Dịch sởi ''hoành hành'' tại nhiều tỉnh thành, cảnh báo mức độ nguy hiểm
Trong bối cảnh số ca sởi tăng nhanh và đã có 3 trẻ mắc bệnh sởi tử vong, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, đã kiến nghị UBND TP. Hồ Chí Minh công bố dịch sởi.
Cụ thể, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh (HCDC), đã có 3 trẻ tử vong do mắc bệnh sởi ở TP. Hồ Chí Minh rải rác từ tháng 6 đến nay. Số ca mắc bệnh sởi bắt đầu tăng từ cuối tháng 5 và tuần gần nhất đã có đến 60 ca sốt phát ban nghi mắc sởi/tuần. Ba quận, huyện có số ca sởi cao nhất là quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và Hóc Môn.
Cụ thể, trường hợp thứ nhất là bé gái 3 tuổi, có bệnh nền suy giảm miễn dịch thể giảm kháng thể, chậm phát triển tâm vận, suy dinh dưỡng, bé chưa được tiêm chủng vắc xin sởi. Trường hợp thứ 2 là bé gái 4 tháng tuổi, bị hội chứng Cushing, tăng tuyến thượng thận, chưa đủ tuổi tiêm chủng. Trường hợp thứ ba là bé trai 7 tuổi, bị bệnh bạch cầu cấp dòng lympho đã ghép tủy, suy tim và suy thận mạn, đã tiêm chủng 2 mũi vắc xin sởi. Cả 3 trẻ này đều mắc những bệnh lý mạn tính, dẫn đến biến chứng nặng khi mắc bệnh sởi và đã tử vong dù được tích cực điều trị.
Trẻ mắc bệnh sởi được thăm khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.Hồ Chí Minh). Ảnh: Báo Người Lao Động |
Theo báo cáo từ các bệnh viện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, tính đến ngày 4/8/2024 đã có 505 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 262 ca xét nghiệm dương tính, hơn 50% là các ca bệnh ở tỉnh thành khác đến khám và điều trị tại thành phố.
Chỉ tính riêng các trường hợp có địa chỉ tại TP. Hồ Chí Minh, có 201 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó 116 ca xét nghiệm dương tính. Trong khi đó từ năm 2021 đến năm 2023 cả thành phố chỉ có một ca xét nghiệm dương tính.
Hiện tại, toàn thành phố đã có 48 phường, xã trên 14 quận, huyện có ca bệnh sởi xác định, 8 quận, huyện có từ 2 phường xã trở lên có ca bệnh. Trong 116 ca xác định có 27,6% là trẻ dưới 9 tháng tuổi, 78,4% là trẻ dưới 5 tuổi. Số bệnh nhân chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi chiếm đến 66% và có đến 30% không rõ tiền sử tiêm chủng.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do vi rút sởi gây nên. Bệnh có các triệu chứng khởi đầu: Sốt, viêm màng kết mạc mắt, viêm sổ mũi, ho và có nốt koplik ở niêm mạc miệng. Ban đỏ xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Ban đầu từ mặt, sau lan ra toàn thân và kéo dài từ 4 – 7 ngày. Đôi khi bệnh kết thúc trong quá trình tróc vảy; giảm bạch cầu là triệu chứng phổ biến của bệnh.
Bệnh lây truyền bởi không khí bị nhiễm các hạt nước miếng có chứa virus, thường lây do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết của mũi họng bệnh nhân. Và đôi khi, có thể lây bởi những đồ vật mới bị nhiễm bẩn, các chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân.
Mọi người đều có thể mắc bệnh sởi, tuy nhiên bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi. Những trẻ không được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ là đối tượng đầu tiên của bệnh sởi và trở thành "cầu nối" lây nhiễm cho những người xung quanh, bao gồm người lớn chưa được chủng ngừa sởi trước đây, trẻ nhỏ chưa đến tuổi chỉ định tiêm ngừa sởi và cả những người đã tiêm ngừa đủ 2 mũi. Chỉ khi tỉ lệ miễn dịch trong cộng đồng đạt trên 95% với 2 liều vắc xin, dịch bệnh sởi mới có thể được kiểm soát.
Bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh, khuyến cáo nếu phát hiện con trẻ vừa bị sốt phát ban, phụ huynh cần hạn chế không cho tiếp xúc với những trẻ khác. Tốt nhất phụ huynh nên cho con ở nhà để cách ly, theo dõi, nếu phát ban ngày càng tăng kèm theo ho, sổ mũi, cần đưa trẻ đi khám ngay để chẩn đoán đúng bệnh.
Cha mẹ giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ và giữ vệ sinh môi trường, tránh cho trẻ tiếp xúc với người ho, người bệnh. Người chăm sóc trẻ bệnh phải rửa tay, mang khẩu trang để tránh lây lan bệnh.
Đặc biệt, ngành y tế khuyến cáo các bậc phụ huynh hãy đưa con em đến cơ sở y tế tiêm đủ hai mũi sởi theo lịch tiêm chủng để tạo miễn dịch cho trẻ. Mũi 1, tiêm khi trẻ đủ 9 tháng tuổi. Mũi 2 tiêm khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.