Ba năm qua, tỉnh Nghệ An trở thành “điểm sáng” về thu hút đầu tư FDI vào Khu kinh tế (KKT) và các Khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh. Báo Công Thương có cuộc phỏng vấn ông Lê Tiến Trị - Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban quản lý KKT Đông Nam Nghệ An về bức tranh thu hút đầu tư của tỉnh này.
Thành công từ thu hút FĐI
- Thưa ông, tỉnh Nghệ An đang rất phấn khởi về những kết quả nổi bật đạt được trong thu hút đầu tư vào KKT và các KCN. Ông có thể chia sẻ về điều này?
Ông Lê Tiến Trị: Đúng là như vậy. Năm 2024 là năm thu hút vốn FDI thành công nhất của tỉnh Nghệ An từ trước tới nay và là năm thứ 3 liên tiếp nằm trong top 10 địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước. Tổng vốn đăng ký và điều chỉnh tăng vốn đạt gần 1,75 tỷ USD, đứng thứ 8/63 tỉnh, thành trên cả nước. Lũy kế đến hết năm 2024, tỉnh Nghệ An có 151 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 5,871 tỷ USD, xếp thứ 22/63 địa phương về tổng vốn đầu tư đăng ký.
Trong KKT Đông Nam và các KCN tỉnh hiện có trên 320 dự án, với tổng vốn đầu tư trên 185 nghìn tỷ đồng, trong đó có 101 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 5,8 tỷ USD. Số lượng dự án đầu tư nước ngoài tại KKT chiếm trên 65% toàn tỉnh, nhưng vốn đầu tư chiếm hơn 97%. Cơ cấu đó cho thấy KKT và các KCN là điểm thu hút đầu tư chính của tỉnh.
![]() |
Ông Lê Tiến Trị - Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban quản lý KKT Đông Nam Nghệ An |
Đến năm 2024, Nghệ An đã phát triển được 8 KCN với tổng diện tích trên 2.570 ha. Trong 3 năm nay là giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất về KCN của tỉnh Nghệ An, bởi trước đó, cả một quá trình dài từ năm 1998 đến năm 2020, Nghệ An chỉ phát triển được 4 KCN với tổng diện tích là 934 ha. Cũng 3 năm nay, tỉnh Nghệ An luôn sẵn mặt bằng sạch để thu hút đầu tư, bình quân hằng năm có trên 500 ha.
Có thể khẳng định, từ thu hút đầu tư hiệu quả đã góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, an sinh xã hội và nộp ngân sách nhà nước. Trong KKT hiện có trên 150 doanh nghiệp đang hoạt động, giá trị sản xuất công nghiệp và doanh thu đạt mức khá, với trên 70 nghìn tỷ đồng. Đến hết 2024, kim ngạch xuất khẩu đạt 4,5 tỷ USD, vượt gấp đôi chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra. Tổng số lao động trong KKT và các KCN là hơn 46.000 người, năm 2024 đã thu hút được gần 15.000 người lao động. Quan hệ lao động trong các khu công nghiệp ổn định, hài hòa, tiến bộ.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư, tỉnh Nghệ An tiếp tục nâng cao môi trường đầu tư, thực hiện tốt phương châm “5 sẵn sàng”, đó là sẵn sàng về mặt bằng đầu tư; sẵn sàng về hạ tầng thiết yếu; sẵn sàng về nguồn nhân lực; sẵn sàng đổi mới, cải cách, cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh; sẵn sàng hỗ trợ.
Với kết quả và tinh thần đó, Nghệ An tự tin là tỉnh có môi trường đầu tư hấp dẫn, tin cậy. Song, tỉnh cũng nhận diện rõ những thách thức trong thu hút đầu tư, cụ thể như về hạ tầng KCN, hạ tầng kết nối, nguồn nhân lực,…để tiếp tục cải thiện, đầu tư, đồng hành, hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
- Để có những kết quả vượt trội như trên, Nghệ An có “lối đi” riêng nào trong thu hút đầu tư thưa ông?
Ông Lê Tiến Trị: Về thu hút đầu tư, cơ bản các tỉnh đều có hướng đi chung đó là chuẩn bị về quy hoạch, hạ tầng KCN, các hạ tầng thiết yếu, nguồn nhân lực,…Điểm lợi thế của Nghệ An là sớm nhận diện được lối đi sau một quá trình dài thu hút đầu tư.
Nghệ An chú trọng thu hút đầu tư từ năm 2009 thông qua các hội nghị gặp mặt mặt các nhà đầu tư và trải qua 10 kỳ hội nghị tổ chức theo diện rộng. Thời điểm đó, tỉnh chưa định hình rõ một không gian để đón nhận các dự án đầu tư, chưa có các điểm cụ thể để nhà đầu tư đánh giá và lựa chọn.
Từ việc tiếp cận đầu tư trên diện rộng, đến năm 2020, tỉnh tập trung thu hút đầu tư có trọng điểm, ưu tiên. Tập trung thu hút các nhà đầu tư hạ tầng KCN chuyên nghiệp, lớn mạnh, là cánh tay nối dài của Nhà nước để tiếp cận thị trường. Nhà nước tạo ra môi trường, thiết lập cơ chế và giải quyết thủ tục, còn các nhà đầu tư hạ tầng hoàn thiện đầu tư hạ tầng, có cơ chế về giá cả dịch vụ và tìm kiếm lượng khách hàng tốt.
Và Nghệ An đã thu hút được các nhà đầu tư hạ tầng KCN lớn như: VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt. Trong đó, VSIP, WHA tại Nghệ An có lượng khách hàng rất lớn trên thế giới để tiếp cận; Hoàng Thịnh Đạt là nhà đầu tư trong nước cũng có cách tiếp cận khách hàng rất chuyên nghiệp.
![]() |
Tỉnh Nghệ An đã thu hút được các nhà đầu tư hạ tầng KCN chuyên nghiệp |
Cùng với đó, lãnh đạo tỉnh Nghệ An luôn sâu sát với nhiệm vụ xúc tiến đầu tư; chỉ đạo quyết liệt các cấp ngành, địa phương tham gia vào công tác xúc tiến đầu tư. Ban quản lý KKT Đông Nam được giao chủ trì giải quyết một số thủ tục và là đầu mối theo dõi, nắm bắt tiến độ, đôn đốc, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh; phối hợp với các sở, ngành để giải quyết các vấn đề liên quan. Việc thu hút đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư ngày càng trọng tâm, bài bản, quyết liệt, trách nhiệm cao; thực sự nâng cao nhận thức, thái độ và trách nhiệm trong giải quyết thủ tục cho nhà đầu tư. Từ hệ thống cơ quan nhà nước đến các địa phương đều vào cuộc quyết liệt với các dự án thu hút đầu tư trọng điểm của tỉnh.
Tỉnh cũng triển khai nhiều cơ chế chính sách để tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Cụ thể như về giá đất KCN, đảm bảo đúng quy định pháp luật nhưng có sự cạnh tranh hấp dẫn; thực hiện một số chỉnh sách để ổn định giá đất; hỗ trợ hạ tầng về logistics. Quan điểm chỉ đạo của tỉnh là tạo môi trường đầu tư theo 3 thành tố: thuận lợi, tin cậy, hiệu quả, trên nguyên tắc tuân thủ quy định pháp luật nhưng có linh hoạt, nhanh gọn, hiệu quả. Luôn đặt mình vào vị trí của nhà đầu tư, coi khó khăn của nhà đầu tư là khó khăn của chính quyền để hỗ trợ, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Mục tiêu lớn - hành động quyết liệt
- Vậy tỉnh Nghệ An kỳ vọng và đề ra kế hoạch thu hút đầu tư vào KKT và các KCN của tỉnh Nghệ An trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Tiến Trị: Trong 5 năm tới, mục tiêu đặt ra là xây dựng và phát triển KKT Đông Nam trở thành khu vực động lực tăng trưởng của tỉnh, trọng tâm hình thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, logistic gắn với hành lang kinh tế phía Đông. Mục tiêu cụ thể là thành lập mới 8 – 10 KCN với diện tích khoảng 2.800 – 3.000 ha. Thu hút đầu tư nước ngoài khoảng 5,0 – 6,0 tỷ USD. Vốn đầu tư thực hiện đạt trên 60% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tổng vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KKT, KCN đạt khoảng 15.000 – 20.000 tỷ đồng. Thu ngân sách trong KKT Đông Nam, các KCN đến năm 2030 chiếm khoảng 25 – 30% tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh. Giải quyết việc làm cho người lao động đến năm 2030 khoảng 180.000 – 200.000 người, đáp ứng khoảng 35 – 40% nhà ở, nhà lưu trú cho công nhân làm việc tại KKT, KCN.
Đối với năm 2025 sẽ là một năm nhiều thách thức và cơ hội đối với tỉnh Nghệ An trong thu hút đầu tư FDI. Tỉnh Nghệ An đặt ra mục tiêu tiếp tục giữ vững thành tích tốp 10 địa phương thu hút vốn FDI lớn nhất cả nước. Tiếp tục nâng cao tỷ lệ vốn thực hiện của các dự án FDI trong KKT Đông Nam đạt khoảng 60% so với tổng vốn đăng ký. Nâng cao chất lượng các dự án của các nhà đầu tư có năng lực, sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
![]() |
Ông Lê Tiến Trị - Trưởng Ban quản lý KKT Đông Nam Nghệ An trao đổi với phóng viên Báo Công Thương |
Để đạt mục tiêu trên, đối với Ban quản lý KKT Đông Nam, nhiệm vụ tập trung trong thời gian tới là triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị và Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bám sát Đề án mở rộng KKT Đông Nam Nghệ An từ 20.776 ha lên 104.270 ha. Hoàn thành hồ sơ thủ tục để triển khai các dự án hạ tầng chiến lược thu hút đầu tư như Cảng nước sâu Cửa Lò, Cảng hàng không quốc tế Vinh, LNG Quỳnh Lập 1500MW. Tiếp nối sự chấp thuận đầu tư nhanh chóng của dự án KCN VSIP 3 để tiếp tục phát triển thêm các KCN. Dự kiến trong 2025 sẽ phát triển thêm 4 đến 5 KCN.
Năm 2025 là năm mà nhiều dự án đã được đầu tư trước đó đi vào hoạt động, trong đó có 8 dự án quy mô lớn. Vì vậy, Ban quản lý KKT hết sức tập trung cho công tác kết nối cung - cầu lao động, thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TU ngày 8/01/2025 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác kết nối cung – cầu lao động, giải quyết việc làm, thu hút lao động cho các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI giai đoạn 2025 – 2030. Ban đã ban hành kế hoạch tổ chức 3 “Ngày hội việc làm”, hỗ trợ doanh nghiệp các kênh tuyển dụng lao động.
Năm 2025 đặt ra yêu cầu thu hút 45.000 lao động cho doanh nghiệp. Đây là một thách thức rất lớn, Ban tiếp tục là đầu mối kết nối với Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp để tuyển dụng lao động, kết nối để doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo nghề, mở rộng giới thiệu việc làm ra các lực lượng chuẩn bị tham gia vào thị trường lao động
Cùng với đó, Ban quản lý KKT Đông Nam cũng xúc tiến xây dựng các thiết chế văn hóa, thương mại, dịch vụ, nhà ở xã hội cho công nhân lao động, góp phần thu hút lao động. Tiếp tục đổi mới, cải cách, tinh gọn thủ tục hành chính, hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư.
Xin cảm ơn ông!
Từ những kết quả nổi bật trong thu hút đầu tư FDI, có thể thấy rằng Nghệ An đã và đang khẳng định vị thế của mình là một trong những điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Với chiến lược thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh và đẩy mạnh phát triển hạ tầng, tỉnh Nghệ An đã tạo ra những bước tiến vững chắc trong phát triển kinh tế - xã hội. Nghệ An hoàn toàn có thể hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ và logistics quan trọng của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước. |