Đa dạng hóa chuỗi cung ứng đang gia tăng
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, TS. Nguyễn Sơn, giảng viên ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics Đại học RMIT - cho biết, từ năm 2018, trong bối cảnh mới như vừa qua, nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu phải tiến hành tái cấu trúc từ mạng lưới toàn cầu sang mạng lưới mang tính khu vực hóa hơn, nơi các doanh nghiệp ưu tiên quản trị rủi ro và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng hơn là hiệu quả chi phí thuần túy.
![]() |
Cơ hội Việt Nam tái cấu trúc các chuỗi cung ứng trong bối cảnh mới (ảnh minh họa) |
Đáng chú ý, với các chính sách được Mỹ và Trung Quốc công bố mới đây, có thể thấy xu hướng phi toàn cầu hóa sẽ tiếp diễn, trong đó các biện pháp bảo hộ có thể gây ra tác động tiêu cực lên toàn bộ các chuỗi cung ứng.
TS. Nguyễn Sơn cho rằng, dù điều này tạo ra gián đoạn ngắn hạn và chi phí vận hành cao hơn nhưng cũng mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp mới tham gia thị trường và các trung tâm sản xuất mới ra đời. Các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, đã nổi lên như là bên hưởng lợi chính từ sự thay đổi này trong nhiều chuỗi cung ứng khác nhau.
Thời gian qua, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh đa dạng hóa hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc để giảm thiểu các rủi ro trong chuỗi cung ứng. Họ đã thiết lập mạng lưới cung ứng dự phòng (chiến lược “Trung Quốc + 1”), đẩy nhanh quá trình tự động hóa và tăng cường hội nhập khu vực.
“Xét cho cùng, việc đa dạng hóa các địa điểm sản xuất và nhà cung cấp góp phần tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng bằng cách giảm phụ thuộc quá mức và tạo ra các mạng lưới linh hoạt hơn, có khả năng thích ứng và vượt qua các thách thức địa chính trị trong tương lai”, TS. Sơn nhận định.
Cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ
Nhấn mạnh trong bối cảnh nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu phải tiến hành tái cấu trúc là cơ hội đáng kể cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu, TS. Irfan Ulhaq - Đại học RMIT cũng cho rằng, người mua tại Mỹ đang tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, dệt may, giày dép và đồ nội thất, khiến Việt Nam trở thành đối thủ cạnh tranh hàng đầu.
Mặt khác, các Hiệp định thương mại tự do và năng lực sản xuất hiệu quả về mặt chi phí của Việt Nam mang lại lợi thế cạnh tranh để đảm bảo duy trì hợp đồng dài hạn với các nhà nhập khẩu Mỹ.
Theo TS. Irfan Ulhaq, để khai thác đầy đủ các cơ hội này, doanh nghiệp nên tuân thủ các quy định thương mại của Mỹ, đảm bảo tính minh bạch về nguồn gốc sản phẩm và tiêu chuẩn chất lượng. Đầu tư vào thương hiệu, nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như các kỹ thuật sản xuất tiên tiến sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh.
“Nghị định 182/2024/NĐ-CP của Chính phủ nhằm khởi động Quỹ hỗ trợ đầu tư để thúc đẩy đầu tư công nghệ cao, bao gồm cả chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và R&D. Các ưu đãi theo nghị định này cung cấp thêm hỗ trợ tài chính cho việc mở rộng, đổi mới và tiến bộ công nghệ, giúp các doanh nghiệp đảm bảo vị thế của mình trên thị trường Mỹ”, TS. Irfan Ulhaq đánh giá.
Để duy trì tăng trưởng bền vững, TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản lý chuỗi cung ứng và logistics Đại học RMIT cũng cho rằng, Việt Nam nên coi những biến động thuế quan sắp tới là động lực để phát triển khả năng truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng của mình.
Theo TS. Nguyễn Mạnh Hùng, khả năng truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp chứng minh được tính nguyên bản của sản phẩm. Điều này đặc biệt quan trọng khi Mỹ và các thị trường toàn cầu khác ngày càng giám sát chặt chẽ hơn đối với hoạt động trung chuyển, nơi hàng hóa được đóng gói lại hoặc dán nhãn lại tại Việt Nam để tránh thuế.
“Đây là cơ hội cho Việt Nam tái cấu trúc các chuỗi cung ứng. Sẽ không bền vững nếu chỉ trở thành trạm trung chuyển cho khâu đóng gói đơn giản. Thay vào đó, Việt Nam cần nhiều nỗ lực hơn để triển khai các quy trình công nghệ mang lại giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng nên chủ động đa dạng hóa nguồn nguyên liệu thô cho sản xuất”, TS. Hùng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Sơn cung cho rằng, Việt Nam cần theo đuổi một chiến lược cân bằng, độc lập và đa chiều để tận dụng các cơ hội này mà vẫn quản lý được các rủi ro liên quan.
Trong đó, cần tăng cường giám sát pháp lý nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm thương mại; sàng lọc cẩn thận FDI để đảm bảo thu hút đầu tư chất lượng, mang lại cơ hội chuyển giao công nghệ và công việc đòi hỏi tay nghề cao.
Ngoài ra, Chính phủ cần lập ra các tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường bài bản, đồng thời tinh giản thủ tục hành chính để thu hút sản xuất giá trị cao. Đồng thời, phải đẩy nhanh phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trong lĩnh vực vận tải và logistics.
Song song đó, Việt Nam cần tăng cường phát triển lực lượng lao động. Cụ thể, cần mở rộng đáng kể các chương trình đào tạo kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu sản xuất giá trị cao hơn, ưu tiên phát triển nhân lực có năng suất và năng lực đổi mới cao hơn trong bối cảnh công nghệ AI đang nở rộ, đặc biệt là trong các lĩnh vực mới nổi như chất bán dẫn.
TS. Nguyễn Sơn cũng cho rằng, Việt Nam nên tiếp tục đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại thông qua các hiệp định thương mại tự do. Điều này giúp giảm sự phụ thuộc quá mức vào bất kỳ thị trường đơn lẻ nào và cung cấp các điểm đến xuất khẩu thay thế nếu căng thẳng thương mại leo thang. Bằng cách thực hiện các biện pháp này, Việt Nam có thể định vị tốt hơn để hưởng lợi từ sự thay đổi chuỗi cung ứng trong khi xây dựng một nền kinh tế bền vững hơn, có khả năng phục hồi tốt hơn, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị. |