Gạo Việt Nam ngon nhất, đắt nhất thế giới: Nghĩ gần, nghĩ xa
Phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam Giá gạo Việt Nam xuất khẩu tăng mức cao nhất trong 3 tháng |
Mấy bữa nay, liên tiếp tin vui về hạt gạo Việt Nam từ những phương trời xa bay về. Đầu tiên là kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2023 có thể nói là cao nhất từ trước đến nay, rồi giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt mức cao nhất ở mức chưa từng thấy.
Chưa hết, cũng lại là một tin vui nữa làm cho hạt gạo Việt Nam thêm phần “mở mày mở mặt” khi danh hiệu loại gạo ngon nhất thế giới là thuộc về một loại gạo của Việt Nam, gạo ST25.
Chắc hẳn khi sáng tác những dòng thơ của bài “Hạt gạo làng ta”, thi sĩ thần đồng Trần Đăng Khoa ít có thể mường tượng những niềm vui, niềm động viên lớn như thế về những hạt gạo “có bão tháng bảy có mưa tháng ba” của một thời “bom đạn vàng như lúa đồng”.
Hạt gạo của làng ta những năm tháng ấy là nguồn động viên sâu xa cho đất nước sản xuất và cầm súng, kết tinh lao động, công sức của người dân.
Hạt gạo làng ta hôm nay đã xuống tàu đi xa ra ngoài biên giới đất nước, chinh phục các thị trường. Trong đó có nhiều thị trường, gạo Việt Nam là nguồn bảo đảm quan trọng cho an ninh lương thực nơi sở tại. Gạo Việt Nam vì thế mà đã đồng nghĩa với văn hoá, với thương hiệu của cả đất nước, sánh ngang vai cùng gạo Thái, gạo Ấn.
Ảnh minh hoạ. |
Những tin vui như trên cho thấy gạo Việt Nam ngon, gạo Việt Nam được giá không còn là ẩn chứa yếu tố thăm dò thị trường, xuất hiện kiểu du kích để rồi gây “thương nhớ”cho người tiêu dùng các nước mà thực sự minh chứng cho một thực lực, có thể tạm gọi như thế.
Song từ những tin vui ấy để làm nên một cường quốc gạo Việt Nam hay nói một cách giản dị hơn, một cường quốc về thương hiệu gạo vẫn còn là cả một chặng đường dài với không ít việc phải làm. Gạo ngon, gạo được giá ai cũng mừng cũng vui nhưng có vẻ như chưa thể đủ sức gây dựng một thương hiệu toàn cầu cho gạo Việt Nam. Các thương nhân gạo xuất khẩu của Việt Nam xem ra vẫn mê mải chinh phục thị trường bằng những hợp đồng lớn nhỏ mà chưa thực sự mặn mà, chưa thực sự để tâm đến việc cùng liên kết tìm và khẳng định một chỗ đứng trong các chuỗi cung ứng.
Những thương hiệu gạo Việt Nam như ST25 ngon vậy và còn có thể ngon hơn nữa và có thể có thêm vài chục loại Việt Nam ngon nhất nhì thế giới, châu lục nhưng xét cho cùng cũng mới là những đốm lửa có thể đủ nhiệt độ nhưng chưa đủ nhiệt lượng cho sự sống động của ngọn lửa thương hiệu gạo Việt Nam.
Rõ ràng thực tế ở đây đòi hỏi cách làm thị trường, cách làm thương hiệu phải rất bài bản, rất chịu khó như thành công không phải đâu xa của mít Thái, xoài Thái, kiwi New Zealand. Cũng cần giải một bài toán mang tính hữu cơ nữa là mối quan hệ của một thương hiệu gạo quốc gia Việt Nam với các thương hiệu gạo đã và đang nổi tiếng trong nước.
Bối cảnh mới phát triển đòi hỏi giảm thải phát thải khí CO2 đang đặt ra nhiều thách thức cho sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất gạo nói riêng khi việc trồng lúa là một trong những lĩnh vực gây phát thải CO2 nhiều nhất. Thách thức cũng là cơ hội để thúc đẩy hạt gạo Việt Nam đi sâu nâng tầm chất lượng, nâng tầm thương hiệu, để thêm động lực nhân lên những niềm vui như đã có ở trên.
Đang có những động thái quyết liệt để nâng tầm thương hiệu gạo Việt Nam. Đó là việc quyết định cho thành lập Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam- ngành hàng đầu tiên ở Việt Nam có mô hình tổ chức hiệp hội để tạo một không gian của các doanh nghiệp, các nhà khoa học, cơ quan quản lý, hợp tác xã, người dân cùng định hình một chiến lược lâu dài cho ngành mà chắc chắn không thể thiếu được việc định hình thương hiệu quốc gia cho gạo Việt Nam.
Cùng với đó Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng là mang cái kỳ vọng lớn lao về thương hiệu gạo Việt Nam.
Không còn nghi ngờ gì khi việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam cho ngày mai cần được bắt đầu từ hôm nay.