Hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam

10:39 | 10/05/2025 In bài biết
Quảng Nam triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển, hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực.
Quảng Nam là trung tâm công nghiệp dược liệu trọng điểm Dược liệu Quảng Nam: Từ sinh kế vùng cao đến trung tâm công nghiệp dược liệu quốc gia Quảng Nam: Hỗ trợ đồng bào dân tộc sản xuất dược liệu theo chuỗi giá trị

Sáng 10/5, tại tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định số 463/QĐ-TTg ngày 28/2/2025 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 463) về phê duyệt Đề án “Phát triển và hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực”. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự Hội nghị.

Tỉnh Quảng Nam triển khai Quyết định 463 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực
Tỉnh Quảng Nam triển khai Quyết định 463 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực

Phát triển công nghiệp dược liệu tạo sinh kế bền vững, xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Việt Nam có tiềm năng phát triển công nghiệp dược liệu. Trong đó, vùng duyên hải miền Trung – Tây Nguyên có nhiều loại dược liệu có giá trị kinh tế, giá trị về y tế, trong đó có sâm Ngọc Linh.

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, ngành dược liệu chưa khai thác được tiềm năng, chủ yếu là khai thác thô, giá trị gia tăng thấp, chưa có sức cạnh tranh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự Hội nghị
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự Hội nghị

Để tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi; đồng thời, thực hiện Chiến lược quốc gia về công nghiệp dược liệu Việt Nam, Chương trình phát triển sâm Việt Nam, việc phát triển các trung tâm công nghiệp dược theo hướng hiện đại gắn với nghiên cứu khoa học, chế biến sâu và xây dựng thương hiệu là hướng đi cấp thiết. Đặc biệt, khu vực miền Trung – Tây Nguyên có điều kiện tự nhiên đặc thù, thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp để phát triển nhiều loại dược liệu quý hiếm. Đây là vùng có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao nên việc phát triển công nghiệp dược liệu không chỉ mang lại kinh tế, tạo sinh kế bền vững mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo.

Việc đẩy mạnh trồng sâm Ngọc Linh nói riêng, dược liệu nói chung tại trung du miền núi là hướng ưu tiên phát triển kinh tế trong những năm tới, là động lực khuyến khích người dân trồng phát triển cây dược liệu; đồng thời kêu gọi thu hút mạnh doanh nghiệp tham gia đầu tư chế biến công nghiệp dược liệu, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Để biến tiềm năng thành hiện thực cần có trung tâm công nghiệp dược liệu quy mô lớn, hiện đại, đảm bảo chuỗi giá trị khép kín từ nghiên cứu, nuôi trồng, chế biến sâu và thương mại hóa. Vì vậy, Đề án “Phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên

“Việc xây dựng, phát triển hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại Quảng Nam không chỉ giúp nâng cao lợi thế của ngành dược liệu của Việt Nam mà còn tạo tiền đề để miền Trung – Tây Nguyên trở thành vùng sản xuất, xuất khẩu dược liệu hàng đầu khu vực”, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nói và cho biết, Hội nghị triển khai Quyết định 463 sẽ mở ra nhiều cơ hội mới, tạo nền tảng vững chắc để phát triển công nghiệp dược liệu tại Quảng Nam và khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Phát triển tỉnh Quảng Nam thành trung tâm công nghiệp dược liệu quốc gia

Thông tin về kế hoạch triển khai Quyết định 463, ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Đề án “Phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực” đã xác định mục tiêu phát triển tỉnh Quảng Nam thành trung tâm công nghiệp dược liệu quốc gia, lấy sâm Ngọc Linh làm cây chủ lực; xây dựng chuỗi giá trị đồng bộ từ nuôi trồng, chế biến, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

6 nhóm giải pháp để triển khai Đề án gồm: Xây dựng thể chế, chính sách; hoàn chỉnh các quy hoạch; thúc đẩy thu hút đầu tư; xây dựng và phát triển nuôi trồng dược liệu; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; quảng bá, xúc tiến thương mại.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu

Trong các giải pháp, Đề án nêu rõ sẽ nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với đặc thù và yêu cầu để hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam. Kể cả các cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội nhằm thu hút đầu tư, nhất là phát triển sản phẩm quốc gia Sâm Ngọc Linh và một số lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh, triển vọng phát triển.

Phát triển mạng lưới, hình thành chuỗi liên kết nuôi trồng, sơ chế, chế biến dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với các tỉnh, thành phố lân cận và trên cả nước. Tập trung chế biến, chế biến sâu, phát triển giống, nguồn gen sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác; kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống sâm Ngọc Linh và dược liệu khác.

Sâm Ngọc Linh và dược liệu Việt Nam nói chung chủ yếu mới dừng ở chế biến thô
Sâm Ngọc Linh và dược liệu Việt Nam nói chung chủ yếu mới dừng ở chế biến thô

Song song với sản xuất, chế biến, tỉnh Quảng Nam sẽ tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế, gắn quảng bá và tiêu thụ sản phẩm từ dược liệu với quảng bá, xúc tiến du lịch.

Theo kế hoạch triển khai Quyết định 463, ngành Công Thương sẽ triển khai một số hoạt động chủ đạo gồm: Tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm sâm Ngọc Linh trong và ngoài nước; xây dựng, phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam; xây dựng đề xuất Đề án tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm dược liệu trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại và Chương trình phát triển thương hiệu ngành hàng Việt Nam theo các quy định hiện hành.
Vũ Lê

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: [email protected]

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/hinh-thanh-trung-tam-cong-nghiep-duoc-lieu-tai-tinh-quang-nam-386910.html