Việt Nam - Indonesia: Hướng tới mục tiêu kim ngạch 10 tỷ USD
Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì lễ đón chính thức Tổng thống Indoneisa Joko Widodo |
Tăng cường hợp tác kinh tế
Trong Tuyên bố chung giữa Việt Nam và Indonesia, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Joko Widodo cũng nhất trí triển khai nhiều biện pháp mạnh hơn để tăng cường thương mại song phương, bao gồm xóa bỏ các rào cản và biện pháp thương mại không cần thiết, không phù hợp với quy định và thông lệ thương mại của khu vực và quốc tế, mở cửa thị trường hơn đối với các sản phẩm, dịch vụ của mỗi nước. Hai bên nhất trí, đảm bảo môi trường thương mại và đầu tư có lợi thông qua việc triển khai nhất quán các chính sách và quy định, giao các bộ, ngành liên quan tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN).
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Joko Widodo khuyến khích tăng cường đầu tư hai chiều. Hai bên hoan nghênh và ủng hộ việc gia tăng đầu tư song phương trong các lĩnh vực phát triển hạ tầng, công nghiệp chế tạo, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, công nghệ thông tin, y tế, giao thông, xây dựng, logistics...
Hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và khuyến khích sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và tư nhân của hai nước, nhất là trong các lĩnh vực thăm dò, sản xuất và dịch vụ dầu khí, công nghiệp lọc dầu.
Hai bên cam kết hợp tác, tích cực triển khai Bản Ghi nhớ về Hợp tác Nông sản hàng hóa ký năm 2013, bao gồm việc sớm tổ chức kỳ họp đầu tiên của Nhóm làm việc về Hợp tác nông nghiệp. Hai bên cũng tái khẳng định cam kết về khuyến khích và tạo điều kiện cho sản xuất nông sản hàng hóa thông minh.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường kết nối hàng không và hàng hải, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lưu chuyển hàng hóa và con người. Phía Indonesia ghi nhận đề xuất của Việt Nam về chia sẻ kinh nghiệm vận tải đường thủy nội địa.
Để thích ứng với các thách thức của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua các dự án chung về nghiên cứu, xây dựng năng lực về sở hữu trí tuệ (IP), hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo chuyên gia cho lĩnh vực này.
Việt Nam và Indonesia nhất trí đẩy mạnh hơn nữa hợp tác phát triển nông thôn thông qua triển khai Bản Ghi nhớ về Hợp tác Phát triển Nông thôn ký năm 2017; tăng cường hợp tác đối với các mặt hàng nông sản chủ lực, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế nông thôn, tăng quyền năng cho người nông dân để phát triển các làng tự cường, chia sẻ các kinh nghiệm thiết thực trong phát triển nông thôn, các công nghệ phù hợp cũng như việc đào tạo và hỗ trợ phát triển nông thôn. Cùng với đó, nhất trí tăng cường hợp tác biển thông qua việc ưu tiên cho nền kinh tế biển bền vững, quản lý các nguồn lợi biển, các chương trình đầu tư trên biển, nghiên cứu và phát triển biển liên quan đến các hoạt động xây dựng năng lực và bảo tồn môi trường bền vững.
Hai nhà lãnh đạo cũng hoan nghênh việc ký Thông cáo chung về tự nguyện tham gia hợp tác quốc tế về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định và thúc đẩy quản lý nghề cá bền vững…
Triển vọng thương mại, đầu tư
Từ khi Việt Nam và Indonesia thiết lập quan hệ đối tác chiến lược (tháng 6/2013) đến nay, hai nước đã ký hơn 30 hiệp định trên nhiều lĩnh vực và thường xuyên trao đổi, thúc đẩy hợp tác tại hai diễn đàn quan trọng là Uỷ ban Hợp tác về Khoa học và Công nghệ và Uỷ ban Hợp tác song phương.
Một trong những thành tựu nổi bật nhất vừa qua là chuyến thăm chính thức Cộng hòa Indonesia của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 8/2017. Đây là chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử đặc biệt quan trọng và mang tính biểu tượng rất lớn, đánh dấu quan hệ hai nước chuyển sang một giai đoạn mới gần gũi hơn.
Những năm gần đây, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Indonesia đã có những bước phát triển đáng khích lệ. Kim ngạch trao đổi hàng hóa hai chiều tăng từ 4,6 tỷ USD trong năm 2012 lên 5,6 tỷ USD trong năm 2016, đạt trên 6,5 tỷ USD trong năm 2017 và 7 tháng đầu năm 2018 đạt 4,7 tỷ USD.
Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Indonesia chủ yếu gồm: Gạo, dầu thô, xi-măng, linh kiện điện tử, hàng nông sản. Việt Nam nhập khẩu từ Indonesia các mặt hàng phân bón, xăng dầu, bao bì, thiết bị máy móc, vải sợi, giấy và bánh kẹo.
Về đầu tư, tháng 6/1989, hai nước chính thức mở đường hàng không Việt Nam-Indonesia. Từ đó đến nay, nhiều tập đoàn lớn của Indonesia đã vào Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Tính đến tháng 6/2018, Indonesia tiếp tục đứng thứ 5 trong ASEAN và thứ 30/126 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 71 dự án trị giá 514 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí, khai thác than, ngân hàng, khách sạn, chế biến xuất khẩu gỗ, sản xuất sợi và may mặc.
Một số dự án đầu tư lớn của Indonesia tại Việt Nam gồm: Khu đô thị Nam Thăng Long-Ciputra, Liên doanh khách sạn Horison-Pullman Hà Nội. Hiện Việt Nam có 13 dự án đầu tư sang Indonesia với số vốn 54,7 triệu USD trong các lĩnh vực dầu khí và khai khoáng.