Thu thuế xuất nhập khẩu 7 tháng hơn 300 nghìn tỷ đồng, đạt 63% dự toán
Tận dụng thời cơ từ các FTA, thúc đẩy xuất khẩu những tháng cuối năm Xuất nhập khẩu với Mỹ và EU trong bối cảnh mới: Doanh nghiệp Việt lưu ý gì? |
Thu thuế xuất nhập khẩu 7 tháng đạt 337.527 tỷ đồng
Sáng 9/8, tại Hội nghị giao ban trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện công tác tháng 7, triển khai chương trình công tác tháng 8, Bộ Tài chính cho biết, với sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của lãnh đạo Bộ Tài chính cùng sự đoàn kết, trách nhiệm và nỗ lực không ngừng của toàn thể cán bộ, công chức ngành tài chính, thời gian qua, các nhiệm vụ trọng tâm của ngành đã được triển khai đảm bảo tiến độ, hiệu quả.
Tại điểm cầu Tổng cục Thuế, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho biết, trong 7 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý ước đạt 1.117.000.000 đồng, bằng 75,2% dự toán. Đối với vấn đề thu hồi nợ thuế, lãnh đạo Tổng cục Thuế chia sẻ, hiện nay các nước giao quyền nhất định cho cơ quan thuế để áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ thuế phù hợp với tiềm năng, tình hình sức khỏe của từng đối tượng doanh nghiệp.
Hội nghị giao ban trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện công tác tháng 7, triển khai chương trình công tác tháng 8 của Bộ Tài chính. Ảnh: TCTC |
Về tình hình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Tổng cục Thuế được giao xây dựng 3 nghị định, trong đó có nghị định hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 107/2023/QH15 về thuế tối thiểu toàn cầu. Hiện, chính sách này được Tổng cục Thuế triển khai hết sức thận trọng, tổ chức lấy ý kiến tối đa của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Đối với công tác phòng chống gian lận về hóa đơn điện tử, theo Tổng Cục trưởng Mai Xuân Thành, trên cơ sở hệ thống hóa đơn điện tử hiện nay, Tổng cục Thuế đã triển khai các biện pháp và đang dần kiểm soát được vấn đề này. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều đối tượng manh động, do vậy tới đây, việc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật sẽ cho phép chặn ngay từ khâu xuất hóa đơn đối với trường hợp rủi ro nhằm giảm nguồn lực cho cơ quan thuế.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng đã có thư ngỏ gửi đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam để trao đổi việc thực hiện nghĩa vụ thuế, cung cấp bộ tài liệu hướng dẫn về việc đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế và danh sách email của các cơ quan thuế để người nộp thuế chủ động liên hệ khi có vướng mắc. Qua đó, sàng lọc được người nộp thuế cố tình gian lận sẽ chuyển cơ quan chức năng xử lý.
Về tình hình xuất nhập khẩu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ cho biết, trong tháng 7, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 70 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 7 tháng đạt 440 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2023. Về thu thuế xuất nhập khẩu, tháng 7 thu đạt 35.650 tỷ đồng, tăng 27% so với dự toán, tổng thu 7 tháng đạt 337.527 tỷ đồng, đạt 63% dự toán, tăng 11,3% so với năm 2023. Với tiến độ thu như hiện nay, lãnh đạo ngành Hải quan nhấn mạnh sẽ hoàn thành vượt dự toán được giao.
"Chặn" buôn lậu, gian lận thương mại qua cửa khẩu
Trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Thọ thông tin, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là buôn lậu ma túy vẫn diễn biến phức tạp trên các tuyến đường bộ và hàng không. Qua hệ thống soi chiếu, phát hiện lượng lớn ma túy đưa vào qua các cửa khẩu. Thời gian tới, ngành Hải quan sẽ tiếp tục xây dựng nhiều giải pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng, Bộ đội Biên phòng để ngăn chặn, xử lý, đảm bảo không để ma tuý nhập lậu qua cửa khẩu vào Việt Nam.
Đánh giá cao những cố gắng của các đơn vị trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng lưu ý các đơn vị tập trung thực hiện nhiệm vụ về xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2025; tăng cường công tác quản lý thu; kiểm soát mặt bằng giá; đẩy nhanh tốc độ giải ngân... Đặc biệt, chú trọng nhiệm vụ chuẩn bị hồ sơ và những nội dung cần thiết để phục vụ cho Kỳ họp Quốc hội tháng 10 tới, nhất là các luật, nghị quyết sẽ được cho ý kiến, thông qua.
Đánh giá tình hình kinh tế còn khó khăn có thể kéo dài, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, các đơn vị căn cứ theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp linh hoạt để thực hiện công tác trong thời gian tới; đề ra được những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách giải quyết những khó khăn.
Đối với những vấn đề thuộc phạm vi của Bộ, ngành khác, các đơn vị liên quan cần tham gia có trách nhiệm, hiệu quả. "Xây dựng chính sách pháp luật phải phù hợp thực tiễn, nhưng cũng phải hướng tới tương lai, tháo gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, tạo đà bứt phá cho nền kinh tế phát triển", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng lưu ý, toàn ngành phải đặc biệt quan tâm vận hành thông suốt, liên tục và cập nhật mới hệ thông công nghệ thông tin, nhất là trong các lĩnh vực trọng tâm gồm: hải quan, thuế, chứng khoán. Bộ trưởng chỉ đạo rõ, đây là những lĩnh vực liên quan lớn đến nền kinh tế, bởi vậy, nếu "tắc xuất nhập cảnh, tắc chi ngân sách… là “thất bại", công sức đổ sông, đổ biển".
Thời gian qua, các nhiệm vụ trọng tâm của ngành tài chính đã được triển khai đảm bảo tiến độ, hiệu quả. Lũy kế thu ngân sách nhà nước 7 tháng ước đạt 1.188,1 nghìn tỷ đồng, bằng 69,8% dự toán, tăng 14,6% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thu nội địa ước đạt 995 nghìn tỷ đồng, bằng 68,9% dự toán, tăng 15,8% so cùng kỳ năm 2023; thu từ dầu thô ước đạt khoảng 34,4 nghìn tỷ đồng, bằng 74,7% dự toán, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2023; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 158,5 nghìn tỷ đồng, bằng 77,7% dự toán, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2023. |