Số hoá trải nghiệm, nâng tầm hình ảnh du lịch Việt Nam

15:52 | 25/04/2025 In bài biết
Nhằm thu hút khách du lịch, ngành du lịch Việt Nam đang trên hành trình số hoá trải nghiệm, xây dựng một hệ sinh thái dịch vụ hiện đại, tiện lợi.
Năm 2024 nói gì với du lịch Việt Nam? Du lịch Việt Nam giành nhiều giải thưởng quốc tế danh giá: Sức hút lớn, sức ép nhiều Xanh hoá du lịch: Cú huých nâng tầm vị thế Việt Nam

Du lịch Việt Nam khởi sắc

Ngành du lịch Việt Nam bước vào năm 2025 với những tín hiệu lạc quan đầy ấn tượng. Chỉ trong quý I, đã có hơn 6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam – tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái, tạo nên kỷ lục mới sau đại dịch. Thành quả này nối tiếp bước phục hồi ngoạn mục của năm 2024 khi cả nước đón 17,6 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa.

Khách du lịch quốc tế tại Đà Nẵng
Khách du lịch quốc tế tại Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN

Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam - ông Nguyễn Trùng Khánh nhận định, kết quả trên là minh chứng rõ rệt cho sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ cùng nỗ lực của toàn ngành trong việc tháo gỡ rào cản, khơi thông chính sách, tạo đà cho du lịch trở lại đúng vị thế ngành kinh tế mũi nhọn.

Năm 2025, theo ông Nguyễn Trùng Khánh, góp phần thực hiện Nghị quyết số 25/NQ-CP của Chính phủ về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên, đang dặt đặt ra yêu cầu cao hơn trong việc đổi mới tư duy, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và tăng cường năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Để thực hiện mục tiêu đề ra, ông Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, hơn bao giờ hết, cộng đồng doanh nghiệp cần phát huy hơn nữa, thể hiện vai trò nòng cốt trong quá trình đổi mới, sáng tạo và phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch, từng bước hình thành các chuỗi giá trị, liên kết vùng, mở rộng thị trường và nâng tầm thương hiệu du lịch Việt Nam.

"Sự năng động, quyết liệt của doanh nghiệp là một yếu tố then chốt tạo nên sức bật cho ngành, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu"- ông Khánh cho hay.

Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: TITC
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh. Ảnh: TITC

Đổi mới sáng tạo phát triển sản phẩm du lịch thông minh

Trong bối cảnh hành vi của khách du lịch đang thay đổi sâu sắc, từ việc đặt tour truyền thống sang tìm kiếm trải nghiệm cá nhân hóa và sử dụng dịch vụ trực tuyến, điều này đặt ra những đòi hỏi và thách thức mới đối với du lịch Việt Nam.

Ông Nguyễn Quý Phương - Phòng Quan hệ quốc tế và Xúc tiến du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) cho biết, xu hướng du lịch toàn cầu đang nghiêng về trải nghiệm "cá nhân hóa" cao độ, nơi mỗi du khách muốn tự thiết kế hành trình, chọn lựa dịch vụ thông qua các nền tảng công nghệ, từ AI đến siêu ứng dụng. Vì vậy, Việt Nam phải chuyển mình nhanh, nếu không muốn bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua giành thị phần du lịch toàn cầu.

Trước các xu hướng phát triển sản phẩm công nghệ, đáp ứng nhu cầu thị trường, cộng đồng doanh nghiệp đang ngày càng thể hiện rõ vai trò nòng cốt trong sáng tạo và cung cấp các sản phẩm du lịch mới, khác biệt, phù hợp với xu hướng. Không chỉ đưa ra dịch vụ mới, doanh nghiệp còn tham gia vào các chuỗi giá trị, liên kết vùng, hợp tác phát triển các tour, tuyến theo chủ đề văn hóa, sinh thái, ẩm thực… giúp du khách có những hành trình trải nghiệm trọn vẹn, giàu bản sắc.

Với sự hỗ trợ từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, thời gian qua nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi số thành công, từ việc sử dụng mã QR trong thanh toán, hệ thống đặt vé online, bản đồ số, đến quản lý khách sạn bằng trí tuệ nhân tạo, góp phần tạo ra những “điểm sáng” cho du lịch Việt.

Đại diện Tổng Công ty Viễn thông MobiFone giới thiệu về Dự án Hi Vietnam. Ảnh: TITC
Đại diện Tổng Công ty Viễn thông MobiFone giới thiệu về "Hi Vietnam". Ảnh: TITC

Để tăng sức hút cho du lịch Việt Nam, Tổng Công ty Viễn thông Mobifone đã giới thiệu sản phẩm “Hi Vietnam” hướng tới phục vụ khách quốc tế ngay khi nhập cảnh vào Việt Nam. Đây là sản phẩm tích hợp nhiều tiện ích như SIM/eSIM miễn phí, truy cập thông tin điểm đến, đặt dịch vụ, thanh toán quốc tế, hỗ trợ ngôn ngữ và chăm sóc khách hàng 24/7.

Dự kiến sản phẩm “Hi Vietnam” này sẽ ra mắt chính thức vào đầu quý III/2025. Đồng thời, Tổng Công ty Viễn thông Mobifone sẽ hợp tác với các công ty lữ hành, cơ quan quản lý du lịch để tạo ra hệ sinh thái sản phẩm số đạt chuẩn quốc tế, đáng tin cậy và thu hút khách quốc tế khi đến Việt Nam.

Ông Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, "Hi Vietnam" là bước tiến đúng hướng trong xu thế phát triển du lịch thông minh, kết nối hiệu quả giữa công nghệ, du khách, nhà quản lý. Sản phẩm này kỳ vọng sẽ góp phần cụ thể hóa mục tiêu xây dựng hệ sinh thái du lịch hiện đại, tiện lợi và an toàn.

Năm 2025 là năm có ý nghĩa quan trọng đối với ngành du lịch Việt Nam trong bối cảnh phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch, hướng tới mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế, 120-130 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch khoảng 1 triệu tỷ đồng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng 8% GDP của cả nước và tăng trưởng 2 con số vào những năm tiếp theo.

Để thực hiện được các mục tiêu này, ngành du lịch cần đổi mới mạnh mẽ từ cách tiếp cận thị trường, hình thức xúc tiến quảng bá, đến việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số nhằm nâng cao trải nghiệm cho du khách.

Bảo Thoa

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: [email protected]

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/so-hoa-trai-nghiem-nang-tam-hinh-anh-du-lich-viet-nam-384841.html