Xuất khẩu thanh long, chuối, sầu riêng hướng mốc 2 tỷ USD Xuất khẩu thanh long dự báo sẽ khởi sắc Tiền Giang: Thanh long cuối mùa giá cao gấp 3 lần năm ngoái |
Thanh long "ngôi vương" trở lại, vượt qua sầu riêng, chuối
Theo số liệu mới nhất từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong hai tháng đầu năm 2025, thanh long đã đạt giá trị xuất khẩu 93,8 triệu USD, chiếm 14,3% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành rau quả. Thanh long đã vượt qua chuối (71,5 triệu USD) và sầu riêng (21,4 triệu USD), trở thành loại trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong giai đoạn đầu năm.
Thành tích này đánh dấu sự trở lại ngoạn mục của thanh long sau nhiều năm mất đi vị thế. Từ mốc 1,3 tỷ USD vào năm 2018, doanh thu thanh long đã liên tục suy giảm, nhất là sau khi sầu riêng trỗi dậy và dẫn dầu xuất khẩu từ 2022 đến 2024. Tuy nhiên, năm 2025 chứng kiến sự đảo chiều đầy bất ngờ.
![]() |
Xuất khẩu thanh long bất ngờ lập kỷ lục mới. Ảnh: Công Hân |
Điều bất ngờ là sự trỗi dậy của thanh long lại xuất hiện trong bối cảnh xuất khẩu sầu riêng, loại trái cây từng giữ ngôi vương lao dốc mạnh. Cụ thể, trong tháng 2/2025, sầu riêng chỉ mang về 21,4 triệu USD, giảm đến 69% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, thanh long đạt 35 triệu USD, chiếm gần 14% thị phần xuất khẩu rau quả tháng này.
Rào cản kỹ thuật đẩy sầu riêng lao dốc, thanh long hưởng lợi
Nguyên nhân chính khiến sầu riêng lao dốc là những rào cản kỹ thuật mới từ thị trường Trung Quốc, nơi tiêu thụ đến 95% sản lượng sầu riêng Việt Nam. Trung Quốc đã áp dụng yêu cầu kiểm nghiệm chặt hơn với Cadimi và chất vàng O, bắt buộc phân tích tại các phòng thí nghiệm được công nhận. Quy trình nghiêm ngặt này khiến thời gian thông quan kéo dài, làm giảm tốc độ tiêu thụ.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết: “Thời gian qua, sầu riêng sụt giảm do kiểm tra chất vàng O và Cadimi nên làm giảm kim ngạch xuất khẩu chung. Hơn nữa, sầu riêng đông lạnh chưa xuất khẩu được do thông tin kiểm tra, quy trình giao nhận chưa được rõ ràng nên là cơ hội cho thanh long bứt phá”.
Bên cạnh Trung Quốc, thị trường Liên minh châu Âu (EU) cũng nâng tần suất kiểm tra sầu riêng từ 10% lên 20%, sau khi phát hiện nhiều lô vi phạm quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Điều này tiếp tục tạo thêm áp lực cho xuất khẩu sầu riêng trong năm nay.
Trái ngược với sầu riêng, thanh long Việt Nam đang hưởng lợi nhờ chất lượng ổn định và hồ sơ kiểm nghiệm an toàn rõ ràng. Tại thị trường Trung Quốc, nơi chiếm tới 90% lượng thanh long nhập khẩu, loại trái cây này vẫn được đánh giá cao và thông quan nhanh hơn do không bị vướng các tiêu chuẩn kiểm nghiệm mới.
“Hiện nay, giá thanh long ruột trắng tại vựa dao động từ 30.000 đến 35.000 đồng/kg với loại I, thanh long loại II ở mức 28.000 đồng/kg, còn loại III khoảng 23.000-24.000 đồng/kg. Giá mua tăng cao cho thấy tín hiệu phục hồi tích cực của thị trường, đồng thời phản ánh sức cầu đang dần trở lại ổn định với mặt hàng trái cây này”, ông Nguyên chia sẻ thêm.
Ngoài ra, Mỹ cũng đang là đối tác quan trọng, tiêu thụ gần 10% tổng lượng thanh long xuất khẩu của Việt Nam. Những thị trường khó tính này thường ưu tiên các sản phẩm có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn thực phẩm và có quy trình sản xuất đạt chuẩn quốc tế, điều mà thanh long Việt Nam đang làm khá tốt.
Trong bối cảnh sầu riêng tạm thời thất thế và với đà phục hồi mạnh mẽ từ đầu năm, thanh long được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì vị trí hàng đầu trong nhóm trái cây xuất khẩu, đóng góp tích cực vào kim ngạch toàn ngành rau quả năm 2025.
Đặc biệt, ngày 11/4 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam đã có buổi làm việc với Cơ quan Kiểm dịch động thực vật (APHIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Tại đây, phía Việt Nam đề xuất được sử dụng phương pháp xử lý hơi nước nóng thay vì chiếu xạ để xuất khẩu thanh long, nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp và mở rộng cơ hội thâm nhập thị trường Mỹ. |