Du lịch golf kỳ vọng thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam Khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam tăng trưởng ấn tượng Khách du lịch quốc tế ‘xông đất’: Tín hiệu vui đầu năm |
Khách siêu sang lựa chọn du lịch Việt Nam
Mới đây, tỉnh Quảng Ninh đã đón hai triệu phú trong giới tài chính Mỹ là ông Jeff Grinspoon và ông John Thomas Foley du lịch Việt Nam kết hợp tìm kiếm cơ hội đầu tư trong lĩnh vực sản xuất giày dép, bất động sản.
Theo đó, các triệu phú di chuyển bằng trực thăng từ Hà Giang tới sân bay Gia Lâm (Hà Nội) và từ sân bay Gia Lâm đến Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Theo lịch trình, đoàn du ngoạn trên Vịnh Bái Tử Long, Vịnh Hạ Long theo tuyến du lịch thử nghiệm mới trong 3 ngày 2 đêm.
![]() |
Việt Nam đang có nhiều sản phẩm chất lượng để đón khách chi tiêu cao. Ảnh: Indochine |
Được biết, đây là nhóm triệu phú, tỷ phú thế giới đầu tiên đến Quảng Ninh trong chương trình tour đặc biệt dành cho khách siêu sang. Dự kiến sẽ có thêm khoảng 4 đoàn tỷ phú thế giới nữa đến Quảng Ninh trong thời gian tới. Đoàn đông nhất có 106 khách là các tỷ phú người Đức.
Bên cạnh việc khám phá Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, các đoàn tỷ phú đến Quảng Ninh tới đây sẽ đi các tour đặc biệt được cá nhân hóa theo yêu cầu riêng. Việc xây dựng tour tuyến đặc biệt để đón các dòng khách hạng sang, khách triệu phú, tỷ phú là một trong những định hướng mới được ngành du lịch Quảng Ninh tập trung đẩy mạnh trong năm 2025.
Thời gian qua, du lịch Việt Nam không ngừng cải thiện chất lượng dịch vụ, sản phẩm, hạ tầng cơ sở được đẩy mạnh đầu tư, vì thế, thương hiệu du lịch Việt đang dần thay đổi từ du lịch giá rẻ sang điểm đến đẳng cấp, chất lượng. Theo đó, Việt Nam đã liên tục đón được các đoàn khách du lịch cao cấp ở các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Trung Đông, Châu Âu, Mỹ.
Đặc biệt, nhiều tỉ phú, du khách có mức chi tiêu cao lựa chọn để tổ chức các sự kiện trọng đại. Đáng chú ý, cuối tháng 8/2024, một tỷ phú ngành dược của Ấn Độ đã lựa chọn Hà Nội, Hạ Long (Quảng Ninh), Ninh Bình là nơi dành trọn kỷ nghỉ cho 4.500 nhân viên của mình gây được sự chú ý từ dư luận.
Đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái 5C
Theo Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam – ông Nguyễn Trùng Khánh, Việt Nam có tiềm năng lớn trở thành điểm đến du lịch chất lượng với nhiều tài nguyên thiên nhiên và văn hóa. Cơ sở hạ tầng xã hội, cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch được hoàn thiện, đầu tư đồng bộ. Nguồn nhân lực được đào tạo đáp ứng nhu cầu chất lượng phục vụ chuyên nghiệp. "Vì vậy, ngành du lịch Việt Nam luôn xác định ưu tiên phát triển du lịch chất lượng cao, du khách chi tiêu cao"- ông Khánh cho hay.
Chia sẻ với Báo Công Thương, ông Phạm Hải Quỳnh – Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á cũng nêu nhận định, với những điều kiện thuận lợi hiện nay, Việt Nam có nhiều cơ hội để đón các đoàn khách sang, khách du lịch cao cấp.
Đặc biệt, Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á cho rằng, năm 2025 được dự đoán sẽ là một năm bùng nổ cho ngành du lịch tàu biển tại Việt Nam. "Với việc nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng biển và phát triển các tour du lịch chất lượng cao, Việt Nam có tiềm năng thu hút một lượng lớn khách du lịch tàu biển, dòng khách chi tiêu cao" - ông Quỳnh chia sẻ.
![]() |
Nhiều doanh nghiệp du lịch đầu tư nâng cao giá trị trải nghiệm để níu chân du khách. Ảnh: Nguyễn Nhung |
Mặc dù vậy, việc thu hút và đáp ứng được nhu cầu của dòng khách cao cấp, chi tiêu cao cũng đặt ra không ít thách thức đối với ngành du lịch, bởi, dù chất lượng dịch vụ du lịch, hạ tầng cơ sở đã được cải thiện, nguồn nhân lực vẫn còn nhiều hạn chế. Trong khi, dòng khách du lịch cao cấp luôn có những yêu cầu cao, hết sức khắt khe.
Vì thế, để nâng tầm du lịch cao cấp, theo ông Phạm Hải Quỳnh, cần tiếp tục cải thiện hạ tầng, dịch vụ; sân bay, đường cao tốc, bến du thuyền cần được đầu tư bài bản để đảm bảo kết nối thuận tiện giữa các điểm đến cao cấp. Các khu nghỉ dưỡng sang trọng cần đạt chuẩn quốc tế về thiết kế, tiện ích và dịch vụ. Ngoài ra, việc đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh sẽ giúp du khách thượng lưu dễ dàng lựa chọn Việt Nam làm điểm đến.
Cùng với đó, việc tạo ra các tour du lịch độc đáo và hấp dẫn gần cảng, kết hợp văn hóa địa phương với trải nghiệm du lịch, như tour ẩm thực, tham quan di tích lịch sử được cho là tăng thêm sức hút đối với du khách. Mặt khác, đổi mới công tác quảng bá hình ảnh Việt Nam, qua đó nhằm lan toả điểm đến an toàn và hấp dẫn tới dòng khách cao cấp.
Ngoài ra, để khai thác hiệu quả phân khúc du khách thượng lưu, ngành du lịch Việt Nam được gợi ý cần tập trung phát triển hệ sinh thái 5C: Culture (văn hóa đặc sắc) - bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, kết hợp với trải nghiệm hiện đại để tạo ra những chuyến đi giàu bản sắc; cuisine (ẩm thực tinh hoa) – đầu tư vào trải nghiệm ẩm thực cao cấp, từ chuỗi cung ứng nguyên liệu đến dịch vụ nhà hàng chuẩn quốc tế; customization (cá nhân hóa) - thiết kế dịch vụ theo nhu cầu riêng của từng du khách, nâng cao giá trị trải nghiệm; community (gắn kết cộng đồng) - tạo điều kiện để du khách hòa mình vào đời sống địa phương, từ đó tăng tính kết nối, trải nghiệm chân thực và content (trải nghiệm độc đáo) - liên tục sáng tạo các sản phẩm du lịch mới, từ MICE, golf, trực thăng ngắm cảnh, đến du thuyền, chăm sóc sức khỏe… để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo cần đẩy mạnh cải tiến sản phẩm du lịch, đồng thời nghiên cứu và bổ sung các giải pháp hỗ trợ để thu hút khách du lịch quốc tế. |