Xuất khẩu rau quả vào thị trường Canada, doanh nghiệp lưu ý gì? Tạo cơ hội xuất nhập khẩu với thị trường Canada cho doanh nghiệp nhỏ Nhập khẩu lúa mì từ thị trường Canada tăng 2.154% về lượng |
Tuân thủ các quy định
Là doanh nghiệp kinh doanh hàng nông sản, thực phẩm khá thành công tại Canada, những năm qua, Renso Foods xây dựng chỗ đứng ngày một vững chắc tại thị trường này. Bà Thạch Vũ Thùy Linh - CEO Renso Foods, chia sẻ, trong khối Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Canada là thị trường tiềm năng bậc nhất đối với hàng thực phẩm và nông sản Việt Nam bởi nhu cầu cao, thuế quan ưu đãi.
![]() |
Trái cây sấy của Việt Nam xuất khẩu sang Canada được hưởng thuế 0% hoặc rất thấp. Ảnh minh họa |
Theo đó, nhiều nhóm sản phẩm như trái cây sấy, hạt điều, cà phê, mì gói, nước mắm thuế nhập khẩu 0% hoặc rất thấp. “Trước đây, hạt điều của Việt Nam nhập khẩu vào Canada chịu mức thuế 5 - 10%, nhờ có CPTPP con số này đã về 0%”, bà Thùy Linh ví dụ.
Dù CPTPP có nhiều lợi thế cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Canada nhưng đây không phải “gậy thần kỳ”, muốn tận dụng được ưu thế, doanh nghiệp cần đáp ứng đúng, đủ các quy định.
Trong đó, cần chứng minh xuất xứ hàng hóa hợp lệ theo CPTPP (C/O mẫu CPTPP). “Việt Nam có nhiều sản phẩm chất lượng tốt, sản xuất bài bản nhưng khi vào đến hải quan Canada lại chứng minh không đầy đủ và đạt chuẩn nên không được hưởng ưu đãi. Và khi không có được tờ khai hải quan theo form CPTPP việc phân phối hàng hóa vào các chuỗi siêu thị lớn tại Canada hay Bắc Mỹ không dễ dàng”, CEO Renso Foods cho hay.
Cùng đó, cần hiểu rõ HS code cũng như mức thuế ưu đãi cho từng mặt hàng. Đồng thời, phải chuẩn hóa sản phẩm theo quy định của nước sở tại, đặc biệt, Canada rất khắt khe về an toàn thực phẩm và được cơ quan kiểm định thực phẩm kiểm duyệt gắt gao.
Canada có danh mục các chất cấm không được sử dụng và không được vi phạm về nguồn gốc nguyên vật liệu. Các sản phẩm đưa vào Canada phải tuân thủ những quy định về thành phần dinh dưỡng, hạn sử dụng, nguồn gốc và ngôn ngữ. Làm được điều đó, sản phẩm của doanh nghiệp mới có thể cung cấp vào những chuỗi phân phối lớn, có lượng bán hàng thường xuyên.
“Tại những hệ thống phân phối lớn của Canada chưa hiện diện nhiều hàng Việt Nam, đây là cơ hội rất khả quan cho sản phẩm trong nước được đầu tư bài bản”, bà Thùy Linh nhìn nhận.
Đồng tình với quan điểm của lãnh đạo Renso Foods, bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada thông tin thêm, tỷ lệ tận dụng các hiệp định thương mại tự do của doanh nghiệp Canada hiện không cao, chỉ 38%, xét ở góc độ nào đó đây là cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam.
Khi doanh nghiệp Canada nhận thức về tầm quan trọng của CPTPP, từ đó đa dạng nguồn cung để đáp ứng quy tắc xuất xứ, tận dụng ưu đãi thuế quan thì nguồn hàng từ Việt Nam là một lựa chọn tốt.
Bởi lẽ, bên cạnh việc cùng là thành viên của CPTPP, cơ cấu mặt hàng, nguyên liệu đầu vào của hai nước hoàn toàn bổ trợ chứ không cạnh tranh. “Tôi cho rằng, chuỗi sản xuất của hai nước có rất nhiều cơ hội hợp tác. Thực tế, doanh nghiệp hai nước đã có sự chuyển hướng khi lựa chọn nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất của nhau”, bà Trần Thu Quỳnh cho hay.
Tận dụng sâu hơn nữa CPTPP
Có thể thấy, nhờ có CPTPP Canada trở thành thị trường rất tiềm năng cho doanh nghiệp trong nước khai thác. Tuy nhiên, có một thực tế, chỉ 18% hàng Việt Nam xuất khẩu vào Canada sử dụng form C/O CPTPP, còn lại vẫn phải chịu thuế từ 5-20%. “Đây là con số không nhỏ, nếu chúng ta tận dụng tốt hơn CPTPP, hàng Việt Nam tại Canada rẻ hơn đáng kể. Quan trọng hơn là việc định hình chuỗi cung ứng của Canada trong đó có vị trí của Việt Nam về lâu dài", bà Trần Thu Quỳnh phân tích.
![]() |
Thương vụ Việt Nam tại Canada phối hợp đàm phán mở cửa mặt hàng trứng cho Việt Nam. Ảnh: Chinhphu.vn |
Bà Thu Quỳnh đồng thời cho rằng, khai thác các hiệp định thương mại tự do nói chung và CPTPP nói riêng không chỉ là tận dụng ưu đãi về thuế quan trong xuất khẩu mà doanh nghiệp cần nhắm vào cơ hội lớn hơn là kết nối sản xuất, đầu tư công nghệ để tạo ra giá trị cao hơn.
Từ kinh nghiệm kinh doanh nhiều năm tại Canada, đại diện Renso Foods, cũng bày tỏ, muốn thâm nhập, xây dựng chỗ đứng tại Canada, doanh nghiệp nên tìm hiểu thông tin thị trường, trao đổi Thương vụ Việt Nam tại nước sở tại để được hỗ trợ mang tầm chiến lược quốc gia.
Tham nhiều hội nghị, hội thảo xúc tiến thương mại để tìm đối tác nhập khẩu/đại lý phân phối nội địa; tham gia các hội chợ thương mại quốc tế chuyên ngành quảng bá sản phẩm kinh doanh; đẩy mạnh khai thác thương mại điện tử xuyên biên giới. “Đặc biệt, doanh nghiệp đăng ký thương hiệu Trade Mark trước tại các quốc gia muốn tập trung phát triển kinh doanh”, bà Thùy Linh nhấn mạnh.
Cùng đó, liên kết sản xuất theo chuỗi - chuẩn hóa từ nông trại đến nhà máy (đảm bảo vùng nguyên liệu rõ ràng, sạch, truy xuất được, xây dựng chuỗi khép kín (hạt giống, công nghệ gieo trồng, vùng trồng, kỹ thuật canh tác, thu hoạch, gia công chế biến, bảo quản, vận chuyển để giảm rủi ro kiểm dịch và tồn kho. Bên cạnh đó, chứng minh rõ ràng khi có yêu cầu của nước sở tại theo quy định chung và quy định riêng).
Ngoài ra, doanh nghiệp nên tạo ra sản phẩm kết hợp giữa các quốc gia để tận dụng lợi thế CPTPP. Ví dụ Renso Foods đã đăng ký tham gia là thành viên chính thức của Hiệp hội Sâm Canada (tỉnh bang Ontario) để có thể mua sâm trực tiếp từ vùng trồng chính gốc truyền thống lâu đời tại Canada và tạo ra sản phẩm rất tốt cho sức khỏe là cà phê sâm hòa tan (kết hợp giữa sâm Canada và cà phê Việt Nam).
Sau khi đi vào thực thi, Hiệp định CPTPP trở thành lực đẩy quan trọng cho doanh nghiệp Việt thúc đẩy xuất khẩu sang Canada. |