Khô đậu tương hồi phục, kết thúc chuỗi 11 tuần giảm liên tiếp

09:59 | 05/02/2024 In bài biết
Giá khô đậu tương hồi phục hơn 2%, với lực mua chủ yếu đến từ hỗ trợ kỹ thuật ở vùng giá 348.
Báo cáo bán hàng có thể tạo sức ép tới giá đậu tương Nhu cầu suy yếu đè nặng lên giá đậu tương Nguồn cung tăng mạnh từ Argentina, giá ngô và đậu tương suy yếu

Hầu hết các mặt hàng nông sản đóng cửa tuần 29/1 - 4/2 trong sắc đỏ. Duy chỉ có khô đậu tương, giá mặt hàng này hồi phục hơn 2%, với lực mua chủ yếu đến từ hỗ trợ kỹ thuật ở vùng giá 348. Trong khi đó, giá đậu tương suy yếu trong tuần thứ 7 liên tiếp, chạm mốc thấp nhất kể từ tháng 11 năm 2021.

Đậu tương tiếp tục chịu áp lực trước triển vọng mùa vụ khá tích cực tại Brazil. Lượng mưa liên tục đã cải thiện độ ẩm đất trong 3 tuần đầu tháng 1. Chất lượng cây trồng đã phục hồi đáng kể tại Mato Grosso, phía Trung Tây và Đông Nam Brazil. Mặc dù, mưa đã xuất hiện tại một số bang khiến việc thu hoạch chậm lại, nhưng cũng giúp xoa dịu tình trạng nhiệt độ cao và thiếu độ ẩm.

Ngoài ra, doanh số bán hàng trong tuần 19 - 25/1 của Mỹ giảm mạnh 71% cũng góp phần thúc đẩy lực bán đối với đậu tương trong tuần qua.

Khô đậu tương kết thúc chuỗi 11 tuần liên tiếp suy yếu, khi mà thị trường lo ngại nắng nóng dự kiến sẽ quay trở lại Argentina - quốc gia sản xuất các thành phẩm từ đậu tương hàng đầu trên thế giới.

Khô đậu tương hồi phục, kết thúc chuỗi 11 tuần giảm liên tiếp

Đối với ngô, giá kết tuần với mức giảm nhẹ 0,78%. Theo BCR, một đợt nắng nóng gay gắt với nhiệt độ gần 40 độ C có thể đe dọa đến vụ ngô năm nay của Argentina. Tuy nhiên, Refinitiv lại cho rằng, thời tiết trong tháng 2 sẽ diễn biến thuận lợi, và sản lượng ngô của Argentina sẽ đạt 57,1 triệu tấn, cao hơn mức 50 triệu tấn dự báo của USDA. Những tin tức trái chiều về triển vọng sản xuất của nước này là nguyên nhân chính khiến giá vẫn chưa thoát khỏi xu hướng đi ngang.

Thay vào đó, việc USDA chi nhánh Ukraine nâng dự báo xuất khẩu niên vụ 23/24 của nước này cao hơn 39% so với ước tính chính thức của USDA đã gây sức ép cạnh tranh đến giá CBOT.

Giá lúa mì giằng co quanh mốc 600 trong suốt 5 phiên giao dịch, và đóng cửa tuần gần như không thay đổi. Hoạt động xuất khẩu của Nga, nhà cung cấp lúa mì số 1 thế giới, là yếu tố chính ảnh hưởng đến diễn biến giá. Cụ thể, Rusagrotrans cho biết, xuất khẩu tháng 1 của nước này đã giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, điều này giúp Nga duy trì mức tồn kho cao để có thể tăng xuất khẩu trong thời gian tới, khi điều kiện thời tiết mùa xuân sẽ thuận lợi hơn cho việc vận chuyển ngũ cốc ở các cảng biển. Theo đó, nguồn cung dồi dào từ Nga sẽ tiếp tục gây sức ép đến giá CBOT trong trung hạn.

Theo hanghoa247.vn

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: [email protected]

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/kho-dau-tuong-hoi-phuc-ket-thuc-chuoi-11-tuan-giam-lien-tiep-302022.html