Đổi mới về phương thức xúc tiến
Năm 2024, ngành du lịch đón hơn 17,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 39,5% so với năm trước. Đóng góp cho tăng trưởng lượt khách quốc tế năm qua, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đánh giá chính là đến từ hoạt động xúc tiến, quảng bá.
![]() |
Năm 2025 Việt Nam đặt mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Vì vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch ra thị trường quốc tế. Ảnh: Hoa Quỳnh |
Theo đó, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, điểm nhấn được nêu rõ đó là sự đổi mới sáng tạo về nội dung, phương thức xúc tiến quảng bá, như: Lựa chọn thị trường trọng điểm, tập trung vào các quốc gia như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Pháp, Úc. Phương thức xúc tiến đa dạng, từ tổ chức roadshow, tham gia hội chợ, lễ hội văn hóa du lịch, hội nghị xúc tiến... Gia tăng quy mô tổ chức các chương trình xúc tiến; Phát huy cơ chế hợp tác công tư, huy động nguồn lực xã hội; Quảng bá đa dạng các loại hình du lịch, nhất là các sản phẩm mới, phù hợp với nhu cầu du khách.
Đặc biệt, hai chương trình lớn giới thiệu du lịch, văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc và Trung Quốc đã vinh dự đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và phát biểu chỉ đạo, khẳng định hợp tác văn hóa, du lịch là điểm sáng trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước. Lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Chương trình Xúc tiến Du lịch - Điện ảnh tại kinh đô điện ảnh Hollywood, Hoa Kỳ với chủ đề “Việt Nam - Điểm đến mới của Điện ảnh thế giới” đã tạo tiếng vang lớn, thu hút sự quan tâm và tham dự của hơn 500 khách mời là các đạo diễn, nhà làm phim Hoa Kỳ, mở ra triển vọng mới về phát triển du lịch thông qua điện ảnh.
Bên cạnh đó, ngành du lịch Việt Nam tích cực tham gia các hội chợ du lịch quốc tế toàn cầu như WTM London, CITM Trung Quốc, tổ chức giới thiệu du lịch Việt Nam tại các lễ hội văn hóa, du lịch Việt Nam ở nước ngoài. Ngành này còn tăng cường tận dụng ưu thế của công nghệ, đẩy mạnh truyền thông du lịch Việt Nam trên các nền tảng số đến du khách quốc tế; tổ chức chiến dịch quảng bá du lịch Việt Nam trên CNN - kênh truyền thông quốc tế số 1 toàn cầu.
Thúc đẩy liên kết trong xúc tiến, quảng bá
Năm 2025, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng đón 22-23 triệu lượt khách du lịch quốc tế, việc tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến du lịch là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, theo ông Phạm Hải Quỳnh – Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á, ngành du lịch cần khắc phục các điểm nghẽn như: Các hoạt động quảng bá tổ chức thường không đồng bộ giữa các địa phương và các đơn vị liên quan; nhiều du khách chưa có đủ thông tin về các điểm đến và dịch vụ tại Việt Nam.
Hiện, ngành du lịch đang có nhiều lợi thế để triển khai công tác quảng bá, xúc tiến ra thế giớim đó là: Việt Nam có nhiều di sản văn hóa và thiên nhiên đẹp, thu hút du khách. Các chiến dịch quảng bá như "Vietnam - Timeless Charm" đã tạo được sự chú ý quốc tế. Sự phát triển của mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến giúp tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn.
Vì vậy, thời gian tới, ông Phạm Hải Quỳnh nêu ý kiến, đó là cần thúc đẩy sự hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước trong hoạt động quảng bá hình ảnh điểm đến; tận dụng các công nghệ mới để quảng bá, như VR (thực tế ảo), Map 3D, game hóa di sản, số hóa điểm đến để giới thiệu điểm đến được tốt hơn. Đồng thời, tăng cường sử dụng các kênh truyền thông hiệu quả để nâng cao nhận thức và hình ảnh du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế....
Nhìn nhận những điểm nghẽn của xúc tiến du lịch, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch - ông Hồ An Phong cũng đã có chỉ đạo, hoạt động quảng bá giới thiệu điểm đến, kết hợp giữa Nhà nước và doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp và cộng đồng du lịch rất quan trọng, nghĩa là đòi hỏi phải có sự liên kết, và bản chất của du lịch là liên kết, khắc phục tình trạng đơn thương độc mã, mạnh ai nấy làm. Theo đó, Cơ quan lý nhà nước với vai trò định hướng, dẫn dắt, kết nối, tạo môi trường tốt nhất trong quảng bá, xúc tiến du lịch…
Trên cơ sở những kết quả đạt được trong thời gian qua về xúc tiến, quảng bá, tại Hội nghị về công tác xúc tiến du lịch năm 2025 vừa qua, ông Hà Văn Siêu - Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cũng đã cho biết về kế hoạch xúc tiến du lịch đối với thị trường quốc tế. Theo đó ngành du lịch Việt Nam sẽ lựa chọn thị trường theo các tiêu chí như thị trường được miễn thị thực nhập cảnh, thị trường có kết nối đường bay thuận lợi, thị trường có tiềm năng, khả năng tăng trưởng cao, có chất lượng.
Dự kiến năm 2025, ngành du lịch Việt Nam sẽ tổ chức các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam, kết nối doanh nghiệp tại các thị trường nói tiếng Trung Quốc; thị trường Hàn Quốc; thị trường Nhật Bản; thị trường Đông Nam Á (Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore); thị trường châu Âu (Tây Âu, Đông-Trung Âu, Bắc Âu); thị trường Australia, Bắc Mỹ, Ấn Độ, Trung Đông... Tổ chức chương trình Tuần Văn hóa du lịch Việt Nam tại châu Âu; tham gia Nhà Triển lãm Việt Nam tại EXPO 2025 Osaka, Kansai (từ tháng 4 đến tháng 10/2025), các hội chợ du lịch hàng đầu trên thế giới tại Đức, Anh, Tây Ban Nha, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ… |