Quảng bá hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam tại Italia Phát triển vùng nguyên liệu cho sản phẩm làng nghề Cải tiến mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ: Hiện đại hay truyền thống? |
Yếu thế trên thị trường
Ông Tôn Gia Hóa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho hay, Việt Nam có hơn 5.400 làng nghề và làng nghề truyền thống với nhiều mô hình sản phẩm khác nhau, như: Mây tre đan, gốm sứ, thêu dệt, đúc đồng, chạm khắc gỗ, trang sức, đá quý. Doanh thu của các làng nghề này rơi vào khoảng 75 nghìn tỷ đồng.
Những năm gần đây, thủ công mỹ nghệ luôn nằm trong nhóm mặt hàng xuất khẩu tỷ USD với sản phẩm đa dạng, có giá trị gia tăng cao, biên độ lợi nhuận lớn. Nguyên do, hàng thủ công mỹ nghệ sản xuất chủ yếu bằng nguyên liệu sẵn có trong nước, nguồn nhập khẩu ước tính chỉ khấu hao từ 3-3,5% giá trị xuất khẩu.
![]() |
Ông Tôn Gia Hóa- Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam. Ảnh: Duy Khánh |
Đặc biệt, việc thực thi các hiệp định thương mại tự do đang mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Đến nay, các sản phẩm này của Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm gần 10% nhu cầu của thị trường toàn cầu.
Dù vậy, ông Tôn Gia Hóa cũng nhìn nhận, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam vẫn yếu thế trên thị trường.
“Quy mô thị trường thủ công mỹ nghệ Việt Nam được dự đoán sẽ có tốc độ tăng trường vào khoảng 8,7% trong giai đoạn 2024 – 2032, đây là con số thấp hơn mức tăng trưởng ngành toàn cầu”, lãnh đạo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam nói.
Thực trạng này xuất phát nhiều nguyên nhân, trong đó hầu hết doanh nghiệp làng nghề đều gặp phải những khó khăn như: Thiếu vốn để đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị máy móc nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm; nguồn nguyên liệu không ổn định và chưa tạo dựng được nhiều thương hiệu hàng hóa.
Đứng ở góc độ cơ quan thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, ông Tạ Mạnh Cường- Trưởng phòng Phát triển năng lực xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) chỉ ra, do năng lực thiết kế và phát triển sản phẩm yếu cộng hưởng cùng năng lực phát triển thị trường hạn chế.
Mặt khác, năng lực bảo vệ thương hiệu chưa cao do chưa có nhận thức về sở hữu trí tuệ. Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng kiểm soát chưa hiệu quả.
Theo đại diện Cục Xúc tiến thương mại, có thể nhận thấy, ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam mặc dù có tiềm năng nhưng vẫn, chưa tạo ra được nhiều các sản phẩm mang đậm nét nghệ thuật, văn hóa Việt để có thể khẳng định vị thế vững chắc trên thị trường.
Làm thế nào để ‘thoát xác’
So với nhiều ngành hàng xuất khẩu khác, với khoảng 2 tỷ USD mỗi năm, kim ngạch của ngành thủ công mỹ nghệ không phải lớn. Tuy nhiên, giá trị về xã hội lại rất lớn khi tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động nông thôn, quảng bá văn hóa dân tộc.
Bài toán khó ở đây là làm thế nào để giúp sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam khắc phục những điểm yếu, định vị rõ hơn vị thế trên thị trường.
![]() |
Xúc tiến thương mại-kênh quảng bá hữu hiệu cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Ảnh minh họa |
Giải pháp cho vấn đề này, theo đại diện Cục Xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp, làng nghề thủ công mỹ nghệ cần định vị lại vị trí thương hiệu của mình trên thị trường. Doanh nghiệp cần xác định điểm mạnh, điểm yếu, những gì đã làm tốt và cần thay đổi, nâng cấp những gì để phù hợp với thị trường hiện tại và tương lai.
Mặt khác, cần đánh giá được chính xác đối thủ trên thị trường để có chiến lược xây dựng thương hiệu phù hợp nhất với doanh nghiệp từ phát triển thương hiệu đến truyền thông, quảng bá. Đối với ngành đặc thù như thủ công mỹ nghệ, thương hiệu sản phẩm cần được phát triển gắn liền với thương hiệu làng nghề, thương hiệu tập thể, thương hiệu du lịch …
Ngoài ra, trong xu thế công nghệ bùng nổ, doanh nghiệp, cơ sở làng nghề cần tận dụng tốt lợi thế của các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá sản phẩm và thương hiệu.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp tiếp nhận những công nghệ mới, tiên tiến trong sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ; đẩy mạnh ứng dụng các máy móc, công nghệ, thiết bị hiện đại trong cải tiến mẫu mã, bao bì, thiết kế và chất lượng của sản phẩm. Điều này sẽ giúp cho thương hiệu của sản phẩm, của doanh nghiệp tạo ấn tượng tốt với người tiêu dùng.
Song song với đó cần chú trọng công tác đào tạo nghề, truyền nghề, chuyển giao kinh nghiệm từ các thế hệ đi trước để xây dựng nguồn lao động trẻ có tay nghề, chất lượng cao, có thể phát huy sức trẻ trong sáng tạo, tạo nên những sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Trong Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2025, Cục Xúc tiến thương mại hỗ trợ Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam tham gia Hội chợ hàng trang trí nội thất và quà tặng Ambiente 2025 tại Đức; Hội chợ Maison&Object 2025 tại Pháp… nhằm giúp các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, tìm hiểu thị trường và nhu cầu tiêu dùng trong bối cảnh mới. |