Giải pháp nào để sản xuất công nghiệp phục hồi
Tháng 5, chỉ số sản xuất công nghiệp có dấu hiệu khởi sắc Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp trong 6 tháng tăng 0,44% |
Trong 6 tháng đầu năm 2023, sản xuất công nghiệp đang dần tăng trưởng trở lại, song mức độ hồi phục còn chậm. Để đạt mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 tăng khoảng 8 - 9%, ngành Công Thương, các địa phương và doanh nghiệp còn nhiều việc phải làm.
Tăng trưởng trở lại
Cụ thể, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tiếp tục duy trì đà tăng trưởng liên tục từ đầu năm, tháng sau cao hơn tháng trước. Chỉ tính riêng trong tháng 6, IIP ước tính tăng 2,8% so với cùng kỳ.
Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 ước tính tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước (quý I giảm 0,75%; quý II tăng 1,56%), là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011 - 2023 và đóng góp 0,15 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, giá trị tăng thêm có sự cải thiện, đạt mức tăng 0,37% (quý I giảm 0,49%; quý II tăng 1,18%) và đóng góp 0,1 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng năm 2023 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể như: Sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế tăng 13,2%; khai thác quặng kim loại tăng 11,5%; sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic tăng 7,2%; sản xuất thuốc lá tăng 6,7%; sản xuất đồ uống tăng 5,7%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 5,6%...
Đáng chú ý, trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới, đơn hàng giảm, sức cầu yếu nhưng một số sản phẩm công nghiệp 6 tháng năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Đường kính tăng 31,2%; xăng dầu tăng 13,4%; phân hỗn hợp NPK tăng 11,9%; ti vi tăng 10,8%; vải dệt từ sợi nhân tạo tăng 9,2%.
Bộ Công Thương cũng nhận định, trong 6 tháng năm 2023, có 48 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao. Điển hình như: Bắc Giang tăng 16,2%; Phú Thọ tăng 15,3%; Kiên Giang tăng 13,6%; Nam Định tăng 13,4%… Một số địa phương có chỉ số sản xuất của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao là Hậu Giang tăng 264,4%; Thái Bình tăng 70,4%; Trà Vinh tăng 29,4%; Nam Định tăng 11,9%.
6 tháng năm 2023, sản xuất công nghiệp đã phục hồi 98,8% so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, một số trung tâm công nghiệp lớn của cả nước đã khôi phục đà tăng trưởng công nghiệp như: Thái Nguyên tăng 4,1%; Quảng Ninh tăng 7,4%; Bắc Giang tăng 15,7%, Hải Phòng tăng 12,3%, TP Hồ Chí Minh tăng 1,9%, Bình Dương tăng 2,6%; Đồng Nai tăng 3%.
Tiếp tục khơi mở dòng vốn, khơi thông thị trường
Tuy có những chuyển biến tích cực, nhưng nhìn vào bức tranh của ngành công nghiệp vẫn thấy rõ mức độ hồi phục còn chậm. Nguyên nhân chính là cầu thế giới sụt giảm, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp các ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực như điện tử, dệt may, đồ gỗ. Trên thực tế, một số doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân công do số lượng đơn đặt hàng giảm. Trước tình hình hình này, Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực tìm mọi cách gỡ khó, phát triển đầu ra cho hàng hoá, từ đó thúc đẩy sản xuất.
Ước tính quý II/2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Hà Nội tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,3%; sản xuất và phân phối điện tăng 6,7%... Tính chung, 6 tháng năm 2023, IIP của Hà Nội tăng 2,3%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,9%. Cục trưởng Cục Thống kê Hà Nội Đậu Ngọc Hùng |
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, sự nỗ lực của Bộ Công Thương là không đủ, bản thân doanh nghiệp, ngành nghề cần tăng tính liên kết để hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa phải chặt chẽ và đi theo chuỗi khi đó, giá trị gia tăng mới cao và phát triển bền vững.
Đề cập về giải pháp phát triển sản xuất công nghiệp, TS Nguyễn Bích Lâm – nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng: Quan trọng nhất là tìm đầu ra cho doanh nghiệp, lưu ý mỗi ngành có đầu ra khác nhau. Với những ngành có thế mạnh xuất khẩu như giày da, dệt may bên cạnh duy trì thị trường truyền thống cần tìm các thị trường mới.
Theo đó, các cơ quan quản lý cần rà soát kỹ, có thể tổ chức hội thảo, hội nghị, chia doanh nghiệp theo các ngành hàng khác nhau, vùng miền khác nhau để có giải pháp tháo gỡ cho phù hợp, hiệu quả. Cơ quan có liên quan phải thực sự trách nhiệm, gắn vào việc này để cùng chung tay tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, các bộ ngành, cơ quan nhà nước liên quan định kỳ gặp gỡ doanh nghiệp để lắng nghe chia sẻ của doanh nghiệp từ đó có giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Cần phân cấp cho các bộ ngành định kỳ gặp gỡ doanh nghiệp, để tháo gỡ khó khăn.
Quan tâm về yếu tố vốn, PGS.TS. Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) đánh giá: Doanh nghiệp hiện vẫn đang rất khó khăn về vốn nên cần có giải pháp khơi mở dòng vốn cho dòng tiền của doanh nghiệp. Thời gian tới cần có thêm những giải pháp để khơi thông các kênh dẫn vốn an toàn, tạo niềm tin trên thị trường trái phiếu, chứng khoán… Xem nút thắt từng lĩnh vực một, lĩnh vực nào cần ưu tiên thì rót vốn vào để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; đồng thời phải tính toán cố gắng giữ ổn định lãi suất.