Nhiều cơ hội cho hồ tiêu Việt vào thị trường Halal Xuất khẩu hồ tiêu năm 2024 kỳ vọng 'vượt đỉnh' với 1,4 tỷ USD? Xuất khẩu hồ tiêu cao kỷ lục, người trồng được hưởng lợi |
Theo số liệu mới nhất từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam trong tháng 11 đã đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực về giá, ngành hàng này vẫn đang đối mặt với một số thách thức nhất định.
Cụ thể, trong tháng 11, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt 16 nghìn tấn, tương đương kim ngạch 110 triệu USD, giảm 13,1% về lượng và 9% về kim ngạch so với tháng trước, đồng thời so với cùng kỳ năm ngoái giảm 20,8% về lượng và tăng tới 41,5% về kim ngạch.
Tính chung 11 tháng tháng đầu năm, xuất khẩu mặt hàng này đạt 235 nghìn tấn với kim ngạch thu về 1,22 tỷ USD, giảm 4,4% về lượng nhưng tăng đến 46,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023.
Kết quả này giúp cho hồ tiêu trở thành mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh nhất trong 11 tháng đầu năm. Kim ngạch xuất khẩu tiêu tăng mạnh là nhờ giá tiêu xuất khẩu trong 11 tháng cao hơn 53,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt bình quân 5.198 USD/tấn.
Chỉ tính riêng trong tháng 11, giá tiêu xuất khẩu bình quân lên tới 6.856 USD/tấn, tiếp tục tăng 4,7% so với tháng trước và tăng 78,7% so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là mức giá cao nhất đạt được trong nhiều năm trở lại đây.
![]() |
Xuất khẩu hồ tiêu trong nước tháng 11 đã đạt được những kết quả khả quan. Trong ảnh người dân đang chăm sóc vườn tiêu cho vụ mùa mới. Ảnh: Hoàng Thiên |
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam cho biết, bà kỳ vọng trong năm 2025, thị trường Trung Quốc sẽ quay trở lại. Bên cạnh đó, giá tiêu cũng tăng mạnh nhờ các thị trường Hoa Kỳ, châu Âu và Trung Đông. Tuy nhiên, các doanh nghiệp và nông dân cần có những chiến lược kinh doanh phù hợp để tận dụng cơ hội và giảm thiểu rủi ro.
Cũng theo nhận định của các chuyên gia, giá hồ tiêu hiện đã bước qua chu kỳ giảm và đang bắt đầu chu kỳ tăng giá do nguồn cung sụt giảm.
Tuy nhiên, do sức ép mua hàng vào đầu vụ chưa cao, nên các hộ nông dân không nên quá nôn nóng bán tiêu sớm, đặc biệt là không nên vay vốn để trữ tiêu nhằm tránh những rủi ro do biến động thị trường. Thay vào đó, cần cân đối ngân sách cho việc dự trữ tiêu, đến khoảng cuối năm sau có thể giá sẽ tốt hơn.
Tại các nước sản xuất lớn khác, tình hình không mấy khả quan. Indonesia ghi nhận một mùa vụ thuận lợi tại một số khu vực, cải thiện nguồn cung nhưng chưa đủ để làm dịu thị trường. Brazil, ngược lại, đang chịu áp lực lớn từ việc tăng sản lượng tại các vùng trồng lớn như Para và Espirito Santo. Dù sản lượng tăng, thời tiết khô hạn đầu vụ đã ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng hồ tiêu, làm tăng thách thức trong việc duy trì tiêu chuẩn xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) tiếp tục là yếu tố tác động mạnh đến thị trường hồ tiêu. Quy định này không chỉ gây tâm lý bất ổn mà còn tạo ra các rào cản cho xuất khẩu, khiến giá tiêu biến động mạnh trong thời gian qua.
Sự thiếu ổn định trong giá cả và nguồn cung đặt ra nhiều khó khăn cho nông dân và các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng hồ tiêu. Các chuyên gia dự báo thị trường sẽ còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới, khi những yếu tố như thời tiết, quy định pháp lý và áp lực từ các nhà nhập khẩu lớn tiếp tục gia tăng.
Ngoài ra, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (VITIC) cho biết, lượng tồn kho hồ tiêu trong năm 2024 được dự báo ở mức thấp nhất trong vòng 6-8 năm qua. Dù nguồn cung giảm, giá tiêu vẫn không giữ được sự ổn định do áp lực từ biến động thời tiết và những thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đáng chú ý, vụ thu hoạch năm 2025 dự kiến bị chậm từ 1,5 đến 2 tháng, tạo ra áp lực lớn về nguồn cung trong những tháng đầu năm.
Giá tiêu cao khiến bà con đầu tư chăm sóc vườn tốt hơn có thể thúc đẩy sản lượng hạt tiêu trong niên vụ tới. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu khiến vụ thu hoạch tiêu năm 2025 tới bị chậm lại, gây áp lực lên nguồn cung tiêu trong khoảng 3 tháng tới.
Thị trường xuất khẩu hồ tiêu cũng đối mặt nhiều thách thức. Mặc dù các thị trường Mỹ và EU tiếp tục tăng trưởng, sự sụt giảm xuất khẩu sang Trung Quốc đã ảnh hưởng đến tổng kim ngạch. Trong tháng cuối năm 2024, Việt Nam dự kiến xuất khẩu khoảng 50.000 tấn hồ tiêu với mức giá trung bình 6.000 USD/tấn, mang về doanh thu 300 triệu USD. Tính chung cả năm, tổng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu và gia vị ước đạt 1,4 tỷ USD, củng cố vị thế dẫn đầu của Việt Nam trên thị trường thế giới.
Cập nhật mới nhất giá tiêu hôm nay (5/12) trong khoảng 140.000 - 141.000 đồng/kg. Sau 2 ngày giảm liên tiếp, thị trường về mốc 140.000 đồng/kg. Tại tỉnh Đắk Lắk, giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 141.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg. Tại tỉnh Đắk Nông, giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 141.000 đồng/kg, giảm 1.500 đồng/kg. Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 140.000 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg. Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 140.000 đồng/kg. Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 141.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg. Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 140.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg. Giá tiêu đầu giờ sáng nay giảm 500 - 2.000 đồng/kg so với cùng thời điểm hôm qua. Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) niêm yết giá tiêu đen Lampung (Indonesia) chốt tại 6.660 USD/tấn; giá tiêu đen Brazil ASTA 570 ở mức 6.225 USD/tấn, tăng 75 USD/tấn; giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA mức 8.300 USD/tấn. Giá tiêu trắng Muntok 9.090 USD/tấn, giảm 0,28%; giá tiêu trắng Malaysia ASTA ở mức 10.500 USD/tấn. Giá tiêu đen Việt Nam giao dịch ở 6.200 USD/tấn với loại 500 g/l; loại 550 g/l mức 6.500 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 9.300 USD/tấn, giảm 100 USD/tấn. |