Xuất khẩu sắt thép các loại tăng về lượng và kim ngạch Hoa Kỳ: Thị trường xuất nhập khẩu kỳ vọng của Nghệ An Việt Nam nhập phế liệu sắt thép từ Nhật Bản nhiều nhất, trên 713 triệu USD |
Tháng 1 trùng với kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2025 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ kéo dài. Do đó, tình hình sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép tháng 1 giảm so với tháng trước và cùng kỳ năm 2024.
Báo cáo của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho biết, sản xuất thép thô của Việt Nam trong tháng 1 đạt 683.226 tấn (giảm 11,1% so cùng kỳ); sản xuất thép thành phẩm các loại đạt 2,3 triệu tấn (giảm 7,96% so với tháng 12/2024 và giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2024).
Về cơ cấu mặt hàng, bán hàng thép xây dựng giảm mạnh nhất (25%). Lượng bán hàng thép xây dựng trong tháng 1/2025 thấp hơn bình quân các tháng năm 2024 và bình quân tháng 1 trong giai đoạn đoạn 2020 – 2025. Việc cạnh tranh để bảo vệ thị phần hay mở rộng thị phần giữa các nhà máy bao gồm cả hàng nhập khẩu và các nhà thương mại khiến thị trường khó khăn và không đạt kỳ vọng của mùa xây dựng.
![]() |
Sản xuất thép thô của Việt Nam trong tháng 1 đạt 683.226 tấn |
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tháng 1/2025, Việt Nam xuất khẩu 919.875 tấn sắt thép giảm 19% so với với tháng 1/2024 và kim ngạch đạt 611 triệu USD, giảm 24% về giá trị so cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu trung bình đạt 664,2 USD/tấn, giảm 6% so cùng kỳ.
Về thị trường, Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại sắt thép của Việt Nam, đạt kim ngạch 75 triệu USD, giảm 32% so cùng kỳ năm trước. Vị trí tiếp theo là thị trường Italy đạt kim ngạch 57,9 triệu USD, giảm 49% so cùng kỳ; Campuchia với 53 triệu USD, giảm 22% so cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, tháng 1/2025, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 950 nghìn tấn thép, giảm 38,89% so với tháng 12/2024 và giảm 36,18% so cùng kỳ năm trước về lượng. Giá trị nhập khẩu đạt hơn 691 triệu USD, giảm 36,03% so với tháng 12/2024 và giảm 34,78% so cùng kỳ năm 2024.
Chuyên gia Công ty Chứng khoán FPTS dự báo sản lượng bán hàng sản phẩm thép toàn ngành năm 2025 là 32,5 triệu tấn, tăng 10,6% so với cùng kỳ. Điểm rơi tăng trưởng tiêu thụ thép dự báo trong hai quý đầu năm khi các dự án xây dựng dân dụng khởi công đầu năm cùng tồn kho ngành thấp khiến các đại lý đẩy mạnh gom hàng. Sản lượng nội địa dự báo đạt 23,8 triệu tấn, tăng 13,6% so với cùng kỳ và chiếm 73,3%.
Về xuất khẩu, dự báo tốc độ tăng trưởng năm 2025 ở mức 3,1% so với cùng kỳ, giảm tốc so với thực hiện cùng kỳ và tương đương 8,7 triệu tấn.
Cụ thể, thép xây dựng và HRC chiếm tỷ trọng chính năm 2025 với lần lượt 40,9% và 24,0%. Sản lượng tiêu thụ các sản phẩm thép đều tăng trưởng tích cực. Mức tăng trưởng tích cao nhất là thép xây dựng (tăng 11,1% so với cùng kỳ), HRC (tăng 16,2% so với cùng kỳ) và ống thép (tăng 11,0% so với cùng kỳ) nhờ thị trường nội địa tích cực khi xây dựng trong nước tăng trưởng cùng ngành được bảo hộ.