Lãi vay hạ nhiệt chậm, người mua nhà sốt ruột tìm cách tất toán
Ngành ngân hàng tiếp tục nỗ lực giảm lãi suất cho vay Hàng loạt ngân hàng giảm lãi suất cho vay, kích cầu tín dụng |
Lãi vay mua nhà vẫn gần 16%/năm
Tính tới đầu tuần này, hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đã hạ lãi suất huy động thêm 0,5%/năm với các kỳ hạn 6 - 12 tháng, nhưng mặt bằng lãi suất cho vay chưa thể hạ nhiệt theo.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, chị Trần Thanh Hà (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, hiện tại, khoản vay của chị tại VPBank vẫn đang phải chịu lãi suất 15,6%/năm. Mức lãi suất này được ngân hàng áp dụng từ đầu tháng 1/2023, tăng hơn 5%/năm so với thời điểm chị ký hợp đồng mua nhà năm 2021, khiến mọi dự trù tài chính của gia đình bị đảo lộn.
Lãi suất huy động đã giảm, nhưng mặt bằng lãi suất cho vay chưa hạ nhiệt theo |
Theo dõi thông tin, thấy lãi suất huy động hạ, chị có liên hệ với ngân hàng để hỏi tình hình, thì được nhân viên tín dụng cho biết, lãi suất có thể sẽ giảm nhiệt vào kỳ điều chỉnh sắp tới (cứ 3 tháng, ngân hàng xem xét điều chỉnh lãi suất một lần). Tuy vậy, nhân viên này cũng cho biết, lãi suất cho vay khả năng cũng chỉ giảm tương ứng với mức giảm lãi suất huy động.
“Gia đình tôi đang tính bán mảnh đất mua năm ngoái, lỗ khoảng 200 triệu đồng, để tất toán hợp đồng vay ngân hàng. Chỉ trong vòng nửa năm qua, riêng khoản lãi phải trả ngân hàng đã nhiều hơn số lỗ này”, chị Hà than thở.
Giống như chị Hà, rất nhiều khách hàng cá nhân trót vay tiền mua bất động sản, ô tô đang “đau đầu” vì lãi suất cao. Lãi suất huy động bị đẩy tăng vọt từ quý III/2022 khiến lãi suất cho vay tăng mạnh và đang phổ biến ở mức 14 - 16%/năm.
Hiện nay, lãi vay mua nhà thấp nhất là ở khối ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (như Agribank, Vietcombank, BIDV…), mức phổ biến khoảng 11 - 12%/năm, với khách hàng cũ. Tuy vậy, điều kiện vay vốn của các ngân hàng này cực kỳ chặt chẽ, nên không phải khách hàng nào cũng có thể tiếp cận. Đa phần khách hàng cá nhân vay vốn mua nhà của các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đều đang mắc kẹt với lãi suất cao.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cần rất nhiều yếu tố để thị trường bất động sản ấm nóng trở lại, trong đó có vấn đề lãi suất. Lãi suất mua nhà như hiện nay sẽ triệt tiêu sức cầu của thị trường.
Ngân hàng Nhà nước khẳng định, trong tháng 2/2022, mặt bằng lãi suất toàn hệ thống đã giảm 0,4%/năm. Tuy vậy, với người mua nhà, mức giảm này quá thấp so với mức tăng lãi suất 4 - 5%/năm trong vòng hơn một năm qua. Đây cũng là lý do khiến tín dụng bất động sản chững lại trong 2 tháng đầu năm nay, kéo tăng trưởng tín dụng chung toàn hệ thống xuống thấp.
Lãi suất khó giảm sâu trong năm nay
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) đánh giá, mức lãi suất cho vay quanh 15%/năm hiện nay là quá cao. Mặc dù lãi suất huy động đã hạ nhiệt khá mạnh so với cuối năm 2022, song phải từ cuối quý II, đầu quý III/2023, làn sóng hạ nhiệt lãi suất mới diễn ra mạnh hơn.
“Mặt bằng lãi suất cho vay phải kéo về quanh mức 10%/năm, thì mới hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp đầu tư, cá nhân vay tiêu dùng. Muốn vậy, lãi suất tiền gửi phải giảm về quanh mức 7%/năm”, TS. Nguyễn Hữu Huân nhấn mạnh.
Công ty Chứng khoán VnDirect cũng cho rằng, lãi suất huy động đạt đỉnh trong quý I/2023 và sẽ giảm dần. “Chúng tôi kỳ vọng, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng sẽ giảm dần về mức 6,7% và 7,5% vào cuối năm 2023”, các chuyên gia phân tích của VnDirect nhận định.
Thực tế, lãi suất cao là điều mà cả doanh nghiệp và ngân hàng không mong muốn. Mặt bằng lãi suất cao đẩy nhiều doanh nghiệp rơi vào nguy cơ nợ xấu - đây là nỗi lo lớn nhất của các ngân hàng. Thị trường cũng đang có khá nhiều yếu tố thuận lợi cho lãi suất giảm như: tỷ giá ổn định, cán cân thương mại tiếp tục thặng dư… Mặc dù vậy, quá trình giảm lãi suất có thể diễn biến chậm hơn kỳ vọng, do lạm phát đang có dấu hiệu tăng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể kéo dài thời gian duy trì mặt bằng lãi suất cao…
Hiện tại, người mua nhà và doanh nghiệp bất động sản đang rất trông đợi Chính phủ sớm ban hành nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đặc biệt là gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội (120.000 tỷ đồng) và cơ chế giãn nợ cho doanh nghiệp. Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, ngay trong tháng 3/2023 này, các bên liên quan sẽ có một cuộc họp bàn về cách thức triển khai gói 120.000 tỷ đồng.
Ý kiến nhận định Kỳ vọng người mua nhà được tiếp cận lãi suất ở mức 8 - 9%/năm - Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Thời gian tới, lãi suất cho vay mua nhà tại các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân kỳ vọng có thể giảm xuống 10 - 11%/năm. Trên cơ sở đó, gói 120.000 tỷ đồng sẽ giảm thêm 2% lãi suất, tức người mua nhà được tiếp cận lãi suất ở mức 8 - 9%/năm. Lãi suất hợp lý cộng với các giải pháp gỡ vướng về phát lý, tạo nguồn cung dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ sẽ giúp thị trường khởi sắc trở lại. Tìm nguồn vốn trung - dài hạn để đưa ra gói tín dụng có lãi suất phù hợp - TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế Lãi suất cho vay quá cao làm giảm khả năng mua nhà của người dân, khiến thị trường bất động sản thêm khó khăn. Các ngân hàng thường chào mời lãi suất vay mua nhà hấp dẫn, song thực chất chỉ áp dụng 1 - 2 năm đầu, sau đó áp dụng thả nổi. Nhiều người dân vay vốn mua nhà vì bị hấp dẫn bởi lãi suất ưu đãi thời gian đầu, sau đó bị sốc bởi lãi suất thả nổi quá cao. Tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu tìm nguồn vốn trung - dài hạn để đưa ra gói tín dụng có lãi suất phù hợp (khoảng 6%/năm) và ổn định trong thời gian dài, thì người dân mới có thể tiếp cận được nhà ở. |