Chỉ số VN-Index chưa phản ánh hết áp lực mà nhà đầu tư phải chịu đựng Nhận định chứng khoán 20/1: Nhà đầu tư tránh mua đuổi Cảng Mỹ Thuỷ: Đẩy nhanh tiến độ thu hút nhà đầu tư |
Điện rác hấp dẫn đầu tư
Giữa tháng 3/2025, Công ty TNHH Năng lượng môi trường EB thuộc Tập đoàn Everbright Environment (Trung Quốc) đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Bình để trao đổi thông tin về hợp tác đầu tư thực hiện dự án nhà máy đốt rác phát điện tại tỉnh Quảng Bình. Được biết, đây là doanh nghiệp đã có hơn 5 năm kinh nghiệm vận hành nhà máy đốt rác phát điện tại Cần Thơ.
![]() |
Doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm đến dự án điện rác tại Việt Nam. Ảnh minh hoạ |
Trước đó, Tập đoàn Thiên Doanh của Trung Quốc đã đầu tư 4 dự án điện rác ở các địa phuơng Hà Nội, Phú thọ, Thanh Hoá, Hải Dương với tổng mức vốn 800 triệu USD và mong muốn tiếp tục mở rộng đầu tư trong lĩnh vực này tại Việt Nam.
Cụ thể, Tập đoàn Thiên Doanh sẽ tiếp tục đi sâu hơn nữa trong lĩnh vực môi trường để thực hiện mục tiêu chuỗi khép kín, đồng thời mở rộng sang các lĩnh vực có tiềm năng tại Việt Nam như điện gió, điện mặt trời, điện tích năng, hydroxanh…
Năm 2024, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng đã tiếp nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu về các dự án điện rác. Trong đó, có 2 nhà đầu tư nước ngoài là Công ty TNHH Đầu tư Chiêu Minh (Đài Loan - Trung Quốc) và Công ty Asia New Generation (Đức) đến tìm cơ hội đầu tư vào các dự án nhà máy đốt rác phát điện.
Riêng Công ty Asia New Generation đã đề xuất đầu tư dự án xử lý rác thải phát điện tại huyện Xuân Lộc. Theo đại diện Công ty Asia New Generation, nếu được chấp thuận, doanh nghiệp sẽ đầu tư công nghệ xử lý rác bằng công nghệ nhiệt phân của Đức.
Với công nghệ này, rác thải không cần phân loại, không đem đốt trực tiếp, mà xử lý bằng phương pháp khí hóa, nên hạn chế phát sinh khí thải, có thể tạo ra 1,2 - 1,8 MWh điện năng/tấn rác. Giai đoạn đầu, doanh nghiệp dự tính đầu tư 40 triệu USD để đầu tư nhà máy có năng lực xử lý 400 tấn rác/ngày; giai đoạn tiếp theo có thể nâng lên 1.000 tấn/ngày.
Chia sẻ tại một sự kiện diễn ra mới đây, luật sư Nguyễn Thanh Hà – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink cho biết: Nhóm chuyên gia tư vấn của Công ty Luật TNHH Vietthink đã tham gia tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho hàng chục dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát điện tại Việt Nam những năm gần đây.
Cũng theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, thu hút đầu tư vào các dự án điện rác là mục tiêu quan trọng của Việt Nam nhằm giải quyết đồng thời các nhóm vấn đề bức thiết trong bảo vệ môi trường, chống biển đổi khí hậu, phát triển bền vững và xây dựng kinh tế tuần hoàn.
Gỡ ‘nút thắt’ hút đầu tư vào điện rác
Điện rác đang được đánh giá là lĩnh vực tiềm năng trong thu hút đầu tư tư nhân. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, bởi nhu cầu về chuyển dịch đầu tư công sang khu vực tư sẽ tận dụng được nguồn lực về công nghệ, tài chính và kinh nghiệm quốc tế về đầu tư, xây dựng, vận hành các dự án điện rác.
Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, việc thu hút đầu tư vào các dự án điện rác tại Việt Nam gần như không đạt hiệu quả bởi nhiều rào cản pháp lý chưa được tháo gỡ, xuất phát từ sự chồng chéo, bất cập, thiếu quy định hướng dẫn chi tiết trong hệ thống pháp luật về đấu thầu, môi trường, quản lý ngân sách, đầu tư… Thậm chí, một số địa phương đã được Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù cho lĩnh vực này, nhưng cũng chưa thực sự phát huy hiệu quả và chưa thể được tham khảo để áp dụng rộng rãi đối với các địa phương khác.
Qua tư vấn cho các dự án điện rác tại Việt Nam, nhóm chuyên gia tư vấn của Công ty Luật TNHH Vietthink nhận thấy, phần lớn các dự án điện rác hiện nay đều đang gặp phải nhiều “bế tắc” đối với cả nhà đầu tư và các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương, khiến cho việc triển khai dự án rất khó khăn và không đạt được tiến độ theo đúng kỳ vọng.
Cụ thể, những bế tắc mà nhà đầu tư đang gặp phải khi đầu tư dự án điện rác tại Việt Nam phải kể đến đó là: Rào cản pháp lý thiếu rõ ràng, gây khó cho nhà đầu tư và cơ quan quản lý địa phương; Thiếu quy định, cơ chế để cơ quan quản lý địa phương đưa ra cam kết về khối lượng rác đầu vào cho dự án xử lý chất thải rắn; Quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và đấu thầu lựa chọn cơ sở xử lý chất thải rắn; Thiếu quy định về đảm bảo tài chính, hỗ trợ thu xếp vốn, cơ chế chia sẻ doanh thu.
Theo các chuyên gia kinh tế, thu hút đầu tư vào lĩnh vực điện rác không chỉ giúp Việt Nam giải quyết đồng thời các nhóm vấn đề bức thiết trong bảo vệ môi trường, chống biển đổi khí hậu, phát triển bền vững và xây dựng kinh tế tuần hoàn, mà còn hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết của Chính phủ.
Theo đó, Việt Nam cần có những cơ chế, chính sách tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư bỏ vốn vào lĩnh vực này. Cụ thể, theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, cần bổ sung các cơ chế đặc thù và văn bản quy phạm cho phép được áp dụng theo hình thức đặt hàng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đối với các dự án điện rác.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế đặc thù và văn bản quy phạm quy định về các hình thức mà cơ quan quản lý địa phương có thể cam kết về việc cung cấp khối lượng rác đầu vào cho các dự án điện rác đã được phê duyệt phù hợp với các quy hoạch.
Đặc biệt, để thu hút đầu tư vào lĩnh vực điện rác, Việt Nam cần rà soát và hoàn thiện quy hoạch quản lý chất thải cấp tỉnh, vùng, liên vùng, đảm bảo phân bổ các cơ sở xử lý chất thải phù hợp và đảm bảo phân luồng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn về các khu xử lý tập trung.
Ngoài ra, cần sớm ban hành các quy định hướng dẫn chi tiết và hợp đồng mẫu đối với các dự án điện rác có định hướng kêu gọi, lựa chọn nhà đầu tư tham gia theo hình thức đối tác công-tư (PPP).
Một số địa phương đã thông qua cơ chế đặc thù về việc đặt hàng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đối với dự án chuyển đổi công nghệ đốt có thu hồi năng lượng như thành phố Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh nhưng vẫn chưa được áp dụng triệt để và đồng loạt cho các địa phương khác trên cả nước. Bởi vướng mắc trên, kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực, gần như tất cả các dự án điện rác đều gặp bế tắc không thể đẩy nhanh tiến độ triển khai bởi cả nhà đầu tư và cơ quan quản lý địa phương đều loay hoay không có giải pháp tháo gỡ vướng mắc trên. |