Nhân tố phục hồi du lịch
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, tháng 1/2025, ngành du lịch đã phục vụ 15.500 triệu lượt khách du lịch nội địa. Kết quả này tiếp tục khẳng định sự đóng góp quan trọng của thị trường khách du lịch nội địa đối với tăng trưởng của ngành du lịch.
![]() |
Khách du lịch nội địa kỳ vọng sẽ góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng du lịch năm 2025. Ảnh: TTXVN |
Chia sẻ về thị trường khách du lịch nội địa, ông Phạm Hải Quỳnh – Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á ghi nhận, thị trường du lịch nội địa Việt Nam đã có những bước phát triển tích cực, đặc biệt sau đại dịch Covid-19. Sau khi mở cửa trở lại, lượng khách du lịch nội địa đã tăng trưởng mạnh mẽ. Người dân có xu hướng lựa chọn các điểm du lịch gần gũi, an toàn.
“Đặc biệt, do thị trường ngày càng phong phú với nhiều loại hình du lịch như du lịch sinh thái, văn hóa, ẩm thực và nghỉ dưỡng đã kích cầu du lịch đối với khách du lịch nội địa, nhất là nhu cầu chú trọng vào trải nghiệm và dịch vụ chất lượng ngày một tăng, điều này thúc đẩy các doanh nghiệp cải thiện dịch vụ”- ông Quỳnh nói.
Ngay 9 ngày Tết Nguyên đán 2025, khách du lịch nội địa cũng đã tăng trưởng hết sức ấn tượng. Theo ông Nguyễn Tiết Đạt – CEO Công ty lữ hành AZA Travel, nhu cầu du lịch của người dân trong nước vào dịp Tết luôn tăng cao, nhằm để trải nghiệm văn hoá Tết cổ truyền khắp mọi miền đất nước; cũng như tranh thủ trải nghiệm thêm các điểm đến mới. Vì vậy, dù giá giá tour tăng từ 5-15% so với ngày thường do ảnh hưởng chi phí vận chuyển và dịch vụ song kỳ nghỉ dài vẫn làm tăng nhu cầu du lịch của người dân.
Thống kê từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, ngành du lịch tăng trưởng mạnh mẽ với khoảng 12,5 triệu lượt khách nội địa, tăng 19% so với cùng kỳ 2024. Đây là kết quả hết sức ấn tượng, tạo động lực mạnh mẽ để ngành du lịch thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong năm 2025.
Nắm bắt xu hướng của thị trường
Năm 2025, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 120-130 triệu lượt khách du lịch nội địa, với doanh thu 980-1.050 tỷ đồng, tạo 5,5 triệu việc làm. Như vậy, mục tiêu đề ra cho thấy, việc thúc đẩy phát triển khách du lịch nội địa là hướng đi phù hợp, nhằm duy trì, phát triển bền vững cho ngành du lịch bên cạnh tăng cường khai thác thị trường khách du lịch quốc tế.
Tuy nhiên, trước bối cảnh khó khăn của tình hình kinh tế, nhiều ý kiến bày tỏ không ít lo ngại là sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, kế hoạch chi tiêu của người dân trong nước, nhất là nhu cầu du lịch sẽ bị sụt giảm.
Vì vậy, để kích cầu thị trường, tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế, ngày 21/2, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nêu rõ, cần xây dựng các cơ chế, chính sách về thuế, tín dụng để hỗ trợ tăng sức mua, kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa.
Ông Phạm Hải Quỳnh cũng nêu ý kiến, nhằm thúc đẩy tăng trưởng thị trường khách du lịch nội địa, ngành du lịch cần đẩy mạnh chiến dịch quảng bá du lịch qua các kênh truyền thông, mạng xã hội. Đồng thời, phải tạo ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, trong bối cảnh cạnh tranh thu hút khách từ các quốc gia trong khu vực gia tăng.
Cùng với đó, những nỗ lực cải thiện hệ thống giao thông, tiện ích tại các điểm du lịch nhằm nâng cao trải nghiệm của du khách; đảm bảo an ninh, an toàn điểm đến cũng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đặc biệt, việc nắm bắt thị hiếu, xu hướng du lịch để kích cầu du lịch nội địa sẽ là yếu tố để ngành kinh tế xanh đạt mục tiêu đề ra.
Về nhu xu hướng du lịch của thị trường, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng đã chỉ rõ, xu hướng du lịch của người Việt đã có những thay đổi đáng chú ý với việc quan tâm đến các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp; tour free & easy (combo vé máy bay, khách sạn cao cấp) được nhiều khách hàng lựa chọn.
Trên cơ sở này, theo ông Phạm Hải Quỳnh, các doanh nghiệp, điểm đến cần tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút khách hàng, chẳng hạn như tour trải nghiệm, du lịch mạo hiểm, hoặc du lịch cộng đồng. Tăng cường liên kết giữa các tỉnh, thành phố để phát triển sản phẩm du lịch liên vùng, tạo ra các tour du lịch hấp dẫn.
"Nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua đào tạo nhân viên trong ngành du lịch, từ hướng dẫn viên đến nhân viên khách sạn. Phát triển các mô hình du lịch bền vững, bảo vệ môi trường. Chính phủ có thể đưa ra các chính sách hỗ trợ tài chính, thuế cho doanh nghiệp du lịch để giảm chi phí và thúc đẩy phát triển đối với các địa phương, điểm đến" - ông Quỳnh chia sẻ.