Doanh nghiệp tư nhân muốn giảm gánh nặng chi phí Doanh nghiệp tư nhân đang cảm thấy ấm lòng Muốn kinh tế độc lập tự chủ, cần doanh nghiệp tư nhân hùng mạnh |
Lợi nhuận khối tư nhân tăng 22,4%
Báo cáo tổng hợp kế hoạch năm 2025 từ 104 doanh nghiệp niêm yết lớn chiếm khoảng 70% vốn hóa thị trường do SSI Research công bố, cho thấy sự lạc quan lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân.
Tổng doanh thu của nhóm này dự kiến tăng 13,6% so với năm 2024, trong khi lợi nhuận kế hoạch tăng 13,3%. Trong đó, 67% doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận cao hơn so với năm trước. Điểm đáng chú ý là các doanh nghiệp tư nhân thể hiện sự tự tin vượt trội, với mức tăng lợi nhuận kỳ vọng lên tới 22,4%.
![]() |
Doanh nghiệp tư nhân thể hiện sự tự tin vượt trội, với mức tăng lợi nhuận kỳ vọng lên tới 22,4%. Ảnh minh hoạ |
Trái lại, khu vực doanh nghiệp nhà nước tiếp tục giữ quan điểm thận trọng. Mức lợi nhuận kế hoạch giảm 21,4% so với thực hiện năm 2024, tuy nhiên vẫn cao hơn đáng kể (từ 20% đến 100%) nếu so với chính kế hoạch đặt ra năm ngoái.
Xét theo ngành nghề, tăng trưởng lợi nhuận tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực hưởng lợi từ chính sách và tiêu dùng trong nước. Bất động sản đứng đầu danh sách với mức tăng ấn tượng 54,7%. Tiếp theo là ngân hàng (+17%), tiêu dùng không thiết yếu (+19%), công nghệ thông tin (+14,1%), tài nguyên cơ bản (+6,5%) và xây dựng - vật liệu (+2,3%). SSI Research cho biết: “Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có nhiều doanh nghiệp điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh”.
Doanh nghiệp bất động sản dẫn dắt đà tăng trưởng
Trong quý I/2025, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên toàn thị trường đạt 146.600 tỷ đồng tăng 23% so với cùng kỳ và tăng 6,1% so với quý trước. Đây là quý thứ sáu liên tiếp ghi nhận tăng trưởng dương và cũng là mức cao nhất kể từ năm 2018.
Đáng chú ý, nhóm ngành bất động sản đóng vai trò động lực chính, với lợi nhuận tăng 139% so với cùng kỳ, chiếm 63% mức tăng toàn thị trường. Trong đó, nhóm cổ phiếu thuộc hệ sinh thái Vingroup ghi nhận mức tăng 157%, đóng góp tới 87% tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành. Nhiều mã bất động sản khác cũng thể hiện sự bứt phá: BCM tăng 203%, KDH tăng 92%, KBC và NLG từ lỗ chuyển sang có lãi.
Nếu loại trừ nhóm Vingroup, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ toàn thị trường vẫn đạt 10,8% svck phản ánh nền lợi nhuận đang dần được mở rộng hơn ra ngoài một vài đầu tàu lớn.
Ngành ngân hàng tiếp tục giữ vị thế dẫn dắt lợi nhuận toàn thị trường, chiếm khoảng 45% tổng lợi nhuận, tuy nhiên mức tăng trưởng đã giảm tốc xuống 14% svck, so với quý IV/2024. Tăng trưởng tín dụng đạt 3,4% kể từ đầu năm cao hơn đáng kể mức cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn đối mặt với áp lực từ biên lãi ròng do cạnh tranh lãi suất khốc liệt, trong khi tỷ lệ nợ xấu tăng lên 2,02%, tăng 29 điểm cơ bản so với quý trước.
Ngoài ra, chất lượng tài sản có sự suy giảm với tỷ lệ nợ xấu tăng lên 2,02%, một phần do yếu tố mùa vụ. Nhóm ngân hàng cổ phần dẫn đầu về tăng trưởng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ trong quý so với cùng kỳ, như: SSB tăng 190%, MBB tăng 45%, HDB tăng 36%, STB tăng 37%.
Bên cạnh đó, một số nhóm ngành khác cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ, như: nhóm tiện ích tăng 44,5%, hóa chất tăng 41% và nhóm bán lẻ tăng 74%. Một số nhóm ngành chứng kiến sự sụt giảm như nhóm viễn thông giảm 47% và nhóm dầu khí giảm 58% so với cùng kỳ.
Nhận định về thị trường chứng khoán tháng 5, SSI cho rằng tỷ lệ thị trường tăng trong tháng 5 đạt 70% trong 10 năm gần nhất, phản ánh tâm lý thị trường trong tháng 5 thường tích cực hơn.
Thanh khoản tháng 5 thường thấp hơn trung bình của cả năm, dẫn đến thị trường phân hóa hơn và tìm đến nhóm cổ phiếu thanh khoản thấp hơn. Do đó, nhóm vốn hóa trung bình có thể được chú ý hơn trong tháng tới.
Nhìn chung, báo cáo của SSI cho thấy nền kinh tế đang vận hành theo hướng tích cực, với tín hiệu phục hồi rõ nét từ khu vực tư nhân và ngành bất động sản. Nếu duy trì được động lực này, cùng với sự hỗ trợ chính sách ổn định, thị trường có thể kỳ vọng vào một năm tăng trưởng khả quan hơn. |