Thực thi hiệu quả các động lực để đạt mục tiêu tăng trưởng
Nhiều cơ hội đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5% trong năm 2022 Thủ tướng: Nỗ lực lớn để giữ mục tiêu tăng trưởng, kiểm soát lạm phát |
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, mới đây Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB) lần lượt dự báo GDP cả năm 2023 của Việt Nam tăng 6,5% và 6,3% dựa trên quan điểm lạc quan và nhìn nhận Chính phủ Việt Nam thực thi hiệu quả động lực tăng trưởng quan trọng, thực thi chính sách tài khóa và tiền tệ rất linh hoạt, phù hợp với diễn biến và thực tế tình hình kinh tế trong nước, khu vực và thế giới.
Bốc xếp hàng container tại cảng Tiên Sa. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN) |
Theo đó, ADB đề cập tới 3 đột phá cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 không phải là điểm mới đối với Chính phủ.
Điều cần đề cập ở đây là Chính phủ và các địa phương thực thi hiệu quả đến đâu kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công với số vốn lên tới 30 tỷ USD. Trong khi quý I năm nay mới giải ngân được 13,4% kế hoạch, trên thực tế nguồn nguyên vật liệu cho thi công các công trình đang khan hiếm, giá nguyên vật liệu tăng cao, một số rào cản về thể chế chính sách chưa kịp thời gỡ bỏ.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã thực thi chính sách tiền tệ khác biệt, mang tính đột phá so với các nước trên thế giới. Việc giảm lãi suất điều hành có hiệu lực từ ngày 15/3/2023 khiến Việt Nam trở thành nền kinh tế đầu tiên ở Đông Nam Á nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ thanh khoản, xử lý câu chuyện thiếu vốn của khu vực doanh nghiệp và phục hồi kinh tế.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng giãn, hoãn thời hạn nộp một số khoản thuế, phí cho doanh nghiệp, như: thuế VAT, tiền thuê đất, thuê mặt nước… Các chính sách hỗ trợ đã ban hành, đã và sắp có hiệu lực. Câu chuyện hiện nay ở chỗ khu vực doanh nghiệp đang gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, đơn hàng suy giảm, cầu tiêu dùng trong nước yếu. Bên cạnh đó, khu vực doanh nghiệp vẫn gặp rào cản về môi trường pháp lý, chi phí sản xuất tăng.
Cùng với đó, việc kinh tế Trung Quốc mở cửa là cứu cánh đối với kinh tế thế giới cũng đóng vai trò lớn khi đây là thị trường quan trọng đối với hàng nông sản xuất khẩu, cung cấp nguồn nguyên vật liệu đầu vào của một số ngành công nghiệp chế biến hàng xuất khẩu của Việt Nam; đồng thời cũng là yếu tố thúc đẩy thị trường du lịch Việt Nam.
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu sâu sắc hơn, tổng cầu thế giới suy yếu, tổng cầu tiêu dùng trong nước hồi phục chậm; khu vực doanh nghiệp thiếu đơn hàng, chi phí lao động gia tăng do mức lương cơ sở tăng 20,9% từ ngày 1/7/2023; áp lực lạm phát lớn khi giá một số hàng hoá và dịch vụ chiến lược như giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục được điều chỉnh tăng; giá dầu thô tăng trở lại với mức từ 80 đến 90 USD/ thùng.
“Tăng trưởng kinh tế cả năm đạt khoảng 6%, lạm phát ở mức 4,5% đến 5% là thành công đối với kinh tế Việt Nam năm 2023,” chuyên gia Nguyễn Bích Lâm nhận định.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 6% và kiểm soát lạm phát khoảng 5% trong bối cảnh cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, nghiêm trọng hơn.
Chính phủ, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp khẩn trương nắm bắt cơ hội, gỡ bỏ các rào cản, vướng mắc về cơ chế, giá cả để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, hoàn thành kế hoạch cả năm giải ngân được 95% tổng vốn 711,7 nghìn tỷ đồng, tương đương với 30 tỷ USD.
Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ cần xử lý đồng thời các khó khăn của doanh nghiệp để phát huy lại hiệu quả các đột phá trong chính sách tiền tệ và tài khoá.
Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ tăng cường tìm kiếm thị trường, tìm kiếm đơn hàng; xử lý khó khăn về lao động và vốn, khả năng thanh khoản của khu vực doanh nghiệp. Để thực sự phát huy hết hiệu quả việc Trung Quốc mở cửa kinh tế, Chính phủ cần khẩn trương ban hành chính sách và giải pháp đảm bảo xuất khẩu bền vững hàng nông sản.
Cùng với đó, Chính phủ và các địa phương có các chính sách, giải pháp thúc đẩy và nâng cao tổng cầu tiêu dùng trong nước; thúc đẩy du lịch quốc tế; đồng thời, cần ban hành và thực thi chính sách cởi mở hơn đối với khách quốc tế, kéo dài thời hạn visa để du khách có thể trải nghiệm hết những điểm đến và các nét đặc trưng; rút ngắn thủ tục, tránh gây phiền hà, sách nhiễu trong quá trình thực hiện.
Ngoài ra, các bộ, ngành và địa phương cần cải thiện môi trường, chất lượng dịch vụ; chú trọng phát triển ngày càng nhiều hơn tới những điểm đến được thế giới xếp hạng; tạo sức hấp dẫn để thu hút và giữ chân khách du lịch quốc tế.
Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm cũng cho rằng, cải cách thể chế, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch thông thoáng, ban hành và đột phá thực hiện ở một số lĩnh vực, một số địa phương sẽ là cú hích cho tăng trưởng của toàn nền kinh tế.
Mô hình nhà máy LEGO được khởi công xây dựng tại Khu công nghiệp VSIP III. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN) |
Đặc biệt, vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về phương hướng phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó ưu tiên áp dụng một số cơ chế, chính sách cho Thành phố Hồ Chí Minh trên một số nhóm, lĩnh vực như: đầu tư, tài chính, ngân hàng, quản lý đô thị, ứng dụng công nghệ chuyển đổi số. Chính phủ và Thành phố Hồ Chí Minh cần khẩn trương cụ thể hoá Nghị quyết, đưa vào thực hiện, đây là động lực quan trọng về thể chế để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển, làm hình mẫu rút ra bài học kinh nghiệm để áp dụng cho các địa phương khác trong cả nước.
Số liệu kinh tế vĩ mô của quý I/2023 phản ánh bức tranh kinh tế Việt Nam có nhiều khó khăn, thách thức. Tổng cầu tiêu dùng cuối cùng tăng thấp, tổng cầu đầu tư không tăng, tổng cầu thế giới đối với hàng hoá Việt Nam suy giảm.
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu sâu sắc hơn, xu hướng tiếp tục thắt chặt tiền tệ ở các nước đối tác thương mại lớn, quan trọng của Việt Nam nhằm kiểm soát và đưa lạm phát dần về mức lạm phát mục tiêu và sự leo thang trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, tăng trưởng kinh tế quý I/2023 của Việt Nam chỉ đạt 3,32% cũng là thành công./.