Buôn lậu, vận chuyển trái phép xăng dầu trên biển chưa “hạ nhiệt"
Bán hàng sai giá, cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại An Giang bị xử phạt Quản lý thị trường Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Hà Nam xử phạt hàng loạt cơ sở kinh doanh xăng dầu vi phạm |
Manh động và tinh vi
Theo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, phương thức, thủ đoạn của các đối tượngbuôn lậu ngày càng tinh vi, thay đổi liên tục khiến cho công tác đấu tranh của các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.
Từ các vụ việc đã xử lý cho thấy, lượng tang vật, giá trị hàng hóa lên đến nhiều tỷ đồng, do đó các đối tượng thường tìm mọi cách để che giấu. Khi mua bán xăng dầu trên biển, các đối tượng đều móc nối giao nhận hàng hóa, tiền thông qua trung gian, hoạt động khép kín. Việc giao, nhận xăng, dầu diễn ra trên biển nhưng quá trình giao nhận tiền lại diễn ra trên đất liền; người nhận tiền là người địa phương khác và chỉ liên lạc qua điện thoại bằng sim “rác” nên việc xác định chủ đầu nậu, chứng minh yếu tố buôn lậu, xử lý tận gốc gặp nhiều khó khăn.
Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 bắt tàu buôn lậu dầu đang chở 45.000 lít DO. Ảnh: Phạm Tuấn |
Từ đầu năm đến nay, hàng loạt vụ phát hiện, bắt giữ phương tiện vận chuyển trái phép xăng dầu trên biển cho thấy hoạt động buôn lậu xăng dầu chưa có dầu hiệu “hạ nhiệt”. Điển hình, ngày 19/3, tại vùng biển cách Đông Đông Nam Côn Đảo khoảng 150 hải lý (tọa độ 07 độ 28N - 108 độ 40E), Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 phát hiện tàu TG 94456 TS đang vận chuyển 60.000 lít dầu DO không cógiấy tờ chứng minh tính hợp pháp. Mới đây nhất, ngày 18/7, Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 phát hiện, kiểm tra và bắt giữ tàu BTh-95055 TS đang vận chuyển khoảng 250.000 lít dầu DO trái phép.
Đặc biệt, đang trong quá trình tuần tra trên vùng biển Tây Nam, cách mép phía Bắc khu vực chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia khoảng 3,5 hải lý, tàu Cảnh sát biển 4035 phát hiện một tàu cá có nhiều dấu hiệu nghi vấn. Ngay lập tức, tổ công tác ra tín hiệu yêu cầu dừng tàu để kiểm tra hành trình. Tuy nhiên, tàu cá KG 94793 TS khi thấy lực lượng Cảnh sát biển phát hiện đã nhanh chóng che đi 2 số cuối của số hiệu. Thiết bị giám sát hành trình trên tàu Cảnh sát biển cũng không ghi nhận được tín hiệu của tàu cá KG 94793 TS. Dù nhiều lần yêu cầu chủ tàu tắt máy thả trôi để tiến hành kiểm tra, chiếc tàu này vẫn tăng ga bỏ chạy, thậm chí khi tàu Cảnh sát biển áp sát, các thuyền viên trên tàu còn dùng nhiều hung khí như gậy, dao, mã tấu tấn công lại lực lượng chức năng.
Đây chỉ là một trong rất nhiều tình huống chống đối mà cơ quan thực thi pháp luật phải đối mặt trên biển. Giá trị của mặt hàng xăng dầu lậu là rất lớn, thường từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng mỗi chuyến. Lợi nhuận cao khiến các đối tượng tìm mọi thủ đoạn để mua bán, vận chuyển trái phép.
Điển hình cho những thủ đoạn tinh vi là tàu mang số hiệu TG 92008 TS chở 100.000 lít dầu DO trái phép vừa bị Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 bắt ngày 26/3, tại vùng biển tọa độ 09 độ 09 phút 00 giây Vĩ Bắc - 105 độ 46 phút 00 giây Kinh Đông, cách đường phân định Việt Nam - Malaysia khoảng 2 hải lý do Trần Văn Thuận (sinh năm 1976, ngụ xã Tân Thanh, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang) làm thuyền trưởng. Thoạt nhìn, Tàu TG 92008 TS giống hệt như một chiếc tàu cá. Tuy nhiên, trên tàu không có bất cứ một ngư cụ nào, thay vào đó là ống hút, trụ bơm và những bể chứa đầy dầu DO. Bên cạnh các thiết bị bơm hút dầu được cất giấu trong khoang, chủ tàu này còn trang bị cả máy bơm chìm công suất cao để tiện cho việc mua nhanh, rút gọn.
Nói về các thủ đoạn của đối tượng buôn lậu xăng dầu DO trái phép, đại diện Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cho biết, khi tiếp nhận xăng dầu từ những tàu không rõ số hiệu trên biển thì các đối tượng thường lợi dụng vào lúc đêm tối, tắt hết thiết bị theo dõi hoạt động của tàu mà theo quy định các phương tiện này phải có. Khi bị phát hiện thì kiên quyết bỏ chạy, nhiều đối tượng quá trình chạy là cắt mũi, thậm chí đâm va vào tàu của lực lượng thực thi pháp luật. Ngoài ra, các đối tượng còn dùng nhiều thủ đoạn khác như quay vòng hóa đơn chứng từ, sử dụng hóa đơn không hợp lệ, cá biệt có tàu còn vẽ lại số hiệu theo quy cách của tàu nước ngoài hoặc sử dụng thiết bị hiện đại giám sát tàu của lực lượng chức năng để dễ bề lẩn trốn.
Tích cực đấu tranh
Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển dự báo hoạt động của các loại tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển gia tăng tập trung khu vực biển các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang...
Trước tình hình đó, Thiếu tướng Vũ Trung Kiên, Phó Tư lệnh Pháp luật Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cho biết, ở vùng biển Tây Nam, nạn buôn lậu xăng dầu luôn là chủ đề nhức nhối, nhất là thời điểm giá xăng dầu tăng cao. Để đối phó với những chiêu trò, thủ đoạn của các đối tượng, lực lượng Cảnh sát biển đã tăng cường lực lượng, phương tiện ngày đêm tuần tra, kiểm soát trên biển. Tàu được trang bị các loại radar hàng hải hiện đại hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết với tầm quan sát rộng để theo dõi mục tiêu.
Ngoài ra, Bộ Tư lệnh đã yêu cầu tất cả lực lượng trong toàn quân tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ bám nắm địa bàn, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình, nắm chắc phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng và tổ chức có liên quan đến hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép xăng, dầu, thuốc lá, khoáng sản... Tăng cường lực lượng, phương tiện các khu vực, địa bàn trọng điểm, tập trung vào các khu vực biển Đông Bắc, Bắc miền Trung, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ và các địa bàn có liên quan; kịp thời phát hiện, bắt giữ tàu thuyền, đối tượng vi phạm.
Thời gian tới, theo Thiếu tướng Vũ Trung Kiên, lực lượng Cảnh sát biển tiếp tục tăng cường tổ chức tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm; chủ động phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng có liên quan, nhất là Biên phòng, Công an, Hải quan tổ chức xác lập các chuyên án, kết hợp giữa tuần tra, kiểm soát công khai với lực lượng trinh sát bí mật trên các tuyến biển.