Người Việt chi tiêu khoảng 8.400 tỷ đồng cho trà sữa trân châu Người Việt chi gần 200 tỷ để mua áo dài dịp Tết Người Việt chi 3.800 tỷ đồng đến rạp để xem phim |
Báo cáo thị trường năm 2024 của iPOS - nền tảng cung cấp giải pháp quản lý cho hơn 100.000 doanh nghiệp nhà hàng và quán cà phê - phối hợp cùng Euromonitor và VIRAC cho thấy doanh thu cửa hàng đồ uống toàn quốc năm ngoái ước tính đạt 118.262 tỷ đồng, tăng 13% so với năm trước đó. Đây là mức doanh thu cao nhất và cũng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 2018. Trung bình mỗi ngày, ngành đồ uống thu về hơn 323 tỷ đồng doanh thu.
Theo các chuyên gia, sự tăng trưởng mạnh mẽ này phần lớn nhờ vào việc nhịp sống đô thị đã trở lại trạng thái bận rộn như thời kỳ trước đại dịch. Các quán cà phê, trà sữa, quán bar không còn đơn thuần là nơi thưởng thức đồ uống, mà đã trở thành điểm đến đa năng phục vụ nhiều mục đích khác nhau.
![]() |
Trung bình mỗi ngày, ngành đồ uống thu về hơn 323 tỷ đồng doanh thu. Ảnh: Phúc Minh |
Người tiêu dùng hiện nay tìm đến các quán cà phê không chỉ để gặp gỡ bạn bè, mà còn để học tập, làm việc từ xa, thậm chí là tổ chức các cuộc họp kinh doanh. Văn hóa cà phê ngày càng phát triển mạnh tại Việt Nam, cùng với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và thói quen chi tiêu theo xu hướng hiện đại, đã góp phần không nhỏ vào sự phục hồi và mở rộng bền vững của ngành đồ uống trong những năm qua.
Khảo sát của iPOS với gần 4.500 đáp viên toàn quốc, chủ yếu ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, cho thấy có sự thay đổi trong mức chi tiêu cho đồ uống bên ngoài giữa năm 2023 và 2024, thể hiện rõ xu hướng dịch chuyển từ các phân khúc giá cao và trung cao xuống các phân khúc bình dân và trung cấp.
Đáng chú ý là sự suy giảm mạnh mẽ của nhóm người tiêu dùng sẵn sàng chi 35.000-50.000 đồng cho mỗi lần đi uống cà phê, trà sữa. Từ mức 47,7% vào năm 2023, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 31,5% trong năm 2024.
Thay vào đó, mức chi 21.000-35.000 đồng lại tăng từ 29,6% lên 40%. Mức giá dưới 20.000 đồng cũng tăng số lượng thực khách sử dụng, từ 4,3% lên tới 12,3% trong cùng kỳ.
iPOS cho biết chính họ cũng cảm thấy bất ngờ với phân khúc cao cấp (từ 70.000 đồng trở lên). Tỷ lệ thực khách của nhóm này vốn rất thấp, nay phải ghi nhận sự sụt giảm nghiêm trọng từ 7,3% xuống còn 5,1%.
Dự kiến, trong năm 2025, ngành đồ uống Việt Nam sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều sự chuyển dịch, khi các doanh nghiệp phải tìm cách cân bằng giữa giá cả, chất lượng và dịch vụ để giữ chân khách hàng trong bối cảnh thị trường đầy biến động.
Trong năm 2024, phân khúc đồ uống có giá 21.000-35.000 đồng chiếm lĩnh thị trường với tần suất tiêu dùng cao nhất. Theo khảo sát của iPOS, có tới 37,7% khách hàng trong nhóm này uống đồ uống hàng ngày, trong khi 40,6% lựa chọn tiêu dùng thường xuyên. Số liệu này phản ánh xu hướng dịch chuyển mạnh mẽ của người tiêu dùng sang các sản phẩm bình dân, phù hợp với mô hình cà phê truyền thống, trà sữa phổ thông và quán mua mang đi.
Theo iPOS, các quán nước chiếm hơn 17% tổng doanh thu của ngành dịch vụ ăn uống và đồ uống (F&B) tại Việt Nam trong năm 2024. Tổng doanh thu toàn ngành đạt khoảng 689.000 tỷ đồng, tăng gần 17% so với năm trước. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này không diễn ra đồng đều mà chủ yếu nhờ đóng góp của giai đoạn 6 tháng đầu năm.
Ở nửa cuối năm, kinh tế phục hồi nhưng tốc độ tăng tiêu dùng sụt mạnh, đặc biệt sau bão Yagi. Phải đến tháng 11/2024, khi thị trường bước vào mùa lễ hội cuối năm, doanh thu mới có dấu hiệu phục hồi.
Dự kiến trong năm 2025, tổng doanh thu ngành F&B sẽ đạt khoảng 755.400 tỷ đồng, tăng trưởng 9,6% - thấp hơn mức tăng của năm 2024. |