Rủi ro tăng trưởng năm 2023
Giá dầu khá bình ổn sau khi G20 cảnh báo rủi ro tăng trưởng kinh tế Ngân hàng vẫn phải đối phó với nhiều rủi ro tăng trưởng |
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cách đây hai ngày, đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2023. Trong đó, tích cực nhất là con số 6,46%, tiệm cận mục tiêu đặt ra. Hai kịch bản còn lại, tăng trưởng GDP sẽ là 5,72% và 5,34%.
Cũng cần nhắc lại rằng, sẽ phải có những điều kiện nhất định, thì nền kinh tế mới diễn biến theo kịch bản này. Chẳng hạn, với kịch bản lạc quan nhất, giả thiết của CIEM là bối cảnh kinh tế thế giới có một số chuyển biến tích cực hơn, như tăng trưởng phục hồi, gián đoạn chuỗi cung ứng giảm đáng kể, lạm phát ở Mỹ giảm, thời tiết thuận lợi hơn…, và sự quyết liệt trong cải cách, điều hành ở Việt Nam, qua đó giúp đạt kết quả tối đa về giải ngân, hấp thụ đầu tư công và tín dụng…
Vấn đề là, liệu các giả thiết trên có xảy ra?
Kinh tế toàn cầu dù được dự báo là sẽ tích cực hơn, nhưng khó khăn và những yếu tố bất định vẫn còn rất lớn.
Dư luận đang hướng ánh nhìn về số liệu kinh tế của Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất toàn cầu.
Tình hình có thể tích cực hơn với nước Mỹ, khi dự báo của S&P Global Market Intelligence cho rằng, kinh tế Mỹ sẽ không rơi vào suy thoái như dự báo. Nhưng với Trung Quốc lại khác, bởi nỗi lo giảm phát đang đè nặng. “Sức khỏe” của hai nền kinh tế này sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu và cả Việt Nam, nhất là khi Mỹ, Trung Quốc đều là những đối tác kinh tế lớn của Việt Nam.
Khi các nền kinh tế lớn trên thế giới, bao gồm cả châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… chưa thể sớm hồi phục, thì sức mua còn yếu, ảnh hưởng đến đơn hàng xuất khẩu và sản xuất công nghiệp, qua đó tác động tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Trước khi CIEM công bố báo cáo ít ngày, Ngân hàng HSBC cũng đã giảm dự báo tăng trưởng của Việt Nam từ 5,2% xuống còn 5%, với kỳ vọng quý IV/2023 sẽ phục hồi đang kể. Theo nhận định của HSBC, mặc dù tốc độ tăng trưởng sản xuất trong quý II/2023 là một bất ngờ tích cực, nhưng yếu tố này chỉ đóng góp tối thiểu vào tăng trưởng. Trong khi đó, thương mại vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi rõ rệt, có thể sẽ tiếp tục suy thoái trong suốt quý III/2023.
Điều đó có nghĩa, tình hình kinh tế sẽ tiếp tục gặp khó trong quý III/2023 và chỉ có thể tích cực hơn vào quý cuối cùng của năm. Sẽ phải có thêm những nỗ lực hơn nữa trong thúc đẩy các động lực tăng trưởng thông qua kích cầu tiêu dùng trong nước và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Thủ tướng Chính phủ, trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6/2023 vừa ban hành, đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung hỗ trợ, thúc đẩy các động lực tăng trưởng cả về cung và cầu, bao gồm tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu. Đồng thời, tiếp tục triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm về quyết liệt hơn giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành... cũng đã được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Giải pháp đã có, quan trọng là khâu thực thi, nhất là trong thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công - động lực tăng trưởng được coi là quan trọng nhất hiện nay. Bên cạnh đó, tất nhiên, còn phải trông chờ vào sự phục hồi của kinh tế toàn cầu!