Đừng cò kè chai nước trên đỉnh Yên Tử

07:56 | 27/02/2024 In bài biết
Một số người tỏ thái độ bức xúc, cho rằng họ bị “chém đẹp” khi mua chai nước lọc có giá khoảng từ 35.000 - 40.000 đồng trên đỉnh Yên Tử.
Đề nghị bổ sung Bãi cọc Bạch Đằng vào Hồ sơ Yên Tử trình UNESCO “Tiền chùa” và những trăn trở của Bộ Tài chính Du xuân rộn ràng với các lễ hội mùa xuân từ Bắc vào Nam

Mạng xã hội những ngày gần đây chia sẻ câu chuyện về một cụ ông 70 tuổi, ngày ngày mưu sinh bằng cách gánh thuê 50kg hàng leo 8km đường núi lên đỉnh Yên Tử (TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh). Kèm theo đó là lời nhắc “khi mua một chai nước có giá đắt gấp 4 – 5 lần bình thường trên đỉnh núi, hãy hoan hỉ!”. Đa số bạn đọc đều bày tỏ sự khâm phục, chia sẻ, cảm thương, có người còn xin địa chỉ phu hàng để làm từ thiện.

Tôi đi Yên Tử nhiều lần, cũng đã gặp và trò chuyện với những người gánh hàng thuê. Đa số họ là trung niên hoặc người già, đôi vai chai sần vì đòn gánh trĩu nặng. Có gia đình hai cha con cùng gánh hàng, mồ hôi cha già chưa dừng rơi, thì mồ hôi con trẻ lại chảy xuống núi thiêng để đổi lấy bát cơm cho cả gia đình. Hàng hóa được xếp chặt hai thùng xốp, chủ yếu là nước lọc, bia, trà chanh, đá lạnh... và thực phẩm. Những năm gần đây có cáp treo, nhưng giá vé đắt đỏ lại không thuận tiện nên hầu hết người bán hàng dọc đường lên núi vẫn thuê người gánh bộ. Một chuyến hàng vắt kiệt sức lực như thế, phu hàng được trả không quá 200.000 đồng.

Đừng cò kè trả giá chai nước trên đỉnh Yên Tử
Hình ảnh những người phu gánh hàng chậm rãi bước từng bước nhọc nhằn lên đỉnh núi Yên Tử khiến nhiều người rưng rưng. Ảnh: MXH

Mang được những chai nước giải khát lên núi để bán không phải dễ dàng. Đến tay người dùng, phải trải qua hàng loạt công đoạn tốn kém nữa. Vì vậy, tôi thật sự cảm thấy khó hiểu khi nhiều người cò kè, trả giá rồi kêu đắt, bị “cắt cổ” khi mua một chai nước lọc với giá 35.000 – 40.000 đồng trên đỉnh núi. Bởi nếu không muốn mua với giá cao, họ hoàn toàn có thể tự mang nước lên để sử dụng.

Tôi cũng thấy rất lạ khi có nhiều người vào quán cà phê ở những con phố trung tâm, chất lượng đồ uống có thể chưa chắc đã ngon hơn ở quán bình dân, nhưng lại kêu “giá chát”. Ai cũng biết, đến những quán như vậy không chỉ là để giải khát mà còn là không gian để thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng, để gặp gỡ bạn bè, đối tác hoặc thậm chí là để tận hưởng một khoảnh khắc bình yên một mình. Bên cạnh đó, giá của một ly cà phê nhiều khi không chỉ là trả cho chất lượng sản phẩm, mà còn về trải nghiệm và dịch vụ mà nhà hàng cung cấp. Nhiều người không biết vô tình hay cố ý mà không chịu hiểu điều này. Họ mặc cả với tất cả, cái gì cũng chê đắt, mua gì cũng nghĩ bị người bán lừa.

Nhưng cũng chính những người này, khi vào trung tâm mua sắm lớn, lại sẵn sàng bỏ ra tiền triệu để mua món đồ mà không hề mặc cả, dù mức giá nhiều khi cao đến vô lý. Họ mặc nhiên cho rằng hàng hóa ở đó xịn sò, tiền nào của ấy, không cần phải trả giá. Hoặc nhiều khi để thể hiện cái tôi, tỏ ra mình giàu có, hào phóng, không để “mất mặt”. Thế nhưng, chỉ cần rời khỏi sự hào nhoáng, bước vào những hàng quán nhỏ lẻ, hay gọi gánh hàng rong, họ trả đến từng xu lẻ và hả hê khi kiếm được chút lợi từ việc... mua rẻ!

Trong cuộc sống hàng ngày, việc mặc cả và trả giá không chỉ là một thói quen mà còn là một phần của văn hóa và tư duy tiêu dùng của chúng ta. Tuy nhiên, trước khi "cò kè bớt một thêm hai", hãy suy nghĩ về điều kiện làm việc của người lao động và những khó khăn mà họ phải đối mặt hàng ngày. Và nếu có thể, hãy nhớ thêm một điều rằng, biết đâu ở một nơi nào đó, trong một thời điểm nào đó những người thân của chúng ta hoặc chính chúng ta cũng sẽ phải đối diện với việc bị trả một mức giá thấp nhất có thể, không xứng đáng với sự cống hiến và sức lao động cùng cực của mình.

Hãy mặc cả một cách có trách nhiệm, hiểu biết và trân trọng công sức của người khác!

>>> Quan điểm của bạn thế nào về vấn đề này? Chia sẻ ý kiến hoặc bài viết ở bình luận bên dưới. Những ý kiến hay, được đăng tải sẽ hưởng chế độ nhuận bút theo quy định!

Lê A

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: [email protected]

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/dung-co-ke-chai-nuoc-tren-dinh-yen-tu-305476.html