Lý do nào khiến giá hồ tiêu giảm “đột ngột” khi đạt đỉnh?

10:23 | 21/06/2024 In bài biết
Giá hồ tiêu hôm nay (21/6) đi lùi nhưng nhiều chuyên gia cho rằng giá sẽ khó xuống dưới ngưỡng 100.000 đồng/kg.
Giá hồ tiêu có quay lại thời "hoàng kim" 200.000 đồng/kg vào cuối năm? Giá hồ tiêu 'sốt' lên đỉnh lịch sử: Nguyên nhân do đâu và liệu còn tăng đến mức nào? Khan hiếm nguồn cung, đại lý khó mua hàng, giá hồ tiêu liệu có vượt đỉnh?

Giá hồ tiêu liên tục “nhảy múa”

Giá hồ tiêu hôm nay 21/6/2024 tại thị trường trong nước đồng loạt giảm ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 156.000 - 160.000 đồng/kg.

Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai ở mức 156.000 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đồng Nai (156.000 đồng/kg); Đắk Lắk (160.000 đồng/kg); Đắk Nông (160.000 đồng/kg); Bà Rịa - Vũng Tàu (156.000 đồng/kg) và Bình Phước (155.000 đồng/kg).

Như vậy, giá tiêu trong nước hôm nay đồng loạt giảm 1.000 – 2.000 đồng/kg tại các địa phương. Giá tiêu cao nhất được ghi nhận ở mốc 160.000 đồng/kg.

sản lượng tiêu năm nay có thể ở mức 170.000 tấn, giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: thespruce
Sản lượng tiêu năm nay có thể ở mức 170.000 tấn, giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: thespruce

Theo dự báo của Hiệp hội Hồ tiêu và Cây Gia vị Việt Nam (VPSA), sản lượng tiêu năm nay có thể ở mức 170.000 tấn, giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mới qua 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu trên 114.000 tấn, tương đương 67% sản lượng. Do đó, nguồn cung hiện tại rất ít, có hiện tượng chậm giao hàng cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Ngay cả Indonesia, Ấn Độ cũng bị hạn chế nguồn cung và các nước sản xuất nhỏ hơn như Malaysia, Sri Lanka và đặc biệt là hai nước quyết định nguồn cung trên toàn cầu là Brazil và Việt Nam đều bị giảm sản lượng do ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết El Nino gây hạn hán.

Nhìn về dài hạn trong 3-5 năm tới lượng hồ tiêu sản xuất ra chưa thể đáp ứng được cho nhu cầu tiêu dùng của thế giới.

Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế (IPC) niêm yết giá tiêu đen Lampung (Indonesia) chốt tại 7.814 USD/tấn, tăng đến 1.396 USD/tấn; giá tiêu đen Brazil ASTA 570 ở mức 7.600 USD/tấn; giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA mức 7.500 USD/tấn, tăng 34,67%.

Giá tiêu trắng Muntok 9.744 USD/tấn, tăng 1.367 USD/tấn; giá tiêu trắng Malaysia ASTA ở mức 8.800 USD/tấn, tăng 17,05.

Giá tiêu đen Việt Nam giao dịch ở 7.800 USD/tấn với loại 500 g/l; loại 550 g/l mức 8.000 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 12.000 USD/tấn. IPC tăng mạnh giá tiêu tại Indonesia và Malaysia so với hôm qua.

Xu hướng thị trường trong những tháng cuối năm

Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), 16 ngày đầu tháng 6/2024, Việt Nam đã xuất khẩu 16.211 tấn hồ tiêu, tiêu đen đạt 14.347 tấn, tiêu trắng đạt 1.864 tấn, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 77,8 triệu USD. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã nhập khẩu 1.357 tấn, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 6,6 triệu USD.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến hết tháng 5/2024, Việt Nam đã xuất khẩu gần 110.000 tấn hạt tiêu các loại, thu về 469 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, hạt tiêu xuất khẩu giảm 16,8% về lượng nhưng tăng 15,4% về giá trị. Nếu không tính hàng tồn kho từ năm ngoái chuyển sang thì nước ta còn khoảng 60.000 tấn hạt tiêu để xuất khẩu trong các tháng còn lại của năm.

Theo các chuyên gia, xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam trong những tháng tới có thể giảm do nguồn cung trong nước còn hạn chế
Theo các chuyên gia, xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam trong những tháng tới có thể giảm do nguồn cung trong nước còn hạn chế. Ảnh: eatingwell

Theo các chuyên gia, xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam trong những tháng tới có thể giảm do nguồn cung trong nước còn hạn chế. Hiện nay, lượng tồn kho hồ tiêu tại các doanh nghiệp và thương nhân đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua.

Bên cạnh đó, diện tích trồng hồ tiêu cũng đang thu hẹp do ảnh hưởng của giá cả và thời tiết. Theo ông Lê Việt Anh, Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam, giá tiêu trong nước khó có thể xuống dưới 100.000 đồng/kg trong thời gian tới, và có thể tiếp tục tăng do nguồn cung hạn chế và nhu cầu thị trường cao.

Đặc biệt, một số đại lý đã phải đối mặt với tình trạng khan hàng khi bán hết và không thể mua lại khi thị trường tăng nhanh. Đồng thời, chi phí vốn cho việc nhập trữ tiêu ngày càng trở nên đắt đỏ hơn khiến việc mua và lưu trữ hàng tồn kho cần số vốn lớn.

Trên thị trường quốc tế, giá tiêu cũng đang có xu hướng tăng. Trong 2 ngày gần đây, giá tiêu giao dịch trên thị trường quốc tế của nhiều loại tiêu đã được điều chỉnh tăng mạnh.

Nguyễn Vy

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: [email protected]

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/ly-do-nao-khien-gia-ho-tieu-giam-dot-ngot-khi-dat-dinh-327348.html