Thương mại điện tử dealtoday và những cú bắt tay mở rộng thị trường dịch vụ 8 nền tảng thương mại điện tử được áp dụng biện pháp quản lý thuế |
Trong những năm qua, thương mại điện tử đã thực sự phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, với sự ra đời của TikTok - nền tảng thương mại điện tử đầu tiên thử nghiệm hình thức bán hàng qua các phiên livestream đã cho thấy, những con số kỷ lục về doanh thu đã được ghi nhận.
Doanh thu các sàn thương mại điện tử tăng "nóng"
Báo cáo doanh thu các sàn thương mại điện tử quý I/2024 của YouNet ECI (đơn vị chuyên về phân tích dữ liệu thị trường thương mại điện tử) cho thấy, 4 nền tảng thương mại điện tử Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki thu về tổng cộng 79.000 tỉ đồng, tiêu thụ khoảng 768 triệu sản phẩm.
Trong đó, nền tảng TikTok shop với 18.360 tỉ đồng, chiếm 23,2% thị phần. Đáng chú ý, so với quý trước, nền tảng TikTok Shop tăng 15,5%, "ngược dòng" thị trường và chiếm thêm 6,3 điểm thị phần, "cắn" vào "miếng bánh" của các nền tảng còn lại.
Dù mới ra mắt từ năm 2022, nhưng sàn thương mại điện tử TikTok shop đang có tốc độ phát triển nhanh nhất hiện nay.
![]() |
Doanh thu của các sàn thương mại điện tử tăng "nóng" trong thời gian qua. Ảnh minh hoạ |
Theo quy định hiện nay của Chính phủ, hàng nhập khẩu giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, được miễn thuế nhập khẩu, thuế VAT đầu vào (khâu nhập khẩu). Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến hàng hóa nhập khẩu giá trị nhỏ từ nước ngoài về Việt Nam được bày bán tràn ngập trên nền tảng thương mại điện tử.
Anh Nguyễn Ngọc Tươi, chuyên xây kênh trên các sàn thương mại điện tử cho biết, trên nền tảng thương mại điện tử Tiktok shop bán hàng Trung Quốc rất nhiều, từ mỹ phẩm, quần áo, hàng gia dụng đến các sản phẩm điện tử.
Đáng nói, có những phiên live có tới gần trăm nghìn lượt đặt; cùng sản phẩm đó, nhưng hàng trong nước bán được ít hơn vì giá cao. Trong khi sản phẩm trong nước cùng chủng loại nhưng lại "ế". Theo đó, siết quản lý bằng thuế sẽ đảm bảo công bằng cho các nhà kinh doanh hiện nay.
Để tăng cường quản lý thuế qua các sàn thương mại điện tử, hiện Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo nghị định, qua đó đề xuất miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử có trị giá hải quan theo từng đơn hàng từ 2 triệu đồng trở xuống, đồng thời phải nộp thuế VAT.
Đề xuất đánh thuế VAT theo từng đơn hàng từ 2 triệu đồng trở xuống
Thông tin về vấn đề quản lý hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu qua thương mại điện tử, khi thời gian qua có một số ý kiến đề xuất thu thuế giá trị gia tăng (VAT) với hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ, ông Nguyễn Quang Hùng, đại diện Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) cho biết, đây là nội dung Chính phủ rất quan tâm, đã và đang chỉ đạo Tổng cục Hải quan nghiên cứu, đánh giá để hoàn thiện chính sách thuế, đảm bảo mục tiêu phát triển thương mại điện tử nhưng không làm thất thu ngân sách.
Đại diện Cục Thuế xuất nhập khẩu cho biết, theo quy định hiện hành, hàng nhập khẩu giá trị dưới 1 triệu đồng gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế nhập khẩu và miễn thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên có ý kiến đề xuất nâng mức giá trị hàng hóa được miễn thuế nhập khẩu lên.
Hiện Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị định, qua đó đề xuất miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử có trị giá hải quan theo từng đơn hàng từ 2 triệu đồng trở xuống, đồng thời phải nộp thuế giá trị gia tăng
Đại diện Cục Thuế xuất nhập khẩu cho biết hiện Chính phủ đang yêu cầu các bộ ngành liên quan phối hợp đánh giá tác động, nghiên cứu kinh nghiệm các nước trong khu vực về việc thu thuế giá trị gia tăng đối với các đơn hàng có giá trị từ 2 triệu trở xuống khi nhập khẩu qua thương mại điện tử.
"Thương mại điện tử hiện đang rất phát triển, chúng tôi đang cân nhắc kỹ lưỡng về chính sách thuế"- đại diện Cục Thuế xuất nhập khẩu cho hay.
Theo các chuyên gia cho biết, trước đây lượng hàng có giá trị nhỏ nhập khẩu không nhiều nên tác động không đáng kể tới số thu thuế. Tuy nhiên sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới, xu hướng tiêu dùng ở nhiều nước cho thấy, lượng giao dịch này đã tăng gấp nhiều lần thời gian qua. Theo đó, việc cân nhắc thu thuế với các đơn hàng có giá trị nhỏ là hợp lý.
Cụ thể, theo số liệu của Tổng công ty cổ phần Bưu chính viễn thông (VNPT) cho thấy, tại tháng 3-2023, trung bình mỗi ngày có 4-5 triệu đơn hàng được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam. Trong đó, giá trị mỗi đơn hàng được chia nhỏ 100.000-300.000 đồng. Bình quân mỗi ngày giá trị hàng luân chuyển qua các sàn Shopee, Lazada, Tiktok... khoảng 45 - 63 triệu USD và một tháng là 1,3 - 1,9 tỉ USD.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết, để đảm bảo tính bình đẳng trong kinh doanh thì việc đánh thuế với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ, đặc biệt qua kênh thương mại điện tử cần được tính đến để thực hiện.
Theo ông, hiện nay, việc mua bán qua các trang thương mại điện tử, các sàn thương mại điện tử và kinh tế số ngày càng phát triển. Vì vậy, việc thống kê, tính toán để thu thuế với đơn hàng nhỏ nhập khẩu chắc chắn không còn phức tạp như trước đây.
"Để đảm bảo tính cạnh tranh công bằng với người kinh doanh hàng hóa sản xuất trong nước đã đến lúc cần số hóa hoạt động quản lý, theo dõi, thu thuế với hoạt động kinh doanh buôn bán trên sàn thương mại điện tử, hàng nhập khẩu giá trị nhỏ bán qua nền tảng mạng xã hội", ông Thịnh nêu quan điểm.