Cộng lực vốn hỗ trợ doanh nghiệp
Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam ưu tiên đa dạng hóa sản xuất và chế tạo Phát triển doanh nghiệp gắn với cơ cấu lại nền kinh tế |
Nhiều doanh nghiệp chia sẻ, trong bối cảnh sức khỏe doanh nghiệp chưa cải thiện, hoạt động sản xuất kinh doanh chưa phục hồi, bên cạnh việc thúc đẩy dòng chảy tín dụng, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh thực thi các chính sách tài khóa tạo cộng lực về vốn hỗ trợ doanh nghiệp đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2023.
Sản xuất xe ô tô tại nhà máy Ford Hải Dương. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội (HANSIBA):
Thực tế, các doanh nghiệp trong hiệp hội chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Do vậy, quy mô về vốn, năng lực tài chính, tài sản, trình độ quản trị còn nhiều hạn chế. Nhiều doanh nghiệp cũng chưa có báo cáo tài chính, kiểm toán đạt chuẩn, các chứng từ kế toán không đáp ứng theo quy định của ngân hàng nên đã gặp khó khăn trong vay vốn tín dụng.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều doanh nghiệp làm ăn bài bản, minh bạch và chuyên nghiệp nhưng lại gặp khó khăn do sản xuất kinh doanh bị đình trệ vì nhu cầu sụt giảm, đơn hàng giảm sút, nguồn vốn cạn kiệt. Do vậy, việc tiếp vốn cho họ được xem là rất quan trọng, đặc biệt là nguồn vốn ưu đãi với lãi xuất thấp để phục hồi. Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp không vay được vốn tín dụng vẫn còn tương đối nhiều.
Điều này có thể lý giải là do doanh nghiệp đã có sự phục hồi sản xuất và xuất khẩu, nhưng đến nay vẫn chưa có khả năng trả nợ hết các khoản đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn trước đó. Mặc dù được các ngân hàng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định thông thường nhưng doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn do bị chuyển nhóm nợ và cũng khó tiếp cận vốn vay để phục vụ sản xuất kinh doanh. Đó là chưa kể lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, cơ khí... cần đầu tư lớn, nhưng thời gian thu hồi vốn dài nên đối với doanh nghiệp lĩnh vực này sẽ vô cùng khó khăn.
Một điểm khó nữa là liên quan tới tài sản thế chấp của doanh nghiệp. Đó là nhiều tài sản là hợp đồng thế chấp tại khu công nghiệp; công trình trên đất không có giấy phép xây dựng hoặc chưa hoàn công… dẫn đến không đáp ứng được điều kiện vay vốn.
Thời gian qua, các ngân hàng đã giảm mạnh lãi suất cho vay, đây là điều rất đáng mừng. Nhưng bên cạnh đó, cần tạo nhiều điều kiện để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn. Các cơ quan cũng cần nghiên cứu để hạ các điều kiện tiếp cận vốn, cho vay linh hoạt hơn, đặc biệt là yêu cầu về tài sản thế chấp. Thay vì bất động sản, ngân hàng có thể chấp nhận thế chấp bằng nguyên, vật liệu, hoặc các hợp đồng kinh tế để hỗ trợ doanh nghiệp có vốn sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty Cơ khí chính xác SKD Việt Nam
Nửa đầu năm 2023 là giai đoạn khó khăn với doanh nghiệp khi nhu cầu trên thế giới sụt giảm khiến cho doanh nghiệp đình trệ sản xuất, trong khi vẫn phải trả các khoản lãi vay, trả lương lao động. Đây là thời điểm các nguồn lực của doanh nghiệp dần cạn, chúng tôi không có đơn hàng, hoặc bị đối tác chậm trả tiền…
Tuy vậy, đến nay mọi thứ đã dần ổn định hơn, các đơn hàng đã quay trở lại. Doanh nghiệp muốn vay vốn để tăng sản xuất nhưng lại gặp khó khăn vì thiếu tài sản đảm bảo, các quy định của ngân hàng cũng chặt chẽ mà doanh nghiệp chưa thể đáp ứng.
Chúng tôi hiểu rằng phía ngân hàng cũng rất khó để tự hạ tiêu chuẩn, giảm các quy định, điều kiện cho vay, mà vẫn phải theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quản trị rủi ro, an toàn hệ thống. Ở góc độ doanh nghiệp, tôi nghĩ rằng nên tái cấu trúc hoạt động để phù hợp với bối cảnh thị trường, đáp ứng các tiêu chuẩn phía ngân hàng đưa ra cũng như cung cấp hồ sơ, lịch sử thanh toán, công nợ, có đối tác uy tín hợp tác lâu dài.
Tuy nhiên, ngân hàng có thể xử lý một linh hoạt hơn trong hoạt động cho vay, thế chấp tài sản là những hợp đồng, vật liệu... Nhiều ngân hàng hiện đã rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt hồ sơ và cắt giảm thủ tục nhưng chúng tôi đề nghị ngân hàng có thể cơ cấu lại các khoản vay cũ, đặc biệt các khoản vay từ quý III, IV/2022 để chia sẻ gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp cũng rất mong muốn được kết nối thêm, hỗ trợ về đầu ra sản phẩm để có nguồn thu trả nợ ngân hàng và làm cơ sở vay vốn.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương):
Biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp giảm thuế giá trị gia tăng thời gian qua có tác dụng kích cầu nhất định. Đối với người tiêu dùng được mua hàng giá thấp hơn, từ đó tiêu dùng xã hội nhiều hơn. Lúc này, doanh nghiệp cũng được hưởng lợi, thuế của doanh nghiệp đóng góp tăng lên.
Tuy nhiên, dù có kéo dài thời gian giảm thuế VAT thêm 6 tháng hay hơn nữa, đây vẫn là biện pháp hỗ trợ trước mắt. Về lâu dài, theo báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), điều doanh nghiệp cần chưa hẳn là hỗ trợ về tiền, thuế phí mà quan trọng nhất là hỗ trợ về thủ tục hành chính. Hiện thủ tục hành chính, nhất là với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn rất nhiều và rườm rà.
Chính phủ vẫn nhận định đây là rào cản rất lớn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, trong khi đó doanh nghiệp vẫn cần sự thông thoáng, minh bạch và đơn giản về thủ tục hành chính. Đơn cử, đối với doanh nghiệp đang vay vốn ngân hàng, khâu thủ tục hành chính cần nhanh chóng để sớm đưa dòng vốn vào sản xuất kinh doanh. Điều này giúp doanh nghiệp có doanh thu và có lãi sẽ tốt hơn nhiều so với chỉ tập trung giảm thuế, phí.
Hiện có kiến nghị bổ sung đưa doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng và nhóm hàng hóa, dịch vụ được giảm 2% thuế VAT, song chúng ta cần xem xét kỹ lưỡng đối với kiến nghị này. Bởi, mục tiêu giảm thuế VAT chủ yếu đối với nhóm ngành hàng hóa, dịch vụ nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân và kích cầu tiêu dùng xã hội.
Đối với doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng, cần đánh giá, rà soát xem người dân được hưởng lợi như thế nào, đối với ngân sách nhà nước tác động ra sao. Chúng ta không nên áp dụng tràn lan chính sách giảm thuế VAT trong bối cảnh hiện nay.