Dẫn đầu khu vực nhờ giáo dục: Việt Nam đã sẵn sàng?

16:10 | 02/04/2025 In bài biết
Chuyên gia của Ngân hàng HSBC cho rằng, Việt Nam đang sở hữu cơ hội đặc biệt để vươn lên dẫn đầu khu vực thông qua chiến lược đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục.
Gỡ áp lực tâm lý đè nặng sĩ tử giai đoạn nước rút Các ngành học được miễn học phí 100% Nhiều tỉnh, thành công bố môn thi thứ ba vào lớp 10

Giáo dục không chỉ là nền tảng của tri thức mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Theo ông Herald van der Linde, Trưởng bộ phận chiến lược cổ phiếu, châu Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng HSBC, Việt Nam đang sở hữu cơ hội đặc biệt để vươn lên dẫn đầu khu vực thông qua chiến lược đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục.

Chuyên gia của HSBC cho rằng, châu Á đang chứng kiến sự chuyển dịch mạnh mẽ của chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc thu hút đầu tư nước ngoài không đơn thuần chỉ mang lại việc làm, mà còn đặt ra bài toán lớn về chất lượng lao động. Một nền kinh tế muốn tận dụng tối đa dòng vốn FDI phải đảm bảo lực lượng lao động có đủ trình độ và kỹ năng để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều quốc gia trong khu vực vẫn chưa đạt được mức độ phổ cập giáo dục trung học cơ sở một cách toàn diện. Những nước đạt thành tựu nổi bật như Trung Quốc, Philippines và Việt Nam đang chứng minh rằng cải thiện giáo dục không chỉ mang lại lợi ích xã hội mà còn là đòn bẩy quan trọng cho nền kinh tế.

Đào tạo nghề phải gắn với giải quyết việc làm
Việt Nam có thể đi trước các nước trong khu vực bằng cách tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, đầu tư vào đào tạo nghề. Ảnh: Tuấn Anh

Số lượng học sinh tốt nghiệp phổ thông là một tiêu chí quan trọng, nhưng chất lượng giáo dục mới là yếu tố quyết định khả năng hội nhập vào nền kinh tế tri thức. Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), khu vực ASEAN và Nam Á vẫn đang phải thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục so với các nước phát triển.

“Ở điểm này, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng. Kết quả đánh giá học sinh quốc tế (PISA) của học sinh Việt Nam có thể sánh ngang với Pháp - một thành tích đáng chú ý, phản ánh sự đầu tư nghiêm túc vào giáo dục trong nhiều năm qua. Điều này không chỉ giúp Việt Nam duy trì sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài mà còn củng cố vị thế của đất nước trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu” - ông Herald van der Linde đánh giá.

Vị chuyên gia cho rằng, bài toán đặt ra là làm thế nào để đảm bảo rằng phần lớn lao động trong nước được tiếp cận với nền giáo dục chất lượng cao mà không cần tìm đến con đường du học đắt đỏ. Nhiều gia đình châu Á sẵn sàng đầu tư để con cái được học tập ở các nước có nền giáo dục tiên tiến như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, nhưng điều này chỉ giới hạn trong một nhóm nhỏ có điều kiện tài chính.

Với tầm nhìn dài hạn, Việt Nam có thể đi trước các nước trong khu vực bằng cách tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, đầu tư vào đào tạo nghề và giáo dục đại học theo định hướng thực tiễn. Khi làm được điều đó, nền kinh tế Việt Nam sẽ có nền tảng vững chắc để phát triển bền vững, duy trì tốc độ tăng trưởng cao và tận dụng tối đa cơ hội từ sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Giáo dục chính là khoản đầu tư mang lại lợi nhuận cao nhất trong dài hạn. Việt Nam đang đứng trước một cơ hội vàng để chứng minh điều đó và xây dựng một nền kinh tế tri thức thực thụ.

Ngân Thương

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: [email protected]

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/dan-dau-khu-vuc-nho-giao-duc-viet-nam-da-san-sang-381163.html