FTA thế hệ mới: "Đòn bẩy" cho thị trường năng lượng tái tạo
Khối Nghiên cứu Toàn cầu HSBC đã chỉ ra, Việt Nam có tiềm năng tốt nhất để đóng góp năng lượng tái tạo (NLTT) trên toàn khu vực ASEAN, với các khoản đầu tư nước ngoài đang thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành này. Chỉ trong vài năm gần đây, từ gần như là con số 0, Việt Nam hiện đã phát triển trở thành thị trường hàng đầu Đông Nam Á về điện mặt trời.
Thực tế, thị trường NLTT Việt Nam vẫn luôn hút vốn ngoại khi nhu cầu nguồn điện carbon thấp có xu hướng ngày càng tăng. Bên cạnh lĩnh vực điện mặt trời, năng lượng điện gió cũng đang được nhiều nhà đầu tư ngoại chú ý rót vốn đầu tư.
Ông Yalim Ozilhan - Giám đốc khu vực Đông Nam Á của EDF Renewables - thành viên của Tập đoàn Điện lực Pháp - cho biết, NLTT là một trong những lĩnh vực có tiềm năng phát triển rất lớn tại Việt Nam. Với thế mạnh về giải pháp điện mặt trời áp mái trên toàn cầu, EDF rất quan tâm và mong muốn đầu tư mở rộng phạm vi hoạt động tại thị trường này.
Năng lượng tái tạo tại Việt Nam là một trong những lĩnh vực đang được nhiều nhà đầu tư ngoại chú ý rót vốn đầu tư |
Cụ thể, EDF Renewables vừa tham gia đầu tư vào SkyX Energy thuộc Tập đoàn VinaCapital và là đơn vị chủ quản của nhà phát triển điện mặt trời áp mái SkyX Solar. Con số đầu tư chưa chính thức song EDF Renewables, SkyX Solar dự kiến trong vòng 2-3 năm tới sẽ đầu tư ít nhất 100 triệu USD để phát triển thêm 200MWp điện mặt trời áp mái phục vụ khách hàng thương mại và công nghiệp tại Việt Nam.
Tương tự, vừa qua Ngân hàng HSBC Việt Nam cũng xác nhận thỏa thuận cung cấp khoản tín dụng xanh ngắn hạn trong lĩnh vực tổng thầu xây lắp các dự án NLTT cho Công ty cổ phần Xây lắp Điện 1 (PCC1), một công ty Việt Nam hàng đầu về tổng thầu xây dựng điện.
Đây cũng là khoản tài chính bền vững đầu tiên mà HSBC cấp cho một doanh nghiệp điện gió trong nước và cũng là khoản tín dụng xanh thứ 3 cho các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực NLTT, sau 2 giao dịch dành cho dự án điện mặt trời trên mái nhà của Công ty cổ phần Năng lượng Mặt trời REE.
Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng đang là một trong những nhà đầu tư tiềm năng của Việt Nam. Theo Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma, với những định hướng chiến lược trong chính sách năng lượng quốc gia, Ấn Độ đang mở rộng mục tiêu là đạt công suất lắp đặt 175 GW cho NLTT vào năm 2022 thành 450 GW vào năm 2030.
Theo ông Verma, hiện một số công ty Ấn Độ đã đầu tư vào lĩnh vực NLTT của Việt Nam, nhất là vào các nhà máy năng lượng mặt trời và khí sinh học. Việc xây dựng nhà máy điện mặt trời 50 MW tại huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận của Adani và Nhà máy điện sinh khối KCP 30 MW ở tỉnh Phú Yên là những ví dụ. Ngoài ra, một số công ty Ấn Độ khác cũng đã thể hiện sự quan tâm và một số tỉnh ở Việt Nam đã tiếp cận để có thể hợp tác trong lĩnh vực NLTT với các công ty.
Giáo sư Gopalakrishnan Iyer - Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến năng lượng tái tạo Ấn Độ - cho biết, tiềm năng tăng trưởng cho năng lượng mặt trời ở Ấn Độ lên đến 400 GW vào năm 2024-2025, tức 10 lần công suất hiện tại. Tương tự, công suất gió hiện là 40 GW có khả năng tăng gấp 3, lên 150 GW vào năm 2024-2025.
"Nền kinh tế Việt Nam sẽ cần 96,5 GW vào năm 2025, trong đó có mục tiêu tăng 2 GW NLTT (gió và mặt trời) hiện tại lên 30,6 GW vào năm 2025. Hơn nữa, tổng tiềm năng của Việt Nam về năng lượng mặt trời là 385 GW và đối với gió (ngoài khơi) là 160 GW. Ấn Độ sẵn sàng hỗ trợ cho Việt Nam trong lĩnh vực này", ông Iyer nói.
Mặc dù các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP đã mang lại những hiệu quả đáng ghi nhận trong việc thu hút nguồn vốn FDI vào Việt Nam, trong đó ngành năng lượng đang có sức hấp dẫn lớn. Theo các tổ chức quốc tế, Việt Nam đang ghi nhận mức đầu tư vào năng lượng tái tạo cao nhất trong khu vực ASEAN. Để thu hút thêm vốn FDI và cung cấp cho các công ty nước ngoài nguồn năng lượng bền vững hơn, Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với NLTT.
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu giảm phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050, phát triển NLTT sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu trong hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và quốc tế thời gian tới. Và để tạo niềm tin cho nhà đầu tư, Việt Nam cần chú trọng khuyến khích chuyển dịch năng lượng, tạo điều kiện chuyển đổi sang các nguồn điện sạch hơn và loại bỏ than; Thúc đẩy các tiêu chuẩn tiết kiệm và hiệu quả năng lượng.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần giới thiệu các thực hành tốt và tạo điều kiện tiếp cận tài chính cho giải pháp thích ứng và phục hồi với tác động của biến đổi khí hậu; chú trọng các giải pháp dựa vào thiên nhiên và tạo điều kiện tiếp cận nguồn tài chính khí hậu bền vững, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế.