Du lịch xanh vì sự phát triển bền vững Du lịch xanh gắn kết giá trị cộng đồng Hà Nội sẽ thí điểm nhiều vùng du lịch xanh |
Du lịch xanh - xu hướng tất yếu
Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thách thức chưa từng có như biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên, ngành du lịch không thể đứng ngoài cuộc.
![]() |
Một góc Tràng An - Ninh Bình. Ảnh: Hoàng Anh |
Ông Patrick Haverman - Phó Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đánh giá, ngành du lịch Việt Nam đã trở thành một động lực tăng trưởng quan trọng. Những thành tựu đạt được không thể thiếu vai trò của vẻ đẹp thiên nhiên, di sản văn hóa phong phú và bản sắc độc đáo của đất nước.
Tuy nhiên, ông Patrick Haverman cũng cảnh báo rằng các mối đe dọa như biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường đang ảnh hưởng trực tiếp đến tiềm năng du lịch. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi sang phát triển du lịch xanh không chỉ là một khát vọng, mà còn là một chiến lược tất yếu để nâng tầm vị thế Việt Nam trên bản đồ du lịch toàn cầu.
UNDP hiện đang phối hợp thực hiện nhiều dự án thiết thực như “Giảm thiểu rác thải nhựa trong du lịch tại Việt Nam”, với các mô hình tiêu biểu như trạm “Check-in và chia sẻ giao thông xanh” tại Phú Yên và Hòn Yến (Huế). Những sáng kiến này vừa góp phần nâng cao trải nghiệm du khách, vừa hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0, góp phần xây dựng ngành du lịch có trách nhiệm.
Tuy nhiên, hành trình xanh hóa trong hoạt động du lịch không hề dễ dàng. Ông Phạm Hà - Chủ tịch LuxGroup chia sẻ thẳng thắn rằng, việc đầu tư vào thiết bị tiết kiệm năng lượng, vật tư thân thiện môi trường hay xử lý rác thải đều cần chi phí rất lớn. Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp du lịch tại Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khó tiếp cận tín dụng ưu đãi, thiếu cơ chế khuyến khích như giảm thuế, ưu tiên đấu thầu hay hỗ trợ truyền thông.
Thực tế hiện nay cho thấy, dù nhiều mô hình tiên phong như Tràng An (Ninh Bình), Thung Nham, Furama (Đà Nẵng), H’Mong Village (Hà Giang)… đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng vẫn đối diện không ít khó khăn về nhân lực, tài chính và cả thói quen vận hành cũ. Ông Phùng Quang Thắng – Phó Chủ tịch Thường trực Chi hội Lữ hành Việt Nam cho rằng, để thay đổi thật sự, cần sự đồng hành xuyên suốt từ lãnh đạo đến nhân viên, cộng đồng và cả du khách.
Du lịch xanh cần đi cùng kinh tế tuần hoàn
Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam – ông Vũ Quốc Trí nhấn mạnh: Không thể gọi là du lịch xanh nếu chưa giảm thiểu được rác thải nhựa. Theo ông Vũ Quốc Trí, giảm thiểu rác thải nhựa không chỉ là yêu cầu tiên quyết mà còn là “điểm khởi đầu” để từng bước chuyển đổi toàn diện từ nhận thức đến hành động trong toàn ngành.
Đề xuất loạt giải pháp để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh trong du lịch, ông Nguyễn Văn Đính – Viện trưởng Viện Kinh tế Du lịch (VITA) cho rằng, cần hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần trong cơ sở lưu trú, áp dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm nước và điện, sử dụng phương tiện giao thông xanh và giảm phụ thuộc vào du lịch hàng không dài ngày.
Không dừng lại ở đó, theo các chuyên gia du lịch xanh cần đi cùng kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy phát triển các làng nghề truyền thống, ưu tiên sử dụng sản phẩm hữu cơ và hàng thủ công địa phương. Quan trọng nhất là giáo dục ý thức cho du khách, giúp họ nhận ra vai trò của bản thân trong hành trình bảo vệ thiên nhiên và phát triển du lịch bền vững.
Tại Công điện số 34/CĐ-TTg ngày 10/4/2025 về thúc đẩy phát triển du lịch, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, công nghệ xanh trong kinh doanh du lịch; đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư theo hướng xanh, bền vững, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ du lịch thân thiện với môi trường.
Theo Công điện số 34/CĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đa dạng hóa các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh như: Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm di sản tự nhiên – văn hóa, nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe. Cùng với đó là thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, sử dụng các nền tảng công nghệ thông minh để nâng cao trải nghiệm du khách và quản lý hiệu quả hơn.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam đưa ra 5 yếu tố để khởi động các hoạt động chuyển đổi xanh gồm: Tham gia xây dựng cơ chế, chính sách về chuyển đổi xanh trong du lịch; phát triển các điểm đến xanh trên cơ sở Bộ tiêu chí du lịch xanh; xúc tiến, quảng bá xanh; đào tạo xanh và ứng dụng công nghệ xanh, chuyển đổi số. |