Chi phí xây dựng trung tâm dữ liệu Việt Nam thấp nhất khu vực Đông Nam Á
Báo cáo Chi phí Xây dựng Trung tâm Dữ liệu năm 2023/24 của Cushman & Wakefield vừa công bố. Đây là năm đầu tiên tên tuổi này công bố dữ liệu chi phí phát triển trung tâm dữ liệu của mình.
Trong đó, chi phí phát triển dự án trung tâm dữ liệu, bao gồm giá mua đất, chi phí phá dỡ và giải phóng mặt bằng, chi phí xây dựng trung tâm tiêu chuẩn và trung tâm cao cấp tại châu Á - Thái Bình Dương, trên 37 thành phố của 14 thị trường trọng điểm.
Năm thị trường có mức giá đất trung bình cao nhất khu vực là Singapore (11,573 USD/m2), Hàn Quốc (9,695 USD/m2), Hồng Kông (3,418 USD/m2), Nhật Bản (3,320 USD/m2) và Trung Quốc đại lục (2,966 USD/m2). Nguyên do, vì khan hiếm quỹ đất cùng với nguồn điện sẵn có, kết hợp với lãi suất gia tăng đã góp phần làm tăng giá mua đất.
Mức giá đắt đỏ của những thị trường này có thể mang lại những cơ hội đầu tư tốt hơn cho các thị trường tại Đông Nam Á nhờ có giá đất cạnh tranh.
Đối với chi phí xây dựng, giá nguyên liệu thô, chi phí năng lượng và vận chuyển vẫn chưa có dấu hiệu giảm và đang “neo” ở mức cao nhất mọi thời đại. Điều này thúc đẩy chi phí xây dựng cao kỷ lục, tính theo USD trên Watt.
Năm thị trường có giá xây dựng cao nhất khu vực là Nhật Bản (12.73 USD/W), Singapore (12.73 USD/W), Hàn Quốc (12.73 USD/W), Hồng Kông (12.73 USD/W) và Úc (12.73 USD/W), với mức tăng chi phí hàng năm điển hình ở Singapore là 8% và Úc là 3,5%.
Ngược lại, năm thị trường có giá xây dựng thấp nhất là Philippines (12.73 USD/W), theo sau đó là Đài Loan (12.73 USD/W), Việt Nam, Ấn Độ và Trung Quốc đại lục lần lượt là 6.70 USD/W, 6.79 USD/W và 6.84 USD/W.
Châu Á - Thái Bình Dương đang là khu vực chứng kiến sự mở rộng mạnh mẽ của các thị trường trung tâm dữ liệu. Tính đến hiện tại, toàn khu vực có 9,8GW công suất đang hoạt động, với 3,4GW công suất đang được xây dựng và 8,8GW công suất đang trong kế hoạch. Các thị trường trưởng thành tiếp tục dẫn đầu tăng trưởng mặc dù đang đối mặt với những hạn chế về quỹ đất và nguồn cấp điện.
So với các “ông lớn” trên thế giới (AWS, Google, Microsoft…), các trung tâm dữ liệu của Việt Nam còn ở quy mô rất nhỏ, cơ bản cung không đủ cầu. Do quy mô nhỏ nên chi phí của các nhà cung cấp trung tâm dữ liệu tại Việt Nam còn rất cao. Cần có một siêu trung tâm dữ liệu để tối ưu hóa chi phí vận hành.
Theo nhận định từ trưởng phòng Trung tâm Dữ liệu châu Á - Thái Bình Dương Cushman & Wakefield, các nhà đầu tư đang chứng kiến tốc độ phát triển cao nhất trong lịch sử thị trường trung tâm dữ liệu. Đây là kết quả của sự gián đoạn dai dẳng trong chuỗi cung ứng và tỷ lệ lạm phát trên thị trường xây dựng, cũng như lãi suất cho vay vốn cao ở hầu hết các thị trường trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Bất chấp chi phí tăng lên, hoạt động phát triển trên toàn khu vực vẫn tăng cao đáng kể do lĩnh vực này tiếp tục phát triển để đáp ứng các xu hướng dài hạn của ngành.
Các chính sách hỗ trợ cũng như việc nới lỏng quy định và sự quan tâm từ các nhà đầu tư đang nhìn thấy cơ hội từ sự chênh lệch giữa nhu cầu dân số trong tương lai và năng lực công nghệ thông tin hiện có của khu vực.
Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield nhận định, so với các thị trường trưởng thành, thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam vẫn còn đang trong giai đoạn sơ khai với tốc độ phát triển khiêm tốn hơn. Tuy nhiên, với chi phí xây dựng và giá đất cạnh tranh, cùng với vị trí địa lý đắc địa, Việt Nam là thị trường mới nổi luôn nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư.
Cụ thể, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đang sở hữu 45 MW công suất đang hoạt động, 16 MW đang xây dựng và triển vọng sẽ có thêm 40MW trong tương lai, với tỷ lệ trống là 42%.
Bản chất của thị trường trung tâm dữ liệu thường thay đổi nhanh chóng, điều này khiến việc dự báo trở nên khó khăn. Nhưng các chuyên gia của Cushman & Wakefield ước tính, ngành trí tuệ nhân tạo trên toàn cầu có khả năng sẽ cần thêm 38GW công suất hoạt động trung tâm dữ liệu toàn cầu; so với công suất hoạt động toàn cầu hiện được ước tính khoảng 35GW.
Điều bất ngờ là trí tuệ nhân tạo lại là ngành mà chưa từng được ghi nhận trong các dự báo kể từ đầu năm 2023, nhưng sự phát triển nhanh chóng của ngành này đang có tiềm năng thay đổi cuộc chơi vào năm 2024 và trong tương lai.
Quy mô thị trường trung tâm dữ liệu đạt 25,5 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến sẽ đạt 51,8 tỷ USD vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm là 12,5%. Theo đó, doanh thu từ mảng điện toán đám mây siêu lớn dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR 19% từ nay đến năm 2028. Các nhà đầu tư theo kịp sự phát triển trong không gian trí tuệ nhân tạo và học máy sẽ có vị thế tốt để tận dụng những cơ hội tăng trưởng này.