Đêm nay 9/10, Việt Nam đón cực đại mưa sao băng Draconids
Việt Nam đón mưa sao băng đẹp nhất trong năm Đêm nay sẽ có mưa sao băng lớn nhất trong năm Từ Việt Nam có thể quan sát mưa sao băng Orionids vào rạng sáng 21/10 |
Theo Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA), tối nay, 09/10, nếu ở khu vực thời tiết đẹp và ít ô nhiễm, bạn có thể quan sát được mưa sao băng Draconids. Đây là một mưa sao băng nhỏ với mật độ cực điểm tối đa chỉ đạt 10 sao băng mỗi giờ ngay cả khi thời tiết lý tưởng. Khu vực trung tâm của nó là chòm sao Draco. Đây là chòm sao khá dễ để nhận ra.
Ảnh minh họa |
Từ 18h30 (khi trời đã đủ tối) đến trước nửa đêm, hãy nhìn về bầu trời Bắc, bạn sẽ không khó để tìm thấy những ngôi sao sắp xếp thành hình dạng nếu trời đủ trong (không mây, ít ô nhiễm). Draco có hình ảnh một con rồng lượn quanh hai chòm sao Ursa Major (Gấu Lớn) và Ursa Minor (Gấu Nhỏ) với cái đầu là một hình tứ giác tạo thành từ 4 sao khá dễ nhận biết. Bạn cũng có thể tìm thấy hình tứ giác này bằng cách lấy mốc từ sao Vega (sao sáng nhất của chòm sao Lyra) - ngôi sao sáng nhất trong khu vực bầu trời đó.
Draconids là một trận mưa sao băng bất thường vì thời điểm đẹp nhất để xem nó là vào chập tối thay vì rạng sáng như phần lớn những trận mưa sao băng khác. Trận mưa sao băng diễn ra từ ngày 6 - 10/10 hàng năm và năm nay sẽ đạt cực đại vào đêm ngày 9/10, rạng sáng 10-10, với vị trí quan sát tốt là các quốc gia thuộc Bắc bán cầu.
Năm nay, trăng bán nguyệt đầu tháng sẽ làm lu mờ tất cả trừ những sao băng sáng nhất. Nếu bạn kiên nhẫn, bạn vẫn sẽ có thể bắt gặp được một vài cảnh đẹp. Thời điểm quan sát tốt nhất sẽ là chập tối từ một địa điểm tối cách xa ánh đèn thành phố. Các sao băng sẽ tỏa ra từ chòm sao Draco nhưng có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên bầu trời.
Mưa sao băng là sự kiện xảy ra khi các chùm mảnh vỡ vũ trụ chủ yếu do sao chổi hoặc tiểu hành tinh (hiếm gặp hơn) đi qua bầu khí quyển của Trái đất với tốc độ cao và bốc cháy. Trong những sự kiện này, nhiều thiên thạch có thể được nhìn thấy thành vệt trên bầu trời. |