Mỹ là thị trường có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất
Căn cứ vào số liệu từ Tổng Cục Hải quan, Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương cho biết, năm 2024 kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt gần 37,04 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2023.
Xuất khẩu nhóm hàng dệt may tháng 12/2024 tăng 10,6% so với tháng 11/2024 và tăng 16,2% so với tháng 12/2023, đạt trên 3,37 tỷ USD. Tính chung cả năm 2024 kim ngạch đạt gần 37,04 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2023.
Hàng dệt may của Việt Nam xuất sang Mỹ vẫn đứng đầu về kim ngạch, đạt trên 16,15 tỷ USD, chiếm 43,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước, tăng 11,7% so với năm 2023. Riêng tháng 12/2024 đạt 1,54 tỷ USD, tăng 17,4% so với tháng 11/2024 và tăng 18% so với tháng 12/2023.
![]() |
Ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam |
Xuất khẩu sang Nhật Bản đứng thứ 2 về kim ngạch, đạt 4,33 tỷ USD, chiếm 11,7%, tăng 6,8%. Riêng tháng 12/2024 đạt 391,72 triệu USD, tăng 1% so với tháng 11/2024 và tăng 13,5% so với tháng 12/2023.
Thị trường EU, đạt trên 4,24 tỷ USD, chiếm 11,5%, tăng 12,7%. Riêng tháng 12/2024 đạt 387,66 triệu USD, tăng 1,5% so với tháng 11/2024 và tăng 25,9% so với tháng 12/2023.
Tiếp đến thị trường Hàn Quốc đạt 3,15 tỷ USD, chiếm 8,5%, tăng 3,5%; Trung Quốc đạt 1,33 tỷ USD, chiếm 3,6%, tăng 18,5% so với năm 2023; thị trường Đông Nam Á chiếm 5,7%, đạt gần 2,1 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm 2023.
“Nhìn chung, xuất khẩu hàng dệt may sang đa số thị trường năm 2024 tăng kim ngạch so với năm 2023”, Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại nêu rõ.
Dệt may là một trong số ngành hàng có tốc độ tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) tốt. Thống kê từ Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho thấy, tỷ trọng xuất khẩu hàng dệt may sang các nước thuộc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương khoảng 16% trên tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may. Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen cũng đóng góp khoảng 2% trên tổng kim ngạch xuất khẩu.
Riêng với Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) được ký vào cuối tháng 10/2024 kỳ vọng sẽ mở ra thêm không gian tăng trưởng cho ngành dệt may Việt Nam. UAE hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhấ của Việt Nam tại khu vực Tây Á và đóng vai trò là cửa ngõ quan trọng để tiếp cận các thị trường Trung Đông, Tây Á và châu Phi. Việc giảm thuế quan từ CEPA giúp các doanh nghiệp dệt may Việt Nam không chỉ tăng cường xuất khẩu trực tiếp sang UAE mà còn mở rộng sang các thị trường lân cận thông qua UAE.
Khẳng định tầm quan trọng của các FTA trong thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp, ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng thông tin, tập đoàn đã linh hoạt triển khai nhiều giải pháp để tận dụng cơ hội thị trường. Bên cạnh khai thác tốt những thị trường truyền thống, doanh nghiệp đã tích cực tìm kiếm thị trường mới với mặt hàng mới.
Đồng thời, tăng cường chuyển đổi số, áp dụng công cụ quản trị hiện đại, máy móc thiết bị được tự động hoá nhằm tăng năng suất lao động. Nhất là ngành sợi, lao động giảm tới 70-80%, hiện lao động trên 1 vạn cọc sợi chỉ khoảng 30-50 lao động.
Tiếp tục đàm phán đơn hàng cho những tháng tiếp theo
Tiếp đà những tháng cuối năm 2024, hiện nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước đã có đơn hàng cho sản xuất đến hết quý I/2025, đang đàm phán đơn hàng cho quý II/2025.
Với Tập đoàn Dệt may Việt Nam, ngoài những đơn hàng thông thường, tập đoàn tiếp tục tập trung nghiên cứu, phát triển sản xuất vải chống cháy. Năm 2025 tập đoàn hướng đến doanh thu 4 triệu USD cho riêng mặt hàng này.
![]() |
Công ty TNHH Sản xuất May mặc Dony đã có đơn hàng đến hết quý I/2025. Ảnh: Dony |
Tương tự, ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Công ty TNHH Sản xuất May mặc Dony đã đi vào sản xuất với nhịp độ cao. Ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất May mặc Dony cho hay, doanh nghiệp đã có đơn hàng cho sản xuất đến hết quý I/2025. Bên cạnh thị trường xuất khẩu truyền thống, doanh nghiệp tiếp tục ổn định thị phần tại những thị trường mới trong khu vực Đông Nam Á.
“Khu vực Đông Nam Á cũng là những quốc gia sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may mạnh. Tuy nhiên, do gần về văn hoá, chi phí logistics rẻ hơn rất nhiều so với các thị trường lớn nhưng xa như Mỹ, EU, doanh nghiệp vẫn ưu tiên lựa chọn”, ông Phạm Quang Anh cho hay.
Năm 2025 tình hình thị trường được dự báo có nhiều biến động. Đặc biệt, với khả năng dệt may Việt Nam có thể chịu 10% thuế từ Mỹ. Và động thái tăng thuế của Mỹ với hàng hoá Trung Quốc gần đây sẽ thúc dòng chuyển dịch sản xuất về Việt Nam diễn ra nhanh hơn. “Việt Nam cần ứng xử khéo léo để tránh trở thành điểm ‘né’ thuế của doanh nghiệp Trung Quốc”, ông Hoàng Mạnh Cầm - Phó Chánh văn phòng Tập đoàn Dệt may Việt Nam nói và cho biết thêm: Trường hợp xung đột Nga – Ucraine chấm dứt được sẽ là dấu hiệu rất tốt đối với nền kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam và với ngành dệt may.
Thị trường xuất khẩu năm 2025 được nhận định tốt hơn tuy nhiên vẫn đoán định bởi những yếu tố mới về chính trị từ những nhà nhập khẩu lớn và tăng nhiệt cạnh tranh.
Dự báo từ nửa cuối năm trở đi, nhà nhập khẩu sẽ không chốt đơn hàng dài mà đơn hàng sẽ ngắn và nhỏ hơn. Đặc biệt, đơn hàng dịch chuyển từ Bangladesh - cứu cánh cho doanh nghiệp may năm vừa qua - sẽ giảm dần, hiện tại xuất khẩu của quốc gia này đã đi vào ổn định.
Tháng 1/2025, dệt may nằm trong nhóm ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD trở lên, đạt kim ngạch 3,1 tỷ USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2024. |