Không chỉ là lợi ích thuế quan
Việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA), theo các chuyên gia lợi ích không chỉ ở thuế quan. Ông Nguyễn Bá Hải nêu, Việt Nam đã ký 17 FTA, thông qua đó, hàng hóa Việt Nam có thể tiếp cận hầu hết các thị trường lớn trên thế giới, tiêu biểu như những hiệp định đa phương như là Hiệp định Đối tác Toàn diện Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). “FTA là từ khoá giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường”, ông Nguyễn Bá Hải nhấn mạnh.
![]() |
Ông Nguyễn Bá Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xúc tiến thương mại và đầu tư, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương. Ảnh: Quốc Chuyển |
Đại diện Cục Xúc tiến thương mại cũng cho hay, tận dụng FTA để mở rộng thị trường, lợi ích không chỉ ở thuế quan mà còn liên quan đến kết nối, chuyển giao công nghệ để phối hợp sản xuất.
Cùng đó, thông qua các khoá đào tạo để nâng cao năng lực được hỗ trợ bởi đối tác, cơ quan chức năng trong nước, doanh nghiệp có được nguồn nhân lực có trình độ về thương mại quốc tế, hiểu về các FTA. Từ đó, có khả năng tận dụng tốt hơn ưu đãi.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết, FTA là từ khoá giúp hàng xuất khẩu của Việt Nam thâm nhập thành công và có chỗ đứng trên thị trường nước ngoài nói chung và Canada nói riêng.
Từ thực tế thị trường sở tại, bà Trần Thu Quỳnh cho biết, tỷ lệ tận dụng FTA của doanh nghiệp Canada không cao. Ngay cả với Hiệp định thương mại do Bắc Mỹ tỉ lệ sử dụng mới đạt 38%.
Hiện trạng đó chính là cơ hội của Việt Nam, bởi lẽ khi doanh nghiệp Canada nhận thức được tầm quan trọng của các FTA, trong đó có CPTPP và cố gắng tăng tỷ lệ tận dụng sẽ tăng mua từ Việt Nam.
“Rõ ràng cơ cấu mặt hàng, nguyên liệu đầu vào của Canada và Việt Nam hoàn toàn bổ trợ chứ không cạnh tranh, có nhiều cơ hội cho hai bên tăng cường hợp tác”, bà Trần Thu Quỳnh nói, đồng thời cho biết, hiện chỉ 18% hàng hoá Việt Nam xuất khẩu vào Canada sử dụng form C/O của CPTPP và vẫn phải trả phí từ 5-20%. Nếu tận dụng được hiệp định này, sản phẩm của Việt Nam rẻ hơn từ 5-20%, sẽ tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Lợi ích lớn hơn, khi doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được CPTPP là có thể định hình chuỗi cung ứng cho Canada về lâu dài.
“Tôi cũng muốn khuyến nghị với các doanh nghiệp rằng khai thác FTA nói chung và CPTPP nói riêng không chỉ là khai thác ưu đãi về thuế để xuất khẩu trong thời gian ngắn hạn mà các doanh nghiệp phải nhắm vào lợi ích lớn hơn là kết nối sản xuất, kết nối công nghệ nhằm tạo ra giá trị cao hơn”, bà Trần Thu Quỳnh một lần nữa nhấn mạnh.
Lực đẩy từ công tác xúc tiến thương mại
Tận dụng các FTA là kênh hiệu quả giúp hàng hoá Việt Nam thâm nhập và đa dạng thị trường, từ đó ổn định, mở rộng không gian cho xuất khẩu hàng Việt. Tuy nhiên, như chia sẻ của doanh nghiệp thì điều này cũng không hề dễ dàng.
Từ những khó khăn đã trải qua, theo ông Vũ Văn Phụ, để tiếp cận thị trường mới hay thị trường đã có FTA thì thông tin là rất quan trọng. Hội mong muốn tham tán thương mại ở nước ngoài chia sẻ càng sớm càng tốt các thông tin về thị trường, chính sách của nước sở tại và kết nối thông tin khách hàng cho doanh nghiệp.
![]() |
Được cung cấp thông tin kịp thời là mong muốn của doanh nghiệp nhằm tiếp cận tốt thị trường mới. Ảnh minh hoạ |
Bên cạnh đó, Thương vụ Việt Nam ở nước sở tại có điều kiện kiểm tra thông tin đối tác nhanh và chính sách, hỗ trợ đánh giá rủi ro từ phía khách hàng, điều này đặc biệt quan trọng với doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp một ngày có thể có 100 email từ nước ngoài gửi đến, nhưng sàng lọc ra cũng chỉ được khoảng dưới 5 % là các thông tin tương đối chính xác, còn lại là không xác định được”, ông Vũ Văn Phụ thông tin thêm.
Chia sẻ với những khó khăn và đề xuất của doanh nghiệp, bà Trần Thu Quỳnh nhìn nhận những đề nghị hỗ trợ của Hội nhôm thanh định hình là rất sát thực. Bà cũng cho biết, để đồng hành cùng doanh nghiệp, trong thời gian tới Thương vụ tiếp tục tích cực thu thập thông tin, phân tích, tổng hợp, đánh giá tình hình địa bàn, các quy định về phòng vệ thương mại để kịp thời cập nhật, làm cơ sở cho doanh nghiệp có quyết định sản xuất và kinh doanh chính xác.
Ngoài ra, Thương vụ tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ các rào cản thương mại, trong đó có việc vận động ký kết thỏa thuận song phương về đơn giản hóa nguyên tắc xuất xứ cho sản phẩm dệt may và vận động mở cửa thị trường thịt, trứng, sữa, đặc biệt là mở cửa thị trường thịt chế biến cho sản phẩm của Việt Nam.
Đồng thời, phối hợp với tổ chức phát triển của Canada tổ chức đào tạo nâng cao năng lực, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ triển lãm chuyên ngành để tăng kết nối, tìm đối tác.
Bà Trần Thu Quỳnh cũng lưu ý, để những biện pháp của Thương vụ phát huy tối đa hiệu quả, doanh nghiệp trong nước cần thường xuyên theo dõi thông tin trên các website chính thống để nắm bắt, có biện pháp tiếp cận thị trường. Đồng thời với đó cần chuẩn kịch bản đối phó khi có những cái thay đổi trong chính sách nhằm thích ứng kịp thời.
Ở góc độ của đơn vị làm công tác xúc tiến thương mại, được biết trong những năm qua, Cục Xúc tiến thương mại thực hiện tham mưu đề xuất và phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, trung tâm xúc tiến thương mại địa phương triển khai nhiều hoạt động đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Đồng thời mở rộng không gian cho hoạt động xuất khẩu Việt Nam.
Cụ thể, Cục Xúc tiến thương mại tập trung hỗ trợ cũng như trực tiếp tổ chức cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ quốc tế lớn.
Phối hợp trực tiếp với hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tổng hợp trước các nhu cầu của thị trường sở tại để tổ chức đoàn doanh nghiệp sang kết nối giao thương. “Trong năm 2024 Cục đã hỗ trợ cho trên 6.000 lượt doanh nghiệp tham gia các hoạt động kết nối giao thương tại thị trường nước ngoài, ký biên bản ghi nhớ giá trị hàng chục triệu USD”, ông Nguyễn Bá Hải nói.
Ngoài ra, Cục cũng cũng tiến hành ký biên bản ghi nhớ để tổ chức quảng bá gian hàng các sản phẩm Việt Nam trên nền tảng Amazon và Alibaba. Quan trọng hơn nữa, Cục là đầu mối để thẩm định về uy tín cũng như khả năng cung ứng của doanh nghiệp Việt Nam, tạo niềm tin rất lớn cho các nhà đầu từ nước ngoài…
Ông Nguyễn Bá Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xúc tiến thương mại và đầu tư, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương: Để đạt tối đa hiệu quả xúc tiến thương mại trong phát triển thị trường, cần triển khai hoạt động một cách chủ động. Theo đó, doanh nghiệp chủ động đề xuất các hoạt động xúc tiến thương mại với những tiêu chí cụ thể, từ thị trường, ngành hàng, đối tượng nhập khẩu và đối tượng tiêu dùng. |