83 triệu cổ phiếu Apax Holdings hủy niêm yết từ ngày 6/12, nhà đầu tư phải làm gì? Đầu tư chứng khoán nên bắt đầu từ đâu? Khuyến nghị cổ phiếu hôm nay 25/3: POW, VTP và HDB |
Đoạn kết buồn
Sau hàng loạt cảnh báo được đưa ra trước đó, ngày 22/3, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) có quyết định chính thức về việc hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu APC của Công ty Cổ phần Chiếu xạ An Phú, một trong số đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực chiếu xạ trong nước.
Số phận của APC được dự báo từ trước, khi doanh nghiệp này đã liên tiếp thua lỗ trong 3 năm kể từ 2021 đến 2023. Ở thị trường Việt Nam, lý do phổ biến nhất khiến doanh nghiệp niêm yết phải rời sàn là triền miên thua lỗ hoặc thiếu minh bạch trong công bố thông tin.
![]() |
Dự án Nhà máy chiếu xạ tại Bắc Ninh của Chiếu xạ An Phú |
Quyết định của HOSE được đưa ra sau khi cơ quan này nhận được Báo cáo tài chính kiểm toán 2023 của Chiếu xạ An Phú vào ngày 20/3 qua, trong đó kết quả lợi nhuận sau thuế là số âm với gần 36 tỷ đồng.
Hai năm 2021 và 2022, số lỗ ròng mà doanh nghiệp công bố chỉ là 1,6 tỷ đồng và 9 tỷ đồng, cho thấy ban lãnh đạo Chiếu xạ An Phú chưa hoàn toàn nỗ lực để cải thiện kết quả kinh doanh. Điều đó không tương xứng với vị thế dẫn đầu của một "anh cả" trong làng chiếu xạ nội địa.
Đoạn kết buồn của Chiếu xạ An Phú để lại nhiều cảm xúc bởi đây vốn là gương mặt không xa lạ với các nhà đầu tư gạo cội trên thị trường. Chính thức niêm yết HOSE từ năm 2010, cổ phiếu APC có thời điểm gần chinh phục ngưỡng giá "3 chữ số" vào tháng 12/2017, cao nhất trong lịch sử hoạt động sau khi chứng kiến hàng loạt phiên tăng kịch biên độ không ngừng nghỉ, đưa thị giá "nhảy dựng" hơn 4 lần từ 18.000 đồng/cp lên 90.000 đồng/cp trong năm này.
![]() |
Cổ phiếu APC đổ đèo sau khi áp sát ngưỡng giá "3 chữ số" từ cuối năm 2017 - đầu 2018 |
Từng gây ấn tượng bởi biên lợi nhuận "khủng"
Ngược về thời gian, sức hút của cổ phiếu APC khi đó đến từ khả năng kiếm tiền đáng kinh ngạc, với doanh thu 154 tỷ đồng nhưng lãi ròng tới 66,3 tỷ đồng, tương đương cứ hơn 2 đồng doanh thu đổi lại 1 đồng lợi nhuận của Chiếu xạ An Phú.
Đến tận năm 2020, doanh nghiệp vẫn duy trì phong độ ấn tượng về biên lợi nhuận ròng của mình, song cổ phiếu APC lại xuất hiện trạng thái "cây thông", đổ dốc từ vùng đỉnh 90.000 đồng/cp xuống vùng 30.000 đồng/cp ngay trong thời gian ngắn bởi loạt phiên "nằm sàn" không lý do, từ tháng 1/2018 đến tháng 4/2018.
Từ năm 2021 trở đi, doanh thu của Chiếu xạ An Phú dù có giảm sút, tuy nhiên chưa từng trượt khỏi ngưỡng trên 100 tỷ đồng, mức độ biến động tương đối nhẹ nhàng. Vậy nhưng, doanh nghiệp lúc này như bị "thay máu" làm mất khả năng sinh lợi. Qua đó, nhận về khoản lỗ ròng đầu tiên gần 1,6 tỷ đồng và đảo lộn hoàn toàn so với khoản lãi 45,5 tỷ đồng của năm 2020.
Như đã biết, hai năm nối tiếp 2022 - 2023, Chiếu xạ An Phú báo lỗ thêm 9 tỷ đồng và 36 tỷ đồng. Các chi phí "đội" lên bất thường, chủ yếu là giá vốn và chi phí lãi vay là lý do chính đã "dìm" lợi nhuận của Chiếu xạ An Phú xuống ngưỡng số âm.
Đối thủ lớn thâu tóm
Theo tìm hiểu, Chiếu xạ An Phú được thành lập vào tháng 1/2003 với tên khai sinh Công ty Cổ phần Chiếu xạ Thực phẩm, cổ đông sáng lập tổ chức là Công ty Tài chính TNHH MTV Cao su Việt Nam, vốn khởi đầu là 50 tỷ đồng.
Chiếu xạ An Phú là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực chiếu xạ tại Việt Nam: Chiếu xạ khử trùng các loại thủy hải sản, các loại dụng cụ y tế, trái cây… Đây cũng là lĩnh vực hoạt động phải được sự cho phép của Chính phủ và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), chịu sự giám sát của Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia, phải tuân thủ theo thỏa ước về chiếu xạ thực phẩm cho các nước ASEAN.
Ngoài ra, Chiếu xạ An Phú cũng cho thuê kho lạnh, dịch vụ bảo quản rau quả đông lạnh, thực phẩm đông lạnh. Năm 2005, Chiếu xạ An Phú bắt đầu đi vào hoạt động với dây chuyền đầu tiên tại Nhà máy chiếu xạ An Phú (huyện Thuận An, Bình Dương); hơn 1 năm sau đó, dây chuyền thứ 2 của nhà máy đi vào hoạt động; tổng công suất nhà máy An Phú khoảng 120 tấn/ngày.
Năm 2014 cũng là cột mốc lớn của Chiếu xạ An Phú, bị đối thủ cạnh tranh số một là Công ty TNHH Thái Sơn ra tay thâu tóm, mua lại hơn 50% cổ phần doanh nghiệp khi một loạt cổ đông lớn tiến hành thoái vốn như: SSIAM, Transimex Saigon, Công ty Cao su Bà Rịa…
Sau đó, các thành viên của Công ty Thái Sau nhanh chóng tiếp quản Hội đồng quản trị của Chiếu xạ An Phú, trong số đó, bà Võ Thùy Dương, sinh năm 1991 chính thức trở thành Tổng giám đốc chiếu xạ An Phú từ ngày 1/2/2015. Bà Dương là em gái của ông Võ Thái Sơn, chủ Công ty Thái Sơn.
Năm 2019, Chiếu xạ An Phú dính vào "lùm xùm" tranh cãi với cổ đông về phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho đối tác chiến lược Torus Capital, để huy động vốn thực hiện dự án Nhà máy chiếu xạ tại Bắc Ninh.
Được quyền mua lượng lớn cổ phần Chiếu xạ An Phú, song các thông tin về Torus Capital khá mập mờ, là một công ty tư nhân trách nhiệm hữu hạn lập tại Singapore, với số vốn chỉ khoảng 17 triệu đồng theo tỷ giá thời điểm đó. Sự phản đối quyết liệt từ cổ đông khiến kế hoạch chào bán này của ban lãnh đạo Chiếu xạ An Phú phải hủy bỏ.
Hiện, bà Vũ Thùy Dương vẫn là cổ đông lớn nhất của Chiếu xạ An Phú, nắm giữ 8 triệu cổ phiếu APC tương đương khoảng 40,46% vốn điều lệ. Ông Võ Thái Sơn, anh trai bà nắm 800.000 cổ phiếu tương đương 4,02% vốn.