Bắc Giang dẫn đầu cả nước về tăng trưởng GRDP quý I/2025 Hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 2025: Khó nhưng có giải pháp! Quý I/2025: Tăng trưởng nông lâm thủy sản đạt 3,74% |
Kinh tế hồi phục, doanh nghiệp vẫn nhiều lo toan
Kinh tế Việt Nam quý I/2025 ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực với mức tăng trưởng đạt 6,93% – cao hơn cùng kỳ nhiều năm trở lại đây. Hoạt động đăng ký doanh nghiệp cũng có bước khởi sắc khi cả nước có hơn 72.900 doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung bình mỗi tháng có hơn 24.300 doanh nghiệp gia nhập thị trường.
![]() |
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2025 diễn ra vào ngày 17/4 tại Hà Nội. Ảnh: NH |
Tuy nhiên, đằng sau những con số tích cực vẫn là tâm lý thận trọng từ khu vực doanh nghiệp. Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2025 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vào chiều 17/4, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI cho rằng: Khảo sát VCCI trên phạm vi toàn quốc cho thấy, chỉ 32% doanh nghiệp dự kiến mở rộng quy mô trong hai năm tới. Đây được đánh giá là mức thấp, cho thấy niềm tin thị trường chưa thực sự phục hồi mạnh mẽ.
Một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp vẫn thận trọng là do môi trường kinh doanh còn nhiều rào cản. Các doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân, gặp khó trong tiếp cận tín dụng, đất đai, lao động chất lượng cao. Thủ tục hành chính vẫn phức tạp, chồng chéo; chính sách hỗ trợ chưa đi vào cuộc sống một cách thực chất.
Đáng lưu ý, theo ông Hoàng Quang Phòng, Việt Nam hiện có gần 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động nhưng 98% là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Chỉ 2% là doanh nghiệp lớn.
‘Điều đó cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp nói chung còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp còn chịu nhiều tác động bất lợi của bối cảnh khách quan, xung đột địa chính trị, đứt gẫy các chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu đầu vào’ - ông Hoàng Quang Phòng khẳng định.
Cụ thể hơn về những khó khăn của doanh nghiệp ngành dệt may, ông Bạch Thăng Long – Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty May 10 cho rằng: Những khó khăn, thách thức của ngành dệt may đang phải đối mặt đó là thiếu đơn hàng do chuyển dịch chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó việc gia tăng các rào cản thương mại cùng sự biến đổi nhu cầu và xu hướng tiêu dùng bền vững, các nhà bán lẻ quốc tế yêu cầu nghiêm ngặt hơn về truy xuất nguồn gốc, chứng nhận xanh, giảm thải carbon… cũng tác động đến sự tăng trưởng của ngành dệt may Việt Nam.
![]() |
Khu vực doanh nghiệp được đánh giá là động lực tăng trưởng kinh tế. Ảnh minh họa |
Cần trợ lực mạnh mẽ để doanh nghiệp bứt phá
Để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên trong năm 2025 và đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số giai đoạn 2026-2030, thời gian qua Chính phủ đã ban hành nhiều quyết sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho khu vực doanh nghiệp như giảm thuế giá trị gia tăng, cải thiện thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm tiền thuê đất…
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch điều hành kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam: Quý I/2025, số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn là hơn 61,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước, cùng với đó có gần 11,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 5,9 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Theo các chuyên gia kinh tế, để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025, khu vực doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng. Trên cơ sở đó, để tháo gỡ khó khăn và trợ lực cho các doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, ông Hoàng Quang Phòng cho rằng, cần tập trung vào 5 giải pháp chủ yếu, bao gồm: Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Thứ hai, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ của nhà nước.
Thứ ba, đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, hoàn thiện thể chế khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng các mô hình kinh doanh bền vững, các ngành công nghiệp mới và phát triển các ngành kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Thứ tư, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước; kết nối đối tác mới, mở rộng thị trường.
Thứ năm, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần nỗ lực thực hiện các giải pháp, đột phá, sáng tạo và nắm bắt thời cơ, không chỉ để tự lớn mạnh mà còn đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước...
Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI: Để đạt mức tăng trưởng bứt phá vào năm 2025, việc cải cách thể chế, thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp sẽ là những chìa khóa then chốt. Những chính sách hỗ trợ không chỉ giúp doanh nghiệp tăng khả năng hấp thụ vốn, nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn giúp doanh nghiệp tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. |