Vai trò đặc biệt của Việt Nam trong kế hoạch của Apple
Nguồn tin của Thời báo Phố Wall tiết lộ, trong vài tuần gần đây, Apple đẩy nhanh kế hoạch chuyển dịch sản xuất ra ngoài Trung Quốc. Công ty thông báo cho nhà cung ứng chuẩn bị chủ động lắp ráp các sản phẩm ở châu Á, đặc biệt là Việt Nam và Ấn Độ. Đồng thời, giảm lệ thuộc vào các đối tác lắp ráp Đài Loan (Trung Quốc) như Foxconn.
Apple đẩy nhanh kế hoạch chuyển dịch khỏi Trung Quốc. (Ảnh: GSM Arena) |
Hỗn loạn tại “thành phố iPhone” là nguyên nhân dẫn đến quyết định này của “táo khuyết”. Có thời điểm, nhà máy Foxconn Trịnh Châu sản xuất tới 85% iPhone Pro, theo hãng nghiên cứu Counterpoint.
Nhà máy rơi vào khốn đốn từ cuối tháng 11 do các cuộc biểu tình của công nhân vì lệnh phong tỏa Covid-19 và vấn đề thu nhập.
Theo các nhà phân tích và người làm việc trong chuỗi cung ứng của Apple, công ty không còn cảm thấy thoải mái khi hầu hết hoạt động gắn với một nơi cụ thể nữa. Alan Yeung, cựu quan chức Foxconn tại Mỹ, nhận xét: “Trước đây, mọi người không chú ý đến rủi ro của sự tập trung. Thương mại tự do rất bình thường và mọi thứ dễ đoán. Ngày nay, chúng ta bước vào thế giới mới”.
Hai đối tác có thể hưởng lợi từ kế hoạch lại chính là hai doanh nghiệp Trung Quốc: Luxshare và Wingtech. Trong cuộc họp với các nhà đầu tư đầu năm nay, lãnh đạo Luxshare cho biết một số khách hàng lo ngại về gián đoạn chuỗi cung ứng ở Trung Quốc do Covid-19, thiếu điện.. và muốn Luxshare hỗ trợ vận hành nhiều hơn ở nước ngoài.
Họ nhắc tới giới thiệu sản phẩm mới (NPI), trong đó Apple giao cho các nhóm làm việc cùng nhà thầu chuyển đổi bản thiết kế và nguyên mẫu sản phẩm thành kế hoạch sản xuất chi tiết. Đó là điều cần làm để sản xuất hàng trăm triệu thiết bị và Trung Quốc đã làm được xuất sắc nhờ sự tập trung của các kỹ sư, nhà cung ứng.
Thời báo phố Wall dẫn lời nguồn tin cho biết, Apple muốn đối tác thực hiện NPI nhiều hơn ở bên ngoài Trung Quốc. Nếu chưa làm được NPI, các nước khác vẫn mắc kẹt ở vị thế thứ hai sau Bắc Kinh. Dù vậy, kinh tế khó khăn và tốc độ tuyển dụng chậm khiến Apple không đủ nhân sự cho công tác NPI với các nhà cung ứng và những quốc gia mới.
Apple và Trung Quốc đã dành hàng thập kỷ gắn bó với nhau. Kate Whitehead, cựu quản lý vận hành Apple, cho rằng tìm kiếm tất cả mảnh ghép để xây dựng được quy mô đáp ứng nhu cầu của Apple không dễ.
Dù vậy, việc chuyển dịch vẫn diễn ra bởi 2 lý do: người trẻ Trung Quốc không còn muốn làm công việc lắp ráp điện tử với mức lương khiêm tốn và cách tiếp cận với Covid-19 của chính phủ. Trong khi các nước về lại trạng thái bình thường, Trung Quốc vẫn cố gắng kiếm chế dịch bệnh bằng cách ly, phong tỏa. Tất cả diễn ra đúng lúc căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục leo thang.
Theo nhà phân tích Ming Chi Kuo, mục tiêu lâu dài của Apple là xuất xưởng 40% - 45% iPhone từ Ấn Độ. Các nhà cung ứng cũng cho biết Việt Nam sẽ gánh vác nhiều hoạt động hơn đối với sản phẩm như AirPods, Apple Watch, MacBook.
Hiện nay, người dùng muốn mua iPhone 14 Pro sẽ phải chờ sau Giáng sinh mới nhận được hàng. Apple cảnh báo các lô hàng iPhone cao cấp sẽ bị ảnh hưởng do Covid-19 ở nhà máy Trịnh Châu. Đích thân Apple phải cử người sang phối hợp với Foxconn để giải quyết nỗi lo của công nhân.
Theo ông Kuo, lô hàng iPhone trong quý cuối năm có thể đạt 70 đến 75 triệu đơn vị, giảm 10 triệu máy so với dự báo. iPhone 14 Pro và 14 Pro Max bị thiệt hại nặng nhất. Công suất tại nhà máy iPhone Trịnh Châu chỉ vào khoảng 20% hồi tháng 11 và dự kiến cải thiện lên mức 30% đến 40% vào tháng 12. Một dấu hiệu tích cực là hồi giữa tuần, chính quyền thành phố đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa.
Một quản lý Foxconn tiết lộ, hàng trăm công nhân đã được huy động để di chuyển máy móc, linh kiện gần 1.000 dặm từ Trịnh Châu đến Thâm Quyến, nơi Foxconn còn một số nhà máy khác. Foxconn cũng tăng lương cho công nhân để họ quay lại làm việc.