Sau 1 năm chuyển giao, Metro Việt Nam chính thức có tên gọi mới Bố trí thêm 12 tuyến buýt kết nối phục vụ metro Nhổn - ga Hà Nội Cách nào để xe buýt, metro Thủ đô thêm hút khách? |
Theo số liệu thống kê từ Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro), trung bình mỗi tháng có hơn 480 nghìn lượt hành khách di chuyển trên tuyến đường sắt đô thị số 3.1 Nhổn - ga Hà Nội.
Ông Lê Ngọc Quang - Phó TGĐ Công Ty TNHH MTV Công ty Đường sắt Hà Nội - cho biết: "Sau 6 tháng đi vào vận hành khai thác thương mại, đến nay, số lượng hành khách đi lại trên tuyến đường sắt đô thị số 3.1 Nhổn - Ga Hà Nội đã đạt gần 3,4 triệu hành khách. Trong đó, tỉ lệ hành khách sử dụng vé tháng chiếm hơn 60% tổng số hành khách. Đây là một con số ấn tượng, chứng tỏ đường sắt đô thị đang là phương tiện giao thông công cộng được người dân quan tâm và sử dụng một cách thường xuyên, đặc biệt là nhóm đối tượng học sinh, sinh viên và người đi làm".
Đặc biệt, lượng khách đi đường sắt trên cao duy trì ổn định theo từng tháng và có xu hướng ngày càng gia tăng. Tuyến tàu có không gian sạch đẹp, thời gian di chuyển ổn định. Hành khách cũng không phải lo lắng về ùn ứ, tắc đường giờ cao điểm và ô nhiễm khói bụi từ các phương tiện giao thông khác. Nhiều người dù mới có trải nghiệm lần đầu nhưng đều đã quyết định chuyển sang đi đường sắt đô thị.
![]() |
Metro Nhổn - ga Hà Nội ngày càng đông khách. Ảnh: T.M |
Trước đó, từ ngày 8/8/2024, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội chính thức vận hành đoạn trên cao. Trong 15 ngày đầu tiên miễn phí vé, số lượng hành khách trải nghiệm sử dụng dịch vụ lên tới trên 100.500 lượt - con số kỷ lục của tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội.
Theo đó, Hanoi Metro đặt mục tiêu năm 2025 tuyến Nhổn - ga Hà Nội (đoạn trên cao), dự kiến vận hành 80.000 lượt tàu; sản lượng hành khách dự kiến đạt trên 6,5 triệu lượt.
Với tuyến Cát Linh - Hà Đông dự kiến vận hành 81.345 lượt tàu, tăng 0,37% so với thực hiện năm 2024. Dự kiến sản lượng hành khách đạt trên 12,7 triệu lượt, tăng 7,4% so với thực hiện năm 2024.
Đặc biệt, năm 2025, Hanoi Metro sẽ quan tâm nhiều hơn cho truyền thông, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, xây dựng app Hanoi Metro… để tăng tính tiện lợi cho hành khách, thuận tiện cho quản lý, điều hành.
Đồng thời, phối hợp với các các đơn vị xe buýt, cung cấp dịch vụ vận chuyển thông minh (Xanh SM, Grab, Be…) rà soát, điều chỉnh lộ trình, tăng cường kết nối để tăng tính thuận lợi, qua đó thu hút người dân sử dụng dịch vụ.
Với phương châm an toàn vận hành phải là ưu tiên số 1, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cũng sẽ tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm chế độ, chính sách cho người lao động; tạo bước đột phá trong phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số toàn diện của công ty…
Theo dự kiến, đoạn đi ngầm từ Cầu Giấy tới ga Hà Nội thuộc tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội sẽ phấn đấu đưa vào vận hành, khai thác trong năm 2026. Khi thông tuyến, lộ trình này sẽ tăng thêm sức hút với hành khách với đích đến là khu trung tâm thành phố. Bên cạnh đó, nó cũng tăng tính kết nối với tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông để mở rộng hơn mạng lưới đường sắt đô thị, phục vụ nhu cầu di chuyển của người tham gia giao thông. |