Dừng học 1 tuần với học sinh đánh bạn ở huyện Thường Tín, Hà Nội: Hình phạt có đủ sức răn đe?

10:58 | 16/11/2023 In bài biết
Học sinh đánh nhau rồi chỉ cần nghỉ học một tuần là êm chuyện, lại một hình thức xử phạt cũ kỹ, lối mòn, gián tiếp tiếp tay cho bạo lực học đường gia tăng..o
Bạo lực học đường trách nhiệm chính thuộc về gia đình Khi nhà trường tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm kèm những tiêu chí kỳ quặc

Ngày 13/11/2023, dư luận một lần nữa nóng lên với vấn đề bạo lực học đường. Cụ thể, vụ việc đánh nhau xảy ra ở trường Trung học cơ sở (THCS) Tân Minh (huyện Thường Tín, Hà Nội), tại hành lang lớp 6D, em L.T.N (nữ sinh lớp 6D) bị 4 học sinh đánh, trong số 4 học sinh này, có 3 em học tại trường THCS Tân Minh và 1 học sinh đã học xong lớp 9 năm học 2022-2023.

Ngay sau khi biết thông tin, Ban giám hiệu nhà trường đã cử giáo viên chủ nhiệm lớp 6D đưa em L.T.N đi khám sức khỏe, đồng thời Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thường Tín đã trực tiếp làm việc với nhà trường, theo đó bước đầu yêu cầu nhà trường thành lập hội đồng kỷ luật, tạm thời dừng học 1 tuần với những học sinh tham gia đánh bạn.

Dừng học 1 tuần với học sinh đánh bạn ở huyện Thường Tín, Hà Nội: Hình phạt như nước đổ lá khoai
ảnh minh họa

Ba nữ sinh lớp 6 trường THCS Tân Minh bị đình chỉ một tuần để “kiểm điểm thái độ và hành vi” sau khi đã có hành động đánh bạn. Được biết, đây là mức kỷ luật học sinh vi phạm cao nhất theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Dư luận liên tục tranh cãi, bởi những vụ việc liên quan đến ngành giáo dục cụ thể là bạo lực học đường diễn ra thường xuyên với mức độ khá nghiêm trọng. Tuy nhiên hình thức xử phạt, giải quyết vấn đề của các cơ quan có thẩm quyền cũng như của nhà trường không tương xứng với tính chất vụ việc.

Những hình thức này được dư luận đánh giá là không thực tế, không hiệu quả, làm như không làm. Bởi bỗng dưng một ngày bình thường trở thành nạn nhân của bạo lực học đường, tổn hại nghiêm trọng đến thể chất, tinh thần chưa biết khi nào nỗi đau, sự ám ảnh này có thể nguôi ngoai. Ấy vậy những học sinh trực tiếp đánh lại chỉ cần “nghỉ dưỡng tại gia” vài ngày.

Điều này làm dấy lên sự hoài nghi về tính răn đe trong hình thức kỷ luật học sinh đang được áp dụng tại cấp bậc giáo dục ở Việt Nam, liệu rằng các quy định hiện hành có còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay?

Bạo lực học đường luôn là điểm nóng của ngành giáo dục, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo tính từ đầu năm học 2022 - 2023 đến nay, toàn quốc đã xảy ra 27 vụ việc về bạo lực học đường liên quan đến 108 người. Trong đó, có 7 vụ bạo hành, 16 vụ bạo lực về thể chất, 1 vụ bạo lực tinh thần và 3 vụ bạo lực với các hình thức khác.

Thực tế gần đây vụ việc đánh nhau nơi trường học liên tiếp xảy ra với mức độ nghiêm trọng, không kiểm soát gây tổn thương đến tinh thần, thể chất nạn nhân và ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào ngành giáo dục hiện thời.

Trước sự phát triển nhanh chóng của thời đại, suy nghĩ và giá trị đạo đức con người cũng thay đổi, do đó chúng ta buộc phải thay đổi, thẳng thắn nhìn nhận rằng việc áp dụng một hình thức kỷ luật cũ kỹ, lỗi thời suốt bao nhiêu năm nay của ngành Giáo dục không còn thực tế, không thể áp dụng vào trường học được nữa.

Do đó, cần có sự phối hợp vào cuộc, thống nhất của các ban, bộ, ngành, cơ quan có thẩm quyền và nhà trường để đưa ra hình thức xử phạt hợp lý trên tinh thần vẫn đảm bảo tính nhân văn trong môi trường giáo dục.

Cụ thể, đối với những học sinh trực tiếp tham gia đánh nhau, sử dụng bạo lực, cần xét xem mức độ hành vi vi phạm là nặng hay nhẹ để đưa ra hình thức xử phạt tương xứng. Nếu học sinh chưa sợ, vẫn tái phạm thì phải có các biện pháp cứng rắn, mạnh mẽ hơn ví dụ như cảnh cáo. Và hình phạt thôi học sẽ là mức phạt cao nhất trên cơ sở đã có sự đồng thuận từ phía hội đồng nhà trường và các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Đồng thời, phải tổ chức gặp mặt với gia đình để phê bình, nhắc nhở học sinh đó và yêu cầu phía gia đình phải cam kết, giáo dục, quản lý con em của mình.

Chúng ta buộc phải tìm ra giải pháp cụ thể hơn thay vì một lối mòn cũ rích là đình chỉ học vài tuần cho xong chuyện. Bởi lẽ nếu không vào cuộc triệt để và gay gắt, vấn nạn này sẽ ngày càng gia tăng ở mọi độ tuổi và mọi mức độ.

Ngoài ra, phía gia đình, các bậc cha mẹ cũng cần phải đôn đốc, dạy bảo con em mình, phải tham gia vào việc giáo dục con cái với nhà trường, bằng cách liên lạc thường xuyên với giáo viên để đảm bảo rằng con cái họ nhận được sự hỗ trợ cần thiết khi tới trường, cũng như hàng ngày ở trường con có xảy ra chuyện gì hay không.

>>> Quan điểm của bạn thế nào? Chia sẻ ý kiến hoặc bài viết ở bình luận bên dưới. Những ý kiến hay, được đăng tải sẽ hưởng chế độ nhuận bút theo quy định!

Bạn đọc Ly Ly

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: [email protected]

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/dung-hoc-1-tuan-voi-hoc-sinh-danh-ban-o-huyen-thuong-tin-ha-noi-hinh-phat-co-du-suc-ran-de-285891.html