thị trường dự đoán rằng Saudi Arabia, thủ lĩnh của nhóm sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng sang năm 2024 do nhu cầu yếu. Do vậy, kỳ vọng hỗ trợ giá lớn nhất hiện tại có thể đến từ phía OPEC+, nếu tổ chức này tiếp tục tuyên bố gia hạn cắt giảm sản lượng dầu trong cuộc họp ngày 26/11 sắp tới.
Về mặt kỹ thuật khung 4H, đà giảm của giá dầu có dấu hiệu chững lại tại hỗ trợ 72 USD. RSI cũng đã đi vào vùng quá bán. Ngoài ra, áp lực đóng vị thế cuối tuần cũng có thể hỗ trợ giá phục hồi. Dự kiến giá sẽ dao động trong biên độ 72 - 74 USD phiên hôm nay.