Doanh nghiệp Séc quan tâm đến môi trường đầu tư Việt Nam
Các doanh nghiệp Séc tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam Vĩnh Phúc "trải thảm đỏ" mời doanh nghiệp Séc tới đầu tư |
Việt Nam hấp dẫn doanh nghiệp Cộng hoà Séc
Tháp tùng Bộ trưởng Cộng hoà Séc, ông Jozef Síkela thăm Việt Nam từ ngày 19-22/2 là các doanh nghiệp hàng đầu của Séc trong các lĩnh vực có tiềm năng phát triển cao, bao gồm: Năng lượng, xây dựng, tư vấn luật, hệ thống an ninh mạng, dịch vụ đào tạo phi công, vận hành lưới điện, sản xuất bảng mạch, phát triển phần mềm, sản xuất các modun điện tử, dược phẩm, thực phẩm chức năng, vận tải hàng hóa – đường biển, đường hàng không, thiết bị ngành than, bảo hiểm tín dụng, y tế, cơ khí…
Được biết, đây đều là những doanh nghiệp đang rất quan tâm đến môi trường đầu tư Việt Nam và mong muốn được kết nối, hợp hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam nhằm thúc đẩy thương mại, đầu tư Việt Nam – Séc trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tham dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Séc |
Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Séc do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp cùng Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Việt Nam và Liên đoàn Công nghiệp Séc tổ chức nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Bộ trưởng Bộ Công Thương Cộng hoà Séc diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Cộng hoà Séc, ông Jozef Síkela cho biết: Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhanh và ổn định nhất châu Á cùng với dân số đông lên tới 100 triệu người. Chúng tôi nhìn thấy cơ hội đầu tư kinh tế rất tuyệt vời ở mọi miền đất nước Việt Nam. Và đây cũng chính là lý do, thời gian gần đây các doanh nghiệp Séc đang dành sự quan tâm rất lớn đến môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Cũng đánh giá cao về môi trường đầu tư tại Việt Nam, ông Jaroslav Hanak - Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Cộng hòa Séc chỉ ra rằng: Những năm qua, chúng tôi đã đến Việt Nam nhiều lần với đoàn doanh nghiệp Séc, rất nhiều công ty tại Séc ở nhiều lĩnh vực khác nhau đã thể hiện sự quan tâm với môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Cũng theo ông Jaroslav Hanak, phía Séc không chỉ coi Việt Nam là một lãnh thổ xuất khẩu mà còn là một đối tác cần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị và gần gũi. Theo đó, các công ty Séc sở hữu nhiều lợi thế như linh hoạt, sáng tạo, giàu nhiều kinh nghiệm trên thị trường quốc tế, từ đó có thể mang lại giá trị với các đối tác kinh doanh tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Séc trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Séc diễn ra vào chiều 21/2 |
Cam kết tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Cộng hoà Séc
Theo ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Việt Nam và Séc đã trải qua hơn 70 năm quan hệ hữu nghị, trong bối cảnh đó hợp tác giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực, từ chính trị ngoại giao cho đến thương mại đầu tư.
Cụ thể, trong lĩnh vực thương mại, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhưng hai năm qua, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Cộng hoà Séc vẫn tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2022, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với Cộng hòa Séc đạt hơn 828 triệu USD, tăng 12,65% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Séc đạt hơn 668 triệu USD tăng 14,58%; nhập khẩu từ Séc vào Việt Nam đạt 160 triệu USD tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Về đầu tư, tính đến cuối tháng 5/2022, Cộng hòa Séc có 41 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 92,39 triệu USD, đứng thứ 49/139 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam. Các dự án của Séc tại Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực: Khai khoáng, dịch vụ lưu trú và ăn uống, công nghiệp chế biến chế tạo, bán buôn bán lẻ, kinh doanh bất động sản với quy mô vừa và nhỏ.
Mặc dù doanh nghiệp Cộng hoà Séc đang dành sự quan tâm đặc biệt đến môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, nhưng theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, hợp tác thương mại, đầu tư của doanh nghiệp hai nước thời gian qua vẫn chua tương xứng với tiềm năng của doanh nghiệp hai nước.
Đánh giá về triển vọng đầu tư tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Việt Nam là quốc gia thành viên của Cộng đồng kinh tế ASEAN với trên 600 triệu dân, nằm ở khu vực được đánh giá và dự báo là năng động, có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất thế giới, có quy mô GDP 2.800 tỷ USD, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Đến nay, Việt Nam đã tham gia đầy đủ các định chế kinh tế toàn cầu, mở rộng thị trường hàng hóa dịch vụ, đầu tư quốc tế. Việt Nam đã mở rộng quan hệ ngoại giao, chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, giáo dục đào tạo… với trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, đồng thời tham gia tích cực vào nhiều Diễn đàn và tổ chức kinh tế quốc tế như: Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM)...
Việt Nam đã ký kết 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với 55 quốc gia và vùng lãnh thổ, đang đàm phán 2 FTA khác. Trong đó có những Hiệp định thương mại tự do đa phương lớn như Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
‘Việt Nam tham gia và ký kết FTA với 17/20 đối tác trong G20, 7/7 đối tác trong G7. Trong quá trình hội nhập sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam với 55 nền kinh tế, hơn 90% dòng thuế suất sẽ có lộ trình cắt giảm về 0%. Đây được xem là lợi thế lớn cho các nhà đầu tư khi đầu tư kinh doanh tại Việt Nam’ - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin.
Đặc biệt, trước thông tin nhiều doanh nghiệp Cộng hoà Séc đang dành sự quan tâm đến môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng: Bộ Công Thương cam kết tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy hoạt động kinh doanh, thương mại và đầu tư của doanh nghiệp Séc tại Việt Nam, phù hợp với những chính sách, chủ trương mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế mà Việt Nam đang triển khai.