Có nên thu phí sử dụng vỉa hè ?
Ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn trên cả nước, chính quyền đã nhiều lần ra quân lập lại trật tự vỉa hè, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có hiệu quả. Sau mỗi đợt ra quân, chỉ một thời gian ngắn sau đó hầu hết trên các tuyến phố trong nội đô, vỉa hè đều bị các cửa hàng, cơ sở kinh doanh ngang nhiên chiếm dụng lại. Họ bày hàng hóa, làm quán nước, các dịch vụ ăn nhanh, trông giữ xe,... rồi lại đẩy người đi bộ xuống lòng đường.
Không ít người lao động nghèo dựa vào vỉa hè để mưu sinh. |
Tiếp tục giải bài toán quản lý trật tự lòng đường, vỉa hè quy củ, nề nếp hơn, tại phiên họp chuyên đề của Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho hay, hiện một số quận ở Hà Nội đã đề xuất các tuyến phố có đủ điều kiện hạ tầng để thí điểm cho thuê vỉa hè. Trong đó, quận Hoàn Kiếm đề xuất thí điểm giai đoạn một cho thuê kinh doanh ở 10 tuyến phố với 36 vị trí.
Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh từ 1/1/2024 tới đây sẽ áp dụng quy định mới về quản lý lòng đường, hè phố, một số trường hợp được sử dụng và đóng phí với mức 20.000 đến 350.000 đồng/m2, tùy khu vực. Vỉa hè thuộc diện "cho thuê" phải rộng ít nhất 3 m, trong đó 1,5 m dành cho người đi bộ.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc thu phí sử dụng vỉa hè là quyết định rất hợp tình, hợp lý của chính quyền thành phố. Bởi vỉa hè không phải chỉ dành cho người đi bộ, nếu đủ rộng và nơi đó kinh doanh sầm uất thì Nhà nước nên sắp xếp lại trật tự vỉa hè để cho người dân kinh doanh, vừa tạo mỹ quan vừa tạo ra công ăn việc làm vừa thu phí để lấy tiền đó chỉnh trang đô thị. Ví dụ như lấy tiền đó phụ sửa đường cống thoát nước, trồng cây xanh,…
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là chính quyền sẽ quản lý, khai thác như thế nào để vừa đảm bảo mỹ quan, vệ sinh vừa minh bạch. Vỉa hè mà cho thuê để kinh doanh thì sẽ nhếch nhác vô cùng. Vì lúc đó người thuê sẽ lạm quyền vì bỏ tiền ra thuê, chưa được phép họ còn xả thải bừa bãi nữa là được phép và đã trả tiền thuê.
Ngoài ra sẽ khó tránh khỏi những cá nhân liên kết với nhau để thao túng, đầu cơ vỉa hè và đẩy giá thuê vỉa hè "lên trời". Việc đó sẽ khiến người lao động nghèo không có cơ hội sử dụng, còn người khá hơn sẽ buộc phải đẩy giá cả lên cao để bù lỗ. Thêm nữa việc đẩy giá cũng sẽ khiến cho giá hàng rong vỉa hè cao hơn làm mất tính hấp dẫn của môi trường du lịch, hệ quả sẽ rất khó lường.
Theo như đề xuất của chính quyền thành phố, vỉa hè sẽ kẻ vạch thành 2 phần, phía bên trong sẽ cho thuê thu phí, còn bên ngoài dành cho người đi bộ. Nhưng nếu như vậy người đi bộ đi phần còn lại sát mép đường rất nguy hiểm vì có những chỗ cây xanh chiếm chỗ, nếu không may ngã ra đường là va chạm với xe đang lưu thông.
Trên nhiều tuyến phố đều trồng cây ngăn cách giữa vỉa hè và đường giao thông, người đi bộ đi phần đường bên trong rất an toàn. Còn ở Thành phố Hồ Chính Minh, quận 1, quận 3 trước đây nhiều tuyến đường đã làm được như vậy.
Giờ nếu buộc phải cho thuê vỉa hè thì tại sao không quy định vỉa hè chỉ được để xe máy, và cho đỗ sát mép đường, phần vỉa hè còn lại sát nhà dân dành cho người đi bộ, làm thế sẽ an toàn hơn.
Điều đáng nói hơn, hiện nay phần lớn người dân dùng xe máy, xe đạp điện, xe đạp tham gia giao thông, chưa kể ô tô. Nếu không để vỉa hè thì phải có bãi đỗ xe gần nơi đến để gửi, chính quyền cũng không thể xây dựng bãi xe khắp nơi được.
Về lý thuyết, từ trước tới nay vỉa hè dành cho người đi bộ, thế nhưng trên thực tế vỉa hè luôn bị lấn chiếm. Và việc lấn chiếm hiện nay cũng không phải là miễn phí, đó là luật bất thành văn, chỉ có điều nó không vào ngân sách.