Giá cà phê Arabica lập đỉnh mới Cà phê Arabica kết thúc chuỗi tăng giá kỷ lục Giá cà phê Robusta tăng do nguồn cung thắt chặt |
Sự biến động này xuất phát từ nhiều nguyên nhân phức tạp, bao gồm cả yếu tố cung - cầu, thời tiết, kinh tế vĩ mô và đặc biệt là hoạt động đầu cơ.
Nguyên nhân khiến giá cà phê biến động
Biến đổi khí hậu đang gây ra những tác động tiêu cực đến vụ mùa cà phê tại các nước sản xuất lớn hàng đầu thế giới như Brazil và Việt Nam. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, sương giá, mưa lớn thất thường ảnh hưởng mạnh đến sản lượng và chất lượng cà phê, dẫn đến biến động giá.
Bên cạnh đó, biến động tỷ giá và lãi suất đều ảnh hưởng trực tiếp lên giá cà phê. Đồng USD mạnh lên làm giá cà phê giảm do hàng hóa này chủ yếu giao dịch bằng USD. Ngược lại, khi đồng USD yếu đi, giá cà phê tăng. Khi lãi suất cao, nhà đầu tư ít rót tiền vào hàng hóa, khiến giá cà phê tăng giảm thất thường. Hơn nữa, chính sách mua hàng của các nhà rang xay lớn trên toàn cầu giảm nhu cầu, cần tới đâu mua tới đó do giá cà phê quá cao.
![]() |
Giá cà phê đang biến động không ngừng. Ảnh: Văn Hoàng |
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Thái Như Hiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội cà phê – ca cao Việt Nam (VICOFA) chia sẻ: “Nguyên nhân chính vẫn là hoạt động đầu cơ, các quỹ đầu tư tài chính trên sàn London (đối với cà phê Robusta) và New York (đối với cà phê Arabica) tác động lớn đến giá cà phê, đẩy giá lên hoặc xuống mạnh chỉ trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, khi chi phí vận chuyển tăng cao hoặc có vấn đề về logistics (như tắc nghẽn kênh đào Panama, Houthi tấn công tàu biển), giá cà phê có thể tiếp tục biến động mạnh”.
Người trồng và doanh nghiệp xuất khẩu cần làm gì?
Giá cà phê trong nước vẫn từng ngày chịu tác động lớn từ thị trường quốc tế. Người trồng cà phê vì thế không thể chủ động trước những biến động giá cả. Giá cà phê liên tục ‘nhảy múa’ không chỉ khiến nông dân hồi hộp mà còn làm gia tăng rủi ro trong sản xuất.
![]() |
Nếu doanh nghiệp và người trồng cà phê có chiến lược dài hạn, họ có thể giảm tác động tiêu cực từ biến động giá . Ảnh: Văn Hoàng |
“Vì vậy, đối với người trồng cà phê, chuyển đổi sang mô hình canh tác bền vững để giảm chi phí, tăng chất lượng và hưởng giá bán cao hơn từ các chương trình chứng nhận như Rainforest, Fairtrade, UTZ…” ông Hiệp đưa ra lời khuyên.
Bên cạnh đó, để người nông dân giảm sự phụ thuộc vào thương lái hay biến động từ bên ngoài bằng cách liên kết với hợp tác xã, nhà rang xay, doanh nghiệp xuất khẩu tạo thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ chặt chẽ để có giá bán tốt hơn. Tận dụng công cụ bảo hiểm giá với doanh nghiệp đã liên kết để tránh rủi ro khi giá giảm mạnh. Về lâu dài, cần nâng cao giá trị hạt cà phê thông qua chế biến sâu, xây dựng thương hiệu.
“Về phía doanh nghiệp xuất khẩu, phải chủ động quản lý rủi ro giá bằng các công cụ tài chính như hợp đồng kỳ hạn, quyền chọn trên sàn London và NewYork. Hơn nữa, cần mở rộng thị trường, giảm phụ thuộc vào một vài khách hàng lớn để tránh bị ép giá hay đầu tư vào chế biến sâu để gia tăng giá trị, thay vì xuất khẩu cà phê nhân thô” ông Hiệp khuyến nghị.
Đặc biệt, tận dụng ưu đãi từ các FTA (EVFTA, CPTPP…) để mở rộng xuất khẩu cà phê với thuế suất thấp hơn. Cuối cùng nên chọn thực hiện các hợp đồng mua bán 'back to back' của đầu vào lẫn đầu ra để tránh rủi ro khi giá lên xuống thất thường.
“Nếu doanh nghiệp và người trồng cà phê có chiến lược dài hạn, họ có thể giảm tác động tiêu cực từ biến động giá và ổn định lợi nhuận hơn” ông Hiệp chia sẻ thêm.
Giá cà phê hôm nay (28/2) biến động tăng 1.500 đồng/kg và đang ở mức 128.500-130.500 đồng/kg. Dự báo, giá cà phê nội địa có thể duy trì đà tăng nếu nguồn cung chưa ổn định và nhu cầu xuất khẩu vẫn cao. Cụ thể, giá cà phê hôm nay tại Đắk Lắk có mức 130.500 đồng/kg. Giá cà phê tại Lâm Đồng có mức 128.500 đồng/kg. Giá cà phê tại Gia Lai có mức 130.500 đồng/kg và giá cà phê tại Đắk Nông là 130.500 đồng/kg. Việt Nam dự kiến thu về hơn 6 tỷ USD từ xuất khẩu cà phê trong năm nay, thậm chí có thể đạt 7 tỷ USD nếu thị trường tiếp tục thu hút sự quan tâm từ các nhà mua quốc tế. Trên thế giới, trên sàn London, giá cà phê Robusta quay đầu giảm nhẹ so với ngày hôm qua, mức tăng từ 28 – 36 USD/tấn, dao động từ 5.202 – 5.376 USD/tấn. Tương tự, kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Arabica trên sàn New York tiếp tục có phiên giảm thứ 4 liên tiếp, mức giảm từ 0.05 – 1.60 cent/lb, dao động từ 344.65 – 373.60 cent/lb. Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Arabica Brazil cũng không ngoại lệ giảm phiên thứ 4 liên tiếp, mức giảm từ 1.10 – 5.45 USD/tấn, dao động từ 439.70 – 460.00 USD/tấn. |