Sửa đổi, bổ sung quy định quản lý kho xăng dầu và điều hành giá bán lẻ
Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 18/2025/TT-BCT ngày 13/3/2025 sửa đổi, bổ sung quy định về kinh doanh xăng dầu, có hiệu lực từ ngày 2/5/2025. Thông tư này bổ sung quy định về báo cáo tình hình sử dụng kho xăng dầu.
Theo đó, thương nhân đầu mối và phân phối có kho xăng dầu phải báo cáo định kỳ hàng quý về Bộ Công Thương và Sở Công Thương địa phương, trước ngày 10 tháng đầu tiên của kỳ tiếp theo. Nội dung báo cáo bao gồm thông tin về kho, bể, dung tích, và sản lượng xăng dầu qua kho. Sở Công Thương có trách nhiệm giám sát và báo cáo khi phát hiện vi phạm.
![]() |
Sửa đổi, bổ sung quy định về kinh doanh xăng dầu, có hiệu lực từ ngày 2/5/2025 |
Ngoài ra, Thông tư cũng sửa đổi quy định về hợp đồng đại lý bán lẻ xăng dầu. Khi đại lý ký hợp đồng với nhiều thương nhân, cần bổ sung hồ sơ đề nghị sửa đổi Giấy xác nhận và Giấy chứng nhận theo quy định. Thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu cũng phải báo cáo sản lượng bán trong nước theo từng chủng loại, từ ngày 21 tháng trước đến ngày 20 tháng cuối quý, để xác định tỷ trọng sản lượng xăng dầu nội địa và nhập khẩu trong công thức giá cơ sở.
Về điều hành giá, Bộ Công Thương sẽ công bố giá cơ sở và giá bán lẻ xăng dầu dựa trên số liệu giá thành phần và ý kiến của Bộ Tài chính. Đồng thời, Thông tư này bãi bỏ quy định về Tổ liên ngành điều hành giá xăng dầu, nâng cao tính chủ động trong quản lý nguồn cung và giá cả thị trường.
Chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Chính phủ ban hành Nghị định số 66/2025/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2025 quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách.
Nghị định này quy định đối tượng áp dụng, điều kiện, nguyên tắc, mức hưởng chính sách, quy trình xét duyệt hưởng chính sách, cấp phát gạo và kinh phí thực hiện chính sách đối với trẻ em nhà trẻ, học sinh cơ sở giáo dục phổ thông, học sinh trường dự bị đại học, học viên cơ sở giáo dục thường xuyên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Điểm mới đáng chú ý nhất của Nghị định số 66/2025/NĐ-CP là đã bổ sung trẻ em nhà trẻ bán trú (từ 3 tháng tuổi đến 3 tuổi) vào diện được thụ hưởng chính sách hỗ trợ học tập từ nguồn ngân sách nhà nước. Sự bổ sung này không chỉ góp phần phổ cập giáo dục mầm non ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, mà còn bảo đảm công bằng trong thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Thực tế, từ nhiều năm nay, các chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục dân tộc đã tiếp cận đến hầu hết học sinh các cấp học và sinh viên, nghiên cứu sinh người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, trẻ em nhà trẻ bán trú vẫn còn nằm ngoài diện thụ hưởng các chính sách hỗ trợ học tập được xây dựng, ban hành trong những năm qua.
Theo Nghị định 66/2025/NĐ-CP, trẻ em nhà trẻ bán trú sẽ được hỗ trợ 360.000 đồng tiền ăn trưa/tháng/trẻ (không quá 9 tháng/năm học). Ngoài ra, cơ sở giáo dục mầm non có trẻ em nhà trẻ bán trú được hưởng 700.000 đồng/tháng/nhóm trẻ em nhà trẻ (không quá 9 tháng/năm học) để quản lý buổi trưa đối với nhóm trẻ em này.
Như vậy, định mức hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em nhà trẻ tại Nghị định 66/2025/NĐ-CP tăng gấp đôi so với Nghị định số 105/2020/NĐ-CP (nhóm trẻ mầm non từ 3 - 6 tuổi được hỗ trợ 160.000 đồng/tháng/trẻ). Việc tăng định mức hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em nhà trẻ cho thấy tầm nhìn của việc hoạch định chính sách nhằm phát triển con người ngay từ những năm đầu đời.
Giá dịch vụ, quản lý chung cư trên địa bàn TP. Hà Nội cao nhất là 16.500 đồng/m2/tháng
UBND Hà Nội ban hành Quyết định 33/2025/QĐ-UBND ngày 21/4/2025 về việc ban hành khung giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội, có hiệu lực từ 1/5/2025.
Theo đó, mức giá dịch vụ cho các loại chung cư được quy định như sau: chung cư không có thang máy có giá tối thiểu 700 đồng/m2/tháng và tối đa 5.000 đồng/m2/tháng; chung cư có thang máy có giá tối thiểu 1.200 đồng/m2/tháng và tối đa 16.500 đồng/m2/tháng. Các dịch vụ cao cấp như tắm hơi, bể bơi, truyền hình cáp không thuộc phạm vi khung giá này.
Khung giá này không áp dụng cho nhà chung cư cũ chưa cải tạo, nhà chung cư xã hội dành cho học sinh, sinh viên, công nhân, và những trường hợp đã thống nhất giá qua Hội nghị nhà chung cư hoặc trong hợp đồng mua bán, thuê căn hộ.
Đối tượng áp dụng gồm cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư, Ban quản trị, đơn vị quản lý vận hành và các cá nhân liên quan. Sở Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan để theo dõi, tổng hợp ý kiến và điều chỉnh giá khi có biến động. UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm kiểm tra và giải quyết tranh chấp liên quan đến quản lý, vận hành nhà chung cư. Quyết định này thay thế Quyết định số 243/QĐ-UBND ngày 12/1/2017.
Quy định mới về phân loại thống kê theo loại hình kinh tế, áp dụng trong hoạt động thống kê nhà nước
Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 13/2/2025 ban hành Thông tư số 07/2025/TT-BKHĐT quy định phân loại thống kê theo loại hình kinh tế, áp dụng trong hoạt động thống kê nhà nước, có hiệu lực từ ngày 1/5/2025.
Theo Thông tư, việc phân loại nhằm xếp các đơn vị kinh tế có cùng tính chất vào loại hình kinh tế tương ứng, bảo đảm mỗi đơn vị chỉ được xếp vào một loại hình. Căn cứ phân loại dựa trên thứ tự ưu tiên: quy định pháp luật, tỷ lệ vốn chủ sở hữu và đặc thù của loại hình kinh tế.
Phân loại thống kê được xây dựng theo hai cấp: cấp 1 gồm 4 loại hình chính và cấp 2 gồm 17 loại hình chi tiết. Các loại hình cấp 1 gồm: kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Mỗi loại hình cấp 2 được mã hóa bằng hai chữ số theo hệ thống cấp 1.
Cụ thể, kinh tế Nhà nước bao gồm các tổ chức do Nhà nước nắm giữ từ dưới 50% đến 100% vốn; kinh tế tập thể gồm hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ chức kinh tế tập thể khác; kinh tế tư nhân bao gồm tổ chức tư nhân, hộ sản xuất và các hình thức khác; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phân loại theo mức độ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài.
Thông tư cũng quy định chi tiết nội dung xác định và loại trừ các đơn vị kinh tế trong từng loại hình, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, kế thừa và phản ánh đúng thực tiễn thành phần kinh tế theo quan điểm của Đảng và pháp luật hiện hành.