Nhập khẩu sầu riêng về Việt Nam tăng mạnh trong 8 tháng Nhập khẩu sầu riêng tăng 6 lần Trung Quốc tăng mua hơn 50% sầu riêng Việt Nam |
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, sầu riêng là một mặt hàng đóng vai trò quan trọng, chiếm 45% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong 2024, với khối lượng đạt 9.190.000 tấn, giá trị thu về hơn 3,2 tỉ đô la Mỹ, tăng 46% về lượng và tăng 43% về giá trị so với năm 2023.
Như vậy, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đã tăng 28 lần chỉ trong 5 năm gần đây, từ mức 116 triệu USD của năm 2020 lên 3,2 tỷ USD trong năm 2024. Đặc biệt, giá trị xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam tăng mạnh từ năm 2023, sau khi Trung Quốc cho phép xuất khẩu chính ngạch.
Sầu riêng của Việt Nam đã có bước tăng trưởng vượt bậc kể từ khi Trung Quốc cho phép nhập khẩu chính ngạch từ giữa năm 2023.
Bên cạnh sầu riêng tươi, vào tháng 8/2024, Trung Quốc cũng mở cửa cho mặt hàng sầu riêng đông lạnh của Việt Nam. Điều này góp làm giá trị xuất khẩu mặt hàng này, gồm sản phẩm tươi và đông lạnh tăng mạnh trong cả năm 2024.
![]() |
Trung Quốc chi 2,94 tỷ USD để mua sầu riêng Việt Nam |
Trước năm 2020, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang Trung Quốc chủ yếu là dạng tiểu ngạch.
Theo Cơ quan Hải quan Trung Quốc, năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng đạt 1,56 triệu tấn, trị giá gần 7 tỷ USD, tăng 9,4% về lượng và tăng 4% về trị giá so với năm 2023. Trong đó, Trung Quốc tăng nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam trong năm 2024, tăng 49% về lượng và tăng 38% về trị giá so với năm 2023, đạt 738 nghìn tấn, trị giá 2,94 tỷ USD và chiếm đến gần 91% trong tổng xuất khẩu sầu riêng của cả nước.
Ngoài Trung Quốc, xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang nhiều thị trường khác cũng tăng mạnh trong năm 2024 như: Thái Lan đạt 189,1 triệu USD, tăng 80,3% và chiếm 5,9%; Hồng Kông (Trung Quốc) đạt 24,5 triệu USD, tăng 16,9%; Papua New Guinea tăng 283,3%; Đài Loan (Trung Quốc) tăng 24,3%; Nhật Bản tăng 91,1%; Hàn Quốc tăng 18,9%; Australia tăng 34,5%...
Hiện sầu riêng tươi chiếm 93,1% tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam và sầu riêng đông lạnh chiếm 6,7%. Giá xuất khẩu bình quân sầu riêng năm 2024 đạt mức 3.496 USD/tấn, giảm 1,9% so với năm 2023.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết xuất khẩu đầu năm 2025 gặp nhiều khó khăn, đặc biệt với sầu riêng - mặt hàng chủ lực. Nguyên nhân chính được cho là do Trung Quốc đã tăng cường kiểm định chất lượng với chất bảo vệ thực vật có nguy cơ gây ung thư, gọi là chất vàng O. Sự kiểm tra nghiêm ngặt này đã dẫn đến tình trạng ách tắc và nhiều lô hàng phải bị bán với giá rẻ trên thị trường nội địa.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho biết đã tạm dừng bán sầu riêng sang Trung Quốc trong tháng đầu năm. Bước sang tháng 2/2025, các doanh nghiệp đang hoàn tất thủ tục để tham gia kiểm nghiệm tại 9 trung tâm được Trung Quốc công nhận.
Hiện các phòng kiểm nghiệm sầu riêng được Trung Quốc công nhận nằm tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ, Cà Mau đã hoạt động.
Ngày 9/1/2025, phía Trung Quốc thông báo áp dụng quy định các lô hàng sầu riêng Việt Nam phải có thêm giấy chứng nhận kiểm định chất vàng O (kể từ ngày 10/1). Các phòng xét nghiệm chất vàng O phải được phía Trung Quốc phê duyệt. Đến ngày 17/1, phía Trung Quốc mới phê duyệt danh sách 7 phòng xét nghiệm của Việt Nam, nên việc kiểm nghiệm chất vàng O không thể tiến hành trước ngày 17/1. Và đến thời điểm này, theo Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn) trong 3 ngày từ 1/2 đến 3/2/2025, có 14 xe xuất khẩu sầu riêng qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, còn ở cửa khẩu Tân Thanh là 12 xe, với hàng trăm tấn hàng. |