Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), và báo cáo của Allied Market Research, thị trường chè hữu cơ toàn cầu đạt 905 triệu USD vào năm 2021 và dự kiến sẽ đạt 2,4 tỷ USD vào năm 2031, tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 10,5% từ năm 2022 đến năm 2031.
Một trong những yếu tố chính thúc đẩy mở rộng thị trường là sự quan tâm ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với các sản phẩm tiêu dùng an toàn, không chứa hóa chất và lành mạnh.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu chè trong tháng 1/2025 giảm mạnh, đạt 9,7 nghìn tấn chè, giá trị đem về 16,4 triệu USD. Giảm lần lượt 21,6% về lượng và 21,5% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Giá bình quân chè xuất khẩu trong tháng 1/2025 đạt 1.694 USD/tấn, tăng 2,1% so với tháng 12/2024 và tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2024.
![]() |
Năm 2030 diện tích chè hữu cơ cả nước đạt khoảng 70.000 tấn. Ảnh: TN |
Việt Nam đã trở thành quốc gia sản xuất, xuất khẩu chè đứng thứ 5 trên thế giới, xuất khẩu tới 74 quốc gia. Hiện, Việt Nam đã chế biến được khoảng 15 loại chè khác nhau, trong đó chè đen và chè xanh là hai sản phẩm chủ lực, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong xuất khẩu. Tuy nhiên, tỷ lệ xuất khẩu chè đen có xu hướng giảm dần. Năm 2024, xuất khẩu chè đen chiếm tỷ lệ 42,5% và dự báo đến năm 2030, giảm xuống còn 41%; xuất khẩu chè xanh đạt tỷ lệ 55% vào năm 2024 và dự báo năm 2030 tăng lên 56%.
Theo đánh giá của các chuyên gia và người tiêu dùng quốc tế, chất lượng sản phẩm chè Việt Nam không thua kém bất kỳ quốc gia sản xuất chè nào trên thế giới. Đặc biệt, chè xanh Việt Nam được rất nhiều khách hàng đánh giá cao như chè xanh Mộc Châu, Thái Nguyên, Suối Giàng, Hà Giang, Ôlong Lâm Đồng, các sản phẩm chè ướp hương sen, nhài...
Để tăng được giá trị của chè xuất khẩu, cần thúc đẩy canh tác chè hữu cơ, mở rộng trồng các giống chè đặc sản, đồng thời đầu tư vào chế biến đa dạng sản phẩm.
Đáng chú ý, để đạt chứng nhận sản phẩm chè hữu cơ, người làm chè phải tuân thủ tiêu chuẩn nghiêm ngặt do các tổ chức quốc tế và Việt Nam quy định; đảm bảo nguyên tắc bảo vệ sức khỏe tiêu dùng và môi trường. Điển hình tính đến nay, tỉnh Thái Nguyên có 120ha chè đạt chuẩn hữu cơ. Đây là con số khá khiêm tốn nhưng trên thực tế, với nhận thức đúng đắn về sản xuất sạch, an toàn, các vùng chè trong tỉnh đang tích cực sản xuất chè theo hướng hữu cơ.
Lãnh đạo Hiệp hội Chè Việt Nam nhận định, ngành chè Việt Nam đã và đang phát triển theo hướng bền vững, áp dụng sản xuất theo các chứng nhận quốc tế. Điểm mạnh của Việt Nam là thổ nhưỡng khí hậu rất phù hợp sự phát triển của cây chè với nhiều vùng chè đặc sản, chất lượng cao như: Thái Nguyên, Sơn La, Lâm Đồng. Đặc biệt, Việt Nam còn có gần 20.000 ha chè shan rừng. Nhiều vùng chè shan cổ thụ hàng trăm năm. Đến năm 2030 diện tích chè hữu cơ cả nước đạt khoảng 11.000 ha, sản lượng đạt khoảng 70.000 tấn, tập trung tại các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái và Thái Nguyên.
Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực đóng góp doanh thu cao nhất cho thị trường chè hữu cơ, đạt 503 triệu USD vào năm 2021, và ước tính sẽ đạt 1,315 tỷ USD vào năm 2031, với CAGR là 10,3%. Các sản phẩm liên quan đến sức khỏe đang trở nên phổ biến hơn đối với người tiêu dùng ở Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Nhật Bản. |